Người dân tháo dỡ những căn biệt thự tiền tỷ để nhường đất xây cao tốc
(Dân trí) - Mặc dù chưa đồng ý với phương án bồi thường nhưng nhiều hộ dân ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vẫn tháo dỡ ngôi nhà tiền tỷ của mình để nhường đất xây cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Chiều 14/6, khu vực ngã tư Quốc tế thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi rền vang tiếng máy đào, tiếng đục phá bê tông.
Khoảng 40 nhân công, hàng chục phương tiện cơ giới miệt mài đập phá, đào xới hàng chục căn nhà. Đây là những công trình thuộc diện giải tỏa để thi công nút giao thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).
Mấy ngày qua, vợ chồng ông Lê Văn Tình luôn có mặt ở hiện trường giải phóng mặt bằng tại ngã tư Quốc tế. Ông Tình là chủ căn nhà 2 tầng kiên cố được xây dựng theo lối kiến trúc biệt thự. Căn nhà nằm trên mặt tiền tỉnh lộ 623B.
Nhà có diện tích sàn hơn 200m2, tại thửa đất rộng 400m2. Theo quy hoạch, căn nhà buộc phải tháo dỡ để thi công nút giao cao tốc. Hơn 1 năm qua, ông Tình không đồng ý với phương án bồi thường, tái định cư được đưa ra.
Đầu tháng 6, chính quyền huyện Tư Nghĩa tăng cường vận động người dân cần đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Bởi mặt bằng chưa sạch ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Được vận động, ông Tình đồng ý di dời tài sản đến nơi ở tạm, nhường đất xây dựng cao tốc. Tuy nhiên, ông vẫn chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, nhận đất tái định cư. Ông cho biết sẽ cùng các hộ dân khác khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi chính đáng.
Ông Tình là 1 trong 13 hộ dân thuộc khu vực ngã tư Quốc tế chấp nhận di dời nhường đất thi công cao tốc nhưng không đồng ý nhận bồi thường. Có người chuyển đến nhà người thân, có người thuê nhà để ở và tiếp tục kiến nghị đòi quyền lợi.
Ông Châu Ngọc Hồng có thửa đất rộng 320m2, trên thửa đất này có 2 căn nhà. Trong đó có một căn hai tầng kiên cố với diện tích sàn hơn 300m2. Những ngày qua, ông Tình cùng các con dọn dẹp tài sản đến nơi ở tạm.
Theo ông Hồng, phương án đền bù chưa hợp lý. Do đó, lâu nay ông không đồng thuận giao đất. Tuy nhiên, nửa tháng qua từ lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo huyện Tư Nghĩa liên tục đến vận động nên ông đã nhận tiền đền bù, đất tái định cư. Dù vậy, ông nói vẫn chưa hài lòng và sẽ tiếp tục kiến nghị.
Ông Hồng chia sẻ, hơn chục năm qua, gia đình ông gom góp xây căn nhà kiên cố. Bao nhiêu tiền của đều đổ vào những căn nhà. Do đó, nhà của ông thuộc loại lớn nhất tại khu vực này. Thế nhưng tiền đền bù nhận được chưa đủ để xây lại 2 căn nhà kiên cố như hiện tại.
"Trừ chi phí nộp tiền sử dụng đất ở khu tái định cư, gia đình tôi nhận được hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này không đủ để xây lại 2 căn nhà to đẹp như hiện tại. Dù vậy tôi vẫn chấp hành di dời, bàn giao mặt bằng. Những việc còn vướng mắc, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị", ông Hồng nói.
Người dân huyện Tư Nghĩa cùng đơn vị thi công tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản đến nơi ở mới. Những hộ gia đình có nhu cầu sẽ được chính quyền địa phương cử lực lượng đến hỗ trợ.
Hầu hết người dân tại ngã tư Quốc tế cho rằng, phương án đền bù chưa phù hợp với thực tế. Khu vực này sầm uất, thuận lợi cho việc buôn bán. Do đó giá đất thực tế tại đây rất cao.
Mặt khác, người dân phải di dời vào khu tái định cư, mất lợi thế kinh doanh. Tuy nhiên, phương án bồi thường của dự án cao tốc lại thấp khiến người dân chịu thiệt.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km.
Tỉnh Quảng Ngãi có gần 5.500 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân nằm trong phạm vi mặt bằng dự án cao tốc tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Hơn 1.700 hộ dân được bố trí tái định cư tại các khu dân cư mới của 4 huyện, thị xã.
Tính đến hết tháng 5, Quảng Ngãi đã giao 99% mặt bằng, 1% bị tắc nghẽn do người dân không đồng thuận di dời. Số này tập trung nhiều nhất tại huyện Tư Nghĩa.
Sau nhiều lần trễ hẹn, mới đây tỉnh Quảng Ngãi quyết định gia hạn lần cuối cho việc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc. Theo đó, đến 30/6, tỉnh này sẽ giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Theo ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, khu vực ngã tư Quốc tế là điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Trước áp lực lớn, nửa tháng qua lãnh đạo huyện Tư Nghĩa túc trực tại hiện trường để động viên người dân, chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng.
Đến nay 33/36 hộ đã đồng ý bàn giao mặt bằng, 3 hộ còn lại chính quyền tiếp tục vận động, tuyên truyền. Trong trường hợp các hộ dân vẫn không đồng tình, huyện Tư Nghĩa sẽ lên phương án cưỡng chế tháo dỡ.