"Người lao động đánh giá cao về chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ"
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ có chính sách "chưa có tiền lệ" hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chiều 27/10, phát biểu tại đầu cầu Hà Nam về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền đánh giá cao việc Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp việc thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và tình hình quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu, đây cũng là dịp rất tốt để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội.
Đại biểu Hiền cho biết, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó có những chính sách liên quan trực tiếp đến bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng, giãn thời gian đóng một số chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020.
Qua báo cáo của Chính phủ đại biểu đoàn Hà Nam cho biết, các Quỹ bảo hiểm xã hội có tính chất ngắn hạn đều có kết dư và bảo đảm về cân đối. Cụ thể, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư trong năm 2019 và năm 2020 tương ứng là 85,5 nghìn tỷ đồng và 90,59 nghìn tỷ đồng. Do vậy, đại biểu Hiền đề nghị cần sửa đổi để quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ ốm đau và thai sản cho cả người sử dụng lao động và người lao động, ít nhất cũng theo hướng tương tự như quy định về Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Theo đại biểu, việc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội như đề xuất nhằm giúp Chính phủ linh hoạt trong quá trình điều hành, thuận lợi điều chỉnh mức đóng cho cả doanh nghiệp và người lao động, vẫn bảo đảm thực hiện các chế độ, bảo đảm cân bằng quỹ - điều này hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục và sức cạnh tranh doanh nghiệp. Điều này còn thấy rõ và có ý nghĩa trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cho rằng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Việc đảm bảo an toàn và tăng trưởng bền vững hai quỹ này thời gian qua được Chính phủ và ngành bảo hiểm xã hội đặc biệt quan tâm, đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, trong năm 2020 có 16,176 triệu người (tăng gần 400 nghìn người so với năm 2019).
Để thực hiện tốt mục tiêu mà Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bởi theo đại biểu dư địa khu vực này còn rất lớn.
Tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh bảo hiểm xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia. Năm 2020, bảo hiểm xã hội có những kết quả vượt bậc, nhưng vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển bảo hiểm xã hội.
Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo tinh thần Nghị quyết 28, trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng…
Phát biểu tại đầu cầu tỉnh Quảng Nam, đại biểu Lê Văn Dũng phản ánh quy định hiện nay chưa rõ việc trốn đóng và chậm nộp bảo hiểm xã hội nên các doanh nghiệp đã chây ì gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
"Tôi đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý phân biệt rõ trường hợp nào là trốn đóng, trường hợp nào là chậm nộp, cùng đó là các chế tài để xử lý các đơn vị sử dụng lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội", đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị.