Kon Tum:
Nơm nớp nỗi lo sạt lở mỗi khi bão đến
(Dân trí) - Hàng trăm hộ dân tại thị trấn Đăk Glei và xã Đắk Pék đang sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo bị sạt lở. Mỗi lúc mưa bão về, họ lại bồng bế nhau đi sơ tán ở khu vực an toàn.
Huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) có địa hình đồi núi cao, đường đi hiểm trở. Người dân thường sống trong những lòng chảo, bao quanh bởi các dãy núi lớn. Mỗi mùa mưa bão trên địa bàn lại xảy ra tình trạng sạt lở núi, cầu đường và lũ quét từ trên núi cao đổ xuống.
Xã Đắk Pék và thị trấn Đăk Glei nằm sát bên QL14, phía sau các dãy nhà là những dãy núi khổng lồ. Để có đất làm nhà, người dân đã khoét núi, lấn sông… Với những tác động này đã khiến nguy cơ sạt lở luôn luôn rình rập đến cuộc sống của bà con.
Anh Hoàng Văn Trung (32 tuổi, trú thôn 14B, xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei lo lắng nói: “Nhà mình nằm dưới chân núi dựng đứng. Những ngày qua, trời mưa như trút nước khiến cả gia đình luôn sống trong tình trạng lo sợ. Giữa đêm, cả nhà phải bồng bế con sang nhà người thân ngủ nhờ vì phía trên núi bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Không chỉ riêng nhà mình mà cả khu này hò nhau chạy tán loạn. Ban ngày còn đỡ chứ ban đêm không biết đường nào mà tránh cả. Để đề phòng, người dân di tản đến nhà người thân nương nhờ cho qua cơn mưa bão chứ không làm gì khác được”.
Ông A Nhoong (71 tuổi, ở thôn Đắk Đoát, xã Đắk Pék) cho biết ngay trước nhà ông là quả đồi dựng đứng với những vết nứt dài. Căn nhà của ông nằm lọt thỏm dưới chân ngọn đồi đang chực chờ đổ xuống. Ngay phía sau nhà ông A Nhoong, dòng sông Pô Kô cũng đang bào dần những lớp đất bên dưới móng nhà.
“Hôm cơn bão số 9 đổ bộ, mưa liên tục kéo về khiến nước trên sông Pô Kô dâng cao. Gia đình tôi sợ đất trên đồi cao ập xuống nên kéo nhau ra nhà văn hóa thôn trú tạm. Phía trước nhà là một ngọn núi cao, phía sau lại có một dòng sông đang chực chờ sạt lở. Những hôm mưa lớn cả nhà không thể ngủ được”, ông A Nhoong nói.
Trường mầm non xã Đắk Pék, nơi có gần 300 học sinh đang học cũng nằm trong khu vực nguy hiểm. Trong cơn bão số 9, núi đã bắt đầu lở, đổ đất đá tràn vào khu nhà ở nhân viên và bếp ăn của trường. Cũng may, có bức tường bê tông chặn lại được một phần.
Để đề phòng sạt lở, nhiều gia đình đã xây tường cao che chắn nhà cửa nhưng khó mà cản nổi nếu cả ngàn khối đất đá đổ xuống. Càng đáng lo hơn khi một bên là dòng sông Pô Kô mực nước ngày một lên cao, chảy cuồn cuộn. Nếu chẳng may sự cố xảy ra, nguy cơ rất lớn cả người và tài sản sẽ bị cuốn trôi xuống dòng sông này.
Tương tự, chị Phạm Thị Thương (31 tuổi, ở đường A Khanh, thị trấn Đăk Glei) cho biết, gia đình chị đã nhiều đêm không ngủ vì nỗi lo sạt lở. Những đêm mưa lớn cả gia đình chị phải đem tài sản dồn về phía trước căn nhà để đề phòng.
Chị Thương nói: “Nhà dưới chân đồi, ngày nào chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ. Gần đây thấy đất sạt lở, chúng tôi dự định thuê máy móc đào đi nhưng vướng quy định vì đưa máy móc vào là sợ vi phạm luật khoáng sản. Chúng tôi chỉ mong nhà nước có phương án hỗ trợ người dân”.
Bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Pék, cho biết cơn bão số 9 để lại hậu quả vô cùng lớn. Địa hình của xã một bên là vực, một bên là núi nên khi mưa thì vừa gây sạt lở lớn lại vừa gây ngập sâu. Cả xã có 7 tuyến đường đều bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn xã có tới 137 hộ bị ảnh hưởng nặng, 2 điểm trường bị sạt lở. Riêng điểm trường mầm non của xã tại thôn Đăk Rang thì sạt lở đất chỉ cách lớp học 2 m. Tại thôn 14B, có tới 35 căn nhà bị sạt lở và ngập nước.
Theo đại diện UBND huyện Đắk Glei cho biết, nguy cơ sạt lở tại xã Đắk Pék và thị trấn Đắk Glei huyện đã có văn bản báo cáo với tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp với lực lượng chức năng để giúp người dân sơ tán nhằm đảm bảo an toàn trong mỗi mùa mưa bão.