1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão

Xuân Sinh Tiến Thành Đăng Đức

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo an toàn trước bão, quân dân tại đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị đã được cơ động xuống hầm trú ẩn. Tại Quảng Bình, người dân tại bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được đưa ra ngoài tránh bão.

Ghi nhận tại Quảng Trị, đến 21h30 tại vùng biển bắt đầu có gió giật mạnh, mưa nặng hạt.

Tối 14/11, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 13 và chỉ đạo các địa phương đảm bảo an toàn tuyệt đối, cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men… tại các điểm tránh trú bão của người dân.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 1

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác phòng chống bão tối 14/11

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị đã hoàn thành di dời 12.234 hộ dân, với trên 35.000 người dân, đến các địa điểm an toàn để tránh bão số 13 và sạt lở đất. 

Trong công tác di dân, các địa phương đã ưu tiên người già, trẻ em, người khuyết tật, các hộ dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. 

UBND tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18h ngày 14/11.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 2

Tặng quà động viên người dân tránh bão.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt, trong đó tập trung giám sát thực hiện việc đưa dần mực nước về cao trình đón lũ và rà soát, kiểm tra việc cung cấp thông tin kịp cho hạ du trước khi xả lũ; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm hồ đập, đê điều, công trình phòng chống thiên tai ven biển, công trình đang thi công, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 3
Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 4

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý địa phương không được chủ quan trước bão. Ảnh: Nguyễn Nhất

Kiểm tra công tác phòng chống bão tại vùng biển và hoạt động di dời dân cư, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao tính chủ động của Quảng Trị, đã cơ bản hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão cũng như chủ động tất cả các kịch bản, neo đậu tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn, chủ động phòng chống sạt lở đất.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý với tính dự báo bão số 13 là cơn bão mạnh, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị vì thế địa phương tuyệt đối không được chủ quan, sẵn sàng phương án tiếp tục di dân trong tình huống bất ngờ. 

Đảm bảo an toàn tuyệt đối tại các điểm người dân tránh trú bão. Ngay sau bão cần tính toán câu chuyện phục hồi sản xuất, để người dân bắt tay vào phát triển sản xuất, tái ổn định đời sống sớm nhất.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 5

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra công tác di dân tránh bão tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 6

... và công tác neo đậu tàu thuyền.

Trung tá Phan Văn Phương – Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, đến 16h30 ngày 14/11, cán bộ, quân và dân đảo Cồn Cỏ đã được cơ động vào điểm cao 337 để tránh trú bão. Có khoảng 17 hộ dân, với 79 người dân vào khu vực trú ẩn an toàn.

Di dân tại đảo Cồn Cỏ

Thời điểm 18h30, tại đảo Cồn Cỏ đã có mưa nặng hạt và gió cấp 8 đến cấp 9.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 7
Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 8

Quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ đến nơi tránh trú bão. Ảnh Phan Vĩnh

Cùng thời gian này, ghi nhận tại khu vực biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, đang có mưa nhỏ và gió nhẹ. 

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 9

Bộ đội biên phòng giúp dân chằng chống nhà cửa vào chiều 14/11. Ảnh Phan Vĩnh

Thượng tá Nguyễn Xuân Hoà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Tùng cho biết, Đồn biên phòng quản lý 3 địa bàn ven biển, gồm thị trấn Cửa Tùng, xã Kim Thạch và xã Vĩnh Thái, với chiều dài 20 km. Đây là khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão khi tiếp bờ.

Để chủ động ứng phó với bão số 13, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân phòng chống bão, có lực lượng tuyên truyền lưu động đến những khu vực xung yếu, các âu thuyền để vận động người dân đến nơi an toàn, đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu chắc chắn trước giờ bão đổ bộ. Đến 16h30, các lực lượng đã hoàn tất việc giúp dân chằng chống nhà cửa để chống bão. 

