Chủ tịch Quốc hội: Các gói hỗ trợ an sinh xã hội được làm tốt và hiệu quả
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trong năm nay các gói hỗ trợ về an sinh xã hội được làm tốt và có hiệu quả. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện rất nhanh gói hỗ trợ.
Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV…
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trong năm nay các gói hỗ trợ về an sinh xã hội được làm rất tốt và có hiệu quả. Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (NQ 68/NQ-CP), gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng (Nghị quyết 116) và chuyển 14.000 tỷ đồng trang cho phòng chống dịch…
"Đối với gói 38.000 tỷ đồng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện rất nhanh. Người lao động chỉ cần có tài khoản là chuyển được tiền ngay" - Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, thị trường lao động chịu tác động nặng nề nhất. Cụ thể, nếu như quý II vừa qua, đại dịch tác động đến 12,8 triệu lao động, thì quý III tác động đến gần 30 triệu người. Trong đó, mất việc làm 5%; 32% tạm nghỉ hoặc tạm ngừng việc; 50% bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn cách. Đặc biệt, có 80% người lao động bị giảm thu nhập.
Từ việc người lao động từ thành thị, khu công nghiệp trở về quê, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau đại dịch sẽ có sự phân bổ lại lao động, dân cư. Cụ thể, trong ngành công nghiệp xây dựng giảm 815.000 người, dịch vụ giảm 2,28 triệu lao động, nhưng lao động trong nông nghiệp lại tăng 742.000 người.
"Phải chăng đây là số lao động dịch chuyển từ những trung tâm kinh tế về sinh cơ lập nghiệp ở nông thôn. Số người có việc làm ở nông thôn, họ quay lại ít lắm" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Gói hỗ trợ chưa có tiền lệ
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nhận xét của Chủ tịch Quốc hội về các gói hỗ trợ về an sinh xã hội trong năm 2021 là rất quan trọng. Theo Bộ trưởng, công tác an sinh xã hội trong năm 2021 được thực hiện rất bài bản, có lộ trình, có bước đi. Cụ thể, trong tháng 3/2021, đã có Nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo Nghị định 75. Tới đây, sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh chuẩn nghèo trong giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh lương hưu, nhất là ưu tiên những người lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khi dịch bệnh bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã ban hành các gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Trong đó, Nghị quyết 68 được thực hiện khẩn trương. Đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người (23.000 tỷ đồng) được hưởng thụ theo Nghị quyết 68.
Về gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng (Nghị quyết 116), theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Sau khi, có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải ngân ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. "Ai có tài khoản thì được chuyển tiền ngay, ai chưa có thì mở tài khoản, trường hợp không có thì thông qua doanh nghiệp. Về cơ bản đến nay đã thực hiện xong việc rà soát và hỗ trợ đối với người sử dụng lao động. Còn đối với người lao động đã hỗ trợ được hàng triệu người. Tinh thần, chúng tôi phấn đấu trong 45 ngày sẽ hỗ trợ xong toàn bộ người lao động" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh, Bộ trưởng có 3 lần đi cùng Thủ tướng kiểm tra ở TPHCM và các tỉnh miền Đông. "Chúng ta không thể hình dung hết những khó khăn là như thế nào. Nhưng tôi rất biết ơn nhân dân của 23 tỉnh thành thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách thời gian qua, nhất là người dân TPHCM đã hy sinh những vấn đề cá nhân ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Các cán bộ ngành lao động, thương binh - xã hội, cán bộ tổ dân phố, các lực lượng quân đội, công an đã đến từng nhà, từng ngõ để hỗ trợ người dân" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
"Tuy nhiên, do số lượng người cần hỗ trợ rất lớn, lên đến hàng chục triệu người cùng lúc, trong điều kiện giãn cách xã hội, dẫn đến việc tổ chức thực hiện chỗ này, chỗ kia vươn chưa tới. Do vậy, còn một bộ phận người dân chưa được nhận hoặc chậm được nhận hỗ trợ. Đây là những cái chúng tôi rất lưu ý. Trên có sở đó, tới đây, Bộ sẽ tổ chức 12 đoàn đi hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để tiếp tục thực hiện việc này; đặc biệt là triển khai chính sách phục hồi lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Về vấn đề lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngành đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, chúng ta có 4 loại hình lao động gồm: Lực lượng lao động khu vực FDI, thứ 2 là khu vực sản xuất công nghiệp, thứ 3 là khu vực sản xuất ngoài khu công nghiệp và thứ 4 là lao động tự do. Vừa qua, việc dịch chuyển lao động hầu như rơi vào nhóm lao động ngoài khu công nghiệp, lao động tự do đều rất khó khăn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp một nhánh trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
Theo đó, Chính phủ đang xây dựng chương trình phát triển thị trường lao động, trong đó có những giải pháp về người sử dụng lao động, doanh nghiệp và nêu rõ trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của Bộ, trách nhiệm của Chính phủ. Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách để đẩy nhanh phục hồi thị trường lao động theo hướng giữ chân người lao động tại chỗ; hút người lao động từ các địa phương trở lại và có những giải pháp để có thể bổ sung, điều tiết lực lượng lao động cần thiết cho các địa bàn trọng điểm, những ngành nghề cấp thiết.
"Vấn đề thị trường lao động sẽ điều tiết theo thị trường. Trước đây, không có dịch bệnh, hàng năm sau Tết, chúng ta vẫn thiếu 10% lao động. Năm nay, chắc chắn sẽ thiếu, nhưng chỉ phục hồi sau Tết. Trong trường hợp căng thẳng thị trường lao động, chúng ta đã có cả phương án để có thể cung cấp khoảng 200.000 lực lượng lao động mới" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay có 2.580 trẻ rơi vào tình trạng mồ côi. Trong đó có 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ.
"Vừa qua có những doanh nghiệp muốn thành lập những cơ sở nuôi dưỡng riêng cho các em. Chúng tôi hoan nghênh việc này, nhưng gia đình là tất cả đối với các cháu, đây chỉ là phương án cuối cùng. Khi các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm nhà nước" - Người đứng đầu ngành lao động nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, vừa qua có một số tổ chức quốc tế đăng ký với Bộ trưởng xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu rõ quan điểm là khuyến khích hỗ trợ tiền cho các cháu, vật chất cho các cháu và nhà nước đứng ra nhận, chứ không đồng ý với việc tổ chức quốc tế đứng ra đỡ đầu cho các cháu.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ. Với các cháu không còn cha lẫn mẹ thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ cho các cháu ăn học.