Người đàn ông có biệt tài nhái giọng khiến tắc kè, chuột "lao ra đáp lời"
(Dân trí) - Ở Bến Tre, ông Hồ Ngon nổi tiếng với biệt danh nhiếp ảnh gia "tắc kè". Không chỉ chụp ảnh đẹp, ông Ngon còn nổi tiếng vì có thể nhại tiếng hàng chục loài động vật và giọng nói vùng miền.
"Thánh" nhại tiếng vùng miền, động vật
Mới đây, clip một người đàn ông có thể cùng lúc nói được giọng nhiều vùng miền và nhại được tiếng nhiều loài động vật, được đăng tải trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều người xem và vô số bình luận.
Nhiều người cho rằng nếu tập lâu thì ai cũng có thể làm được nhưng đa phần đều tán thưởng cho rằng đó là biệt tài của người đàn ông. Có những người còn hiến kế cho người đàn ông nên theo nghiệp diễn viên lồng tiếng khi một mình có thể thủ cả chục vai diễn.
Theo tìm hiểu, người đàn ông đó là nhiếp ảnh gia Hồ Ngon (tên thật là Hồ Văn Ngon, 67 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), một người rất "có tiếng" trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật miền Tây.
Trò chuyện với PV, nhiếp ảnh gia Hồ Ngon cho biết ông tình cờ phát hiện ra khả năng nhại tiếng động vật và giọng người khác từ nhỏ, đó cũng là sở thích của ông.
Ngày còn rong ruổi sáng tác, ông Ngon được gọi với biệt danh nhiếp ảnh gia "tắc kè", vì ông có biệt tài nhại tiếng tắc kè như thật.
Không chỉ chụp ảnh đẹp, ông còn gây ấn tượng, khiến người ta nhớ vì có thể nhái được tiếng kêu của hàng chục loài vật; giọng nói của nhiều người ở nhiều vùng miền khác nhau. Ông Ngon còn có thể một mình đảm nhận một vở kịch, vào vai nhiều nhân vật với cả chục giọng điệu khác nhau từ nam đến nữ, từ già đến trẻ, từ Bắc đến Nam.
"Từ nhỏ mình đã thích nhại tiếng côn trùng, động vật quanh nhà, tiếng chim, tiếng dế, tiếng trâu, tiếng chuột… Có khi mình nhại tiếng tắc kè mà khiến con tắc kè trên mái nhà phải thò đầu ra tìm kẻ xâm nhập lãnh thổ. Rồi mình nhại tiếng chuột khiến chuột trên mái lá cũng kêu chíp chíp đáp lời.
Khi đi sáng tác khắp các vùng miền, mình học tiếng bản địa để giao tiếp với người dân cho thuận lợi, dần dần thì nói được hơn chục giọng nói của vùng, miền. Tài lẻ này không giúp mình kiếm ra tiền nhưng được nhiều người quý, nhiều người nhớ", "dị nhân" Hồ Ngon vừa cười vừa chia sẻ.
Để minh chứng, ông Ngon lấy tay che miệng thể hiện một loạt tiếng động vật từ gà kêu chó sủa đến chim chóc, trâu bò. Ông Hồ Ngon cũng dùng giọng "bản địa thứ thiệt" dẫn khách đi tham quan một vòng đất nước. Ông Ngon nói giọng Hà Thành, Huế, Quảng Nam...
Bệnh tật quật ngã nhiếp ảnh gia tài năng
Ông Hồ Ngon kể ông bắt đầu cầm máy ảnh từ năm 1979, những năm 2000 ông đã sắm bộ máy ảnh cả trăm triệu, rong ruổi khắp cả nước để chụp ảnh.
"Một chiếc xe máy, một ba lô với một cái thang, nhiếp ảnh gia chỉ cần nhiêu đó là được. Hơn 40 năm cầm máy tôi ẵm về trên dưới 30 giải lớn nhỏ trong đó có 3 giải quốc tế. Giờ sức khỏe yếu, bệnh tật nên đành ngậm ngùi", ông Hồ Ngon nói với giọng tiếc nuối.
Trong ngôi nhà nhỏ cạnh bờ sông Hàm Luông, những tác phẩm đã từng đạt giải được ông Ngon in khổ lớn treo kín các bức vách. Vừa chỉ trỏ vào những tác phẩm của mình, ông Hồ Ngon vừa thuyết minh về thời điểm sáng tác, hàm lượng nghệ thuật và giải thưởng đạt được. Lâu lâu mới có khách tham quan "phòng trưng bày", nhiếp ảnh gia nhiệt tình như sợ có tác phẩm nào bị người xem bỏ sót.
Năm 2012, hai tác phẩm "Nồi bánh đầu xuân" và "Lo lắng" của tác giả Hồ Ngon vinh dự nhận được giải bạc và đồng tại Cuộc thi ảnh quốc tế kỹ thuật số lần thứ 2 đã đánh dấu đỉnh cao nghệ thuật của nhiếp ảnh gia xứ dừa.
Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Ngon sau đó như rớt thẳng đứng khi ông bị bệnh tật quật ngã. Sau gần một năm ròng nằm viện, nhiếp ảnh gia Hồ Ngon không còn nhiều sức lực để có thể rong ruổi tìm đề tài, để sáng tác. Hàm răng rụng gần hết, tay chân xơ cứng đi lại khó khăn, bệnh tật cứ quanh quẩn không rời nhưng lại đuổi tiền bạc đi hết.
Nhiếp ảnh gia bảo rằng vẫn yêu, vẫn muốn cống hiến, sáng tạo. "Tôi muốn truyền dạy hết những gì mình lượm lặt được trong hơn 40 năm qua cho những thế hệ trẻ, để qua ống kính học trò mình vẫn thấy như đang được chính tay bấm máy. Tôi đã tận tay đào tạo một nhóm nhỏ, không ít người bây giờ cũng là tay máy có tên, có tuổi", ông Ngon tâm sự.
Nhiếp ảnh gia chia sẻ, hiện không còn nhiều sức lực và điều kiện để rong ruổi các vùng miền để chụp ảnh, tuy nhiên nhờ có nhiều trải nghiệm, am hiểu nên có nhiều người tìm đến thuê ông làm hướng dẫn viên du lịch; giúp ông vừa có công việc thêm thu nhập, vừa có điều kiện đi lại sáng tác.
Mới đây, "tài lẻ" giả giọng của ông Hồ Ngon được một nhà đài biết đến, thuê lồng tiếng nhân vật trong những vở kịch rối nước. Dù tiền thù lao không cao nhưng "dị nhân" miền Tây nói rằng ông vẫn rất vui vẻ nhận lời.
"Mình chỉ muốn được cống hiến, được sống như những năm tuổi trẻ. Tiền ít nhiều gì rồi cũng qua, chỉ cần cứ vui vẻ, có việc để làm, có chỗ để tới lui là thấy cuộc đời ý nghĩa rồi", ông Hồ Ngon cười xòa.
Ông Hồ Văn Cam - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) cho biết nhiếp ảnh gia Hồ Ngon là thành viên tích cực, có nhiều cống hiến trong Hội. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nhiếp ảnh gia Hồ Ngon đã nhận được nhiều giải thưởng, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá rất cao.