Chiều cùng ngày, ông Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra công tác di dời dân và các hoạt động phòng chống bão tại một số địa phương ven biển.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 10

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị động viên người dân tránh bão tại xã Triệu An.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng hoàn thành việc di dời dân đến nơi an toàn trước 15h ngày 14/11; tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của cơ quan chức năng; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn, trừ lực lượng làm công tác cứu hộ cứu nạn và trường hợp đặc biệt.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chức năng theo dõi sát sao những diễn biến của cơn bão số 13 để chủ động triển khai các phương án phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời yêu cầu, trước khi bão số 13 đổ bộ vào đất liền, cơ quan chức năng phải kiên quyết di dời người dân ở các vùng nguy hiểm đến các địa điểm an toàn, nếu cần thiết phải tiến hành cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân…

 Đến 17h ngày 14/11, tỉnh Quảng Trị đã triển khai sơ tán dân tránh bão trên 12.234 hộ dân với 35.421 người, trong đó có 265 hộ dân với 1.149 người (ở huyện Hướng Hóa) sơ tán đến các địa điểm tập trung để phòng tránh sạt lở đất và cả phòng tránh bão.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, trong quá trình chằng chống nhà cửa, có 2 người bị thương gồm ông Phạm Duy Dược (60 tuổi, trú tại thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) bị gãy chân và xương bả vai; ông Nguyễn Đình Thanh (32 tuổi; trú tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh) bị chấn thương ở mặt.

Hiện nay, dung tích các hồ chứa ở Quảng Trị đã cơ bản đạt dung tích trữ. Đối với các hồ chứa vừa và lớn, đơn vị quản lý các công trình này đã xây dựng kế hoạch vận hành điều tiết xả lũ đối với hồ có cửa van điều tiết, với lưu lượng xả lũ ứng với kịch bản mưa và lượng nước đến hồ.

Tùy theo tình hình mưa lũ, đơn vị quản lý các hồ chứa chủ động điều tiết xả lũ, đảm bảo an toàn hồ đập, hạn chế thấp nhất gây ngập lụt vùng hạ du. Riêng Hồ Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị đã đạt 100% dung tích trữ nên tiến hành điều tiết xả lũ từ đêm ngày 11/11, với lưu lượng xả trung bình qua tràn 45 m3/s.

Quảng Bình: Huy động xe tải vào bản Sắt, đưa người dân ra ngoài tránh bão

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 13, chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã lên phương án di dời người dân tại bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đến nơi an toàn.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 11

BĐBP Quảng Bình chằng chống nhà cửa cho bà con dân bản.

Bản Sắt, xã Trường Sơn có 34 hộ, 152 nhân khẩu. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho hơn 20 nhà dân bị ngập sâu, một số khu vực trong bản xuất hiện nguy cơ sạt lở nên chính quyền địa phương đã hỗ trợ, đưa người dân qua khu vực đối diện bản để dựng lán trú tạm.

Trước diễn biến của bão số 13, khu vực lán của bà con Vân Kiều không đảm bảo an toàn, do vậy, chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã huy động 2 xe tải vào bản Sắt di dời người già, trẻ em, phụ nữ cùng nhiều tài sản về Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trường Sơn và một số nhà kiên cố để tá túc. Riêng lực lượng thanh niên, đàn ông ở lại bản để bảo vệ nhà cửa, tài sản.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 12

Chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã huy động 2 xe tải để đưa người và tài sản của bà con tại bản Sắt ra ngoài tránh bão.

Chính quyền xã Trường Sơn cũng đã tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống; huy động lực lượng phụ nữ tập trung nấu ăn cho bà con bản Sắt trong vòng 3 ngày tới.

Trong buổi kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Trường Sơn vào ngày 14/11, ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương sẵn sàng ứng phó với bão; cố gắng bảo vệ tài sản của người dân, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho chính bản thân mình trong thời gian xảy ra bão.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 13

Người dân bản Sắt hiện đang tránh bão tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trường Sơn và một số nhà kiên cố tại xã này.

Ngay sau khi bão đi qua, phải khảo sát vị trí, san lấp mặt bằng để sớm di dời nhà cửa những hộ có nguy cơ bị sạt lở về nơi ở mới để bà con sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Ông Trần Phong và đoàn công tác cũng đã trao 34 suất quà nhằm chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân bản Sắt, xã Trường Sơn.

Tối 14/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến kiểm tra Khu neo đậu tránh trú tàu thuyền cửa Gianh và công tác ứng phó với bão số 13 tại Quảng Bình.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã thành lập 2 đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Thường trực và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến chỉ đạo công tác phòng chống tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 13.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 14

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cùng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó với bão số 13 tại Quảng Bình.

