Người đàn ông Ninh Bình - người châu Á duy nhất nhận giải "Nobel xanh" 2021
(Dân trí) - Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam vừa được vinh danh, nhận giải thưởng môi trường thế giới (ví như "Nobel xanh"), trị giá giải thưởng 5 tỷ đồng.
Vào lúc 16h ngày 15/6, theo giờ Mỹ (tức 6h sáng 16/6 theo giờ Việt Nam), Giải thưởng môi trường Goldman (Goldman Environmental Prize) - Giải thưởng môi trường lớn nhất thế giới (được ví như giải "Nobel xanh") đã vinh danh anh Nguyễn Văn Thái (39 tuổi) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife).
Anh Thái được công bố là một trong 6 người trên thế giới và là nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam, duy nhất đại diện châu Á được vinh danh giải thưởng danh giá này. 5 đại diện còn lại là các nhà hoạt động vì môi trường từ các nước gồm: Gloria Majiga-Kamoto (Malawi, châu Phi), Maida Bilal (Bosnia và Herzegovina, châu Âu), Kimiko Hirata (Nhật Bản, quần đảo và các đảo quốc), Sharon Lavigne (Mỹ) và Liz Chicaje Churay (Peru).
Anh Nguyễn Văn Thái là người Ninh Bình, sinh ra và lớn lên gần Vườn Quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan) nên quyết tâm gắn bó và dành tâm huyết để bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
Năm 2014, khi mới 32 tuổi, anh sáng lập và trở thành Giám đốc điều hành của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife), với sứ mệnh ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam.
Save Vietnam's Wildlife là tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở hoạt động tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. 7 năm qua, anh cùng cộng sự trong Trung tâm đã cứu hộ hơn 1.500 cá thể Tê tê, phối hợp với kiểm lâm tịch thu và gỡ bỏ hơn 9.700 bẫy thú, nhiều lán trại bất hợp pháp...
Người đàn ông này là người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách Hội chuyên gia nghiên cứu Tê tê thế giới với vai trò là Phó Chủ tịch Hội.
Ngoài hoạt động ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, anh Thái còn tổ chức các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã. Đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, tham dự các hội thảo quốc tế và xây dựng các quy trình đầu tiên về theo dõi và phục hồi Tê tê ở Việt Nam.
Cụ thể, đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Bình, Trung tâm phục hồi chức năng cho Tê tê Châu Á đầu tiên của Việt Nam... Nhờ đó, 80% cá thể động vật hoang dã bị thương nặng đã được cứu chữa và phục hồi.
Được nhận giải thưởng danh giá, anh Nguyễn Văn Thái tâm sự, không chỉ bất ngờ mà còn rất vui sướng, bởi từ khi đề cử đến quy trình xét duyệt giải thưởng đều bí mật.
"Tôi rất vinh dự và tự hào khi những nỗ lực của bản thân và hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam do tôi sáng lập đã được ghi nhận, không chỉ ở Việt Nam, mà lan rộng ra thế giới. Điều này khẳng định năng lực của một tổ chức do chính người Việt làm chủ, góp phần thay đổi hình ảnh của ngành bảo tồn Việt Nam trong mắt giới chuyên môn quốc tế", anh Thái nói.
Anh Thái chia sẻ thêm, đây là động lực, quyết tâm để anh cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam do mình sáng lập tiếp tục nhiệm vụ cao cả trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là loài Tê tê. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng người dân, chung tay bảo tồn và phục hồi động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Trước đó, vào năm 2018, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - người có nhiều cống hiến trong hoạt động thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, quản trị tốt nguồn nước, không khí và phát triển Xanh ở Việt Nam đã vinh dự nhận giải thưởng này.
Giải thưởng "Goldman Environmental Prize" là giải thưởng quan trọng nhất nhằm tôn vinh các cá nhân hoạt động về môi trường ở cấp cơ sở, đến từ 6 khu vực địa lý trên thế giới, gồm Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Các quần đảo & quốc đảo, Bắc Mỹ và Nam & Trung Mỹ. Giải thưởng được sáng lập năm 1989, bởi nhà hoạt động từ thiện người Mỹ Richard và Rhoda Goldman. Giải thưởng này danh giá không chỉ vì sự cạnh tranh gắt gao, mà còn vì sự công nhận mang tầm quốc tế cho những thành tựu và cống hiến của các cá nhân là lãnh đạo môi trường nổi bật trên toàn thế giới.
Đến nay, Giải thưởng đã được trao cho hơn 200 cá nhân (trong đó có 87 người là phụ nữ), đến từ hơn 90 quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, Giải thưởng chỉ trao tặng cho 6 cá nhân xuất sắc. Trị giá giải thưởng là 200.000 đô la (gần 5 tỷ đồng).
Giá trị của Giải thưởng là sự "phản ánh tác động mạnh mẽ mà một người có thể làm với nhiều người" và đặc biệt, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái đất. Điều đặc biệt của Giải thưởng là các cá nhân không thể tự đăng ký ứng giải. Hội đồng Ban giám khảo Quốc tế của giải thưởng sẽ lựa chọn những người đoạt giải hàng năm từ một danh sách kín do mạng lưới các tổ chức môi trường và các cá nhân trên khắp thế giới đề cử.