Tối 14/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp đến kiểm tra Khu neo đậu tránh trú tàu thuyền cửa Gianh, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Tại đây, hiện đang có hơn 500 con tàu thuyền neo đậu để tránh trú bão; chính quyền địa phương và người dân đã và đang thực hiện đồng bộ các nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với bão.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các đơn vị, chính quyền địa phương tuyệt đối không để người dân ở trên tàu trong khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, các nhà dân không đảm bảo an toàn. Triển khai rà soát, kiểm tra, quyết liệt sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm trước 21h tối nay (14/11).

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 15

Hiện tại, toàn bộ 6.564/6.564 phương tiện tàu cá, 19 tàu vận tải trên địa bàn Quảng Bình đã vào vị trí neo đậu an toàn. 

Trước đó, vào chiều cùng ngày, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu cũng đã đến thắp hương, chia buồn với gia đình ông Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, người qua đời vì vết thương bị nhiễm trùng khi nỗ lực giúp dân trong lũ.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 6.564/6.564 phương tiện tàu cá, 19 tàu vận tải trên địa bàn Quảng Bình đã vào vị trí neo đậu an toàn. Tỉnh Quảng Bình cũng đã di dời 108hộ/438 khẩu; đồng thời lên kế hoạch và phương án để di dời 20.290 hộ dân với 76.069 người trong trường hợp khẩn cấp.

Để chủ động đối phó với bão số 13, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão số 13 để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 16

Cơ quan chức năng tại Quảng Bình triển khai các biện pháp ứng phó với bão vào chiều 14/11.

Đối với trên sông, trên biển, cần rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm; không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan. Tiếp tục rà soát các điểm dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân, cán bộ, chiến sỹ, người lao động đến nơi an toàn.

Triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão; khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ; các trường học căn cứ tình hình bão, mưa lũ chủ động cho học sinh nghỉ học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Hà Tĩnh di dời khẩn hàng nghìn hộ dân trong đêm

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 17

Hà Tĩnh khẩn trương di dời hàng nghìn hộ dân trước khi bão số 13 đổ bộ

Ngày 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã ra công điện khẩn về việc ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 13. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, các huyện, thành phố sẵn sàng các phương án, chủ động ứng phó với cơn bão số 13, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương tổ chức sơ tán xong 3.364 hộ với 17.676 người tại các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… trước 20h ngày 14/11. Trong trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Đối với khu vực vùng núi, các vùng hạ du, cần chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét theo các kịch bản đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người dân.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 18

Lực lượng chức năng tuyên truyền, cam kết để người dân đi sơ tán

Đến 19h tối nay thì việc sơ tán các hộ dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn đang được tiến hành khẩn trương.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, đến chiều tối nay (14/11) toàn huyện đã tổ chức di dời được hơn 360 hộ với gần 1.000 người dân tại các xã ven biển như Thiên Cầm, Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh đến các khu vực an toàn.

“Theo kịch bản cấp độ 1 thì đến nay việc di dời đã hoàn thành. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để có chỉ đạo, cũng như ứng phó nhằm đảm bảo an toàn về người cũng như tài sản của người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin và cho biết từ chiều đến tối nay trên địa bàn đang có mưa vừa.

Người dân trên đảo Cồn Cỏ xuống hầm tránh trú bão - 19

Lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp người dân di dời đồ đạc, tài sản

Huyện Lộc Hà cũng đang khẩn trương di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Thiếu tá Nguyễn Đình Hiểu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa Sót (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đã huy động các cán bộ chiến sĩ trong đồn chia thành nhiều đoàn xuống các địa bàn giúp người dân di dời tài sản, cũng như sơ tán các hộ dân đến các vị trí an toàn.

Ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà cho biết thêm, hiện địa phương đã di dời được hơn 400 hộ dân trên tổng số hơn 700 hộ.

“Hiện có một số hộ đang xin ăn tối xong sẽ sơ tán. Đến 20h tối nay, công tác sơ tán dân sẽ được thực hiện xong, để đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Thế Hoàn thông tin.

Đến tối nay, một số khu vực Hà Tĩnh đã có mưa nhỏ.