1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Người chuyển giới chưa được cấp thẻ Căn cước công dân

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an - khẳng định tất cả những người không có quyết định của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển đổi giới tính thì cơ quan công an không thể thay đổi giấy tờ, Căn cước công dân cho họ được.

 

Đại tá Phùng Đức Thắng (Ảnh: Thế Kha).
Đại tá Phùng Đức Thắng (Ảnh: Thế Kha).

 

Phóng viên: Thưa ông, tại sao việc cấp thẻ Căn cước công dân từ ngày 1/1/2016 theo quy định của Luật Căn cước công dân mới chỉ được thực hiện tại 16 địa phương?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Việc này liên quan đến kinh phí đầu tư. Dự án cấp CMND mới 12 số được Chính phủ phê duyệt triển khai sản xuất, cấp và quản lý mới chỉ đủ để triển khai ở 16 tỉnh thành, chưa có kinh phí để triển khai cho toàn quốc.

Việc triển khai cấp CMND 12 số mà tới đây là thẻ Căn cước công dân mới là giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt từ năm 2004 nhưng mãi đến năm 2010 mới đấu thầu xong, rồi trải qua rất nhiều lần Chính phủ tạm dừng để xem xét lại thận trọng rồi mới triển khai.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Công an phải tiến hành tổng kết giai đoạn 1 rồi mới triển khai giai đoạn 2, chậm nhất tới ngày 1/1/2020 phải cấp Căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc.

“Người dân cứ sử dụng CMND đến khi hết hạn”

Người dân sinh sống ở 16 địa phương này có nhất thiết phải đi đổi CMND sang Căn cước công dân ngay hay không?

Không cần thiết phải đi đổi, bởi các giấy tờ đó - CMND 9 số hay CMND 12 số vẫn có giá trị. Nếu CMND còn thời hạn sử dụng thì không ai bắt người dân phải đi đổi CMND sang thẻ căn cước cả. Người dân cứ sử dụng CMND cho tới khi nào hết thời hạn quy định. Trường hợp người dân bị mất CMND, CMND cũ, hỏng thì sẽ được cấp đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Theo hướng dẫn của Bộ Công an, người dân làm thủ tục cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân sẽ được giữ lại CMND cũ đã bị cắt góc và được cấp giấy xác nhận về việc thay đổi này. Người dân có thể xin nhiều giấy xác nhận thay đổi số CMND để thuận lợi cho các giao dịch dân sự sau này hay không?

Được chứ. Nhưng thường thì ngoài giấy xác nhận do cơ quan công an cấp, người dân có thể sử dụng văn bản công chứng các xác nhận này để dùng khi thực hiện các giao dịch dân sự.

Nếu người dân đã có văn bản xác nhận thay đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân rồi mà vẫn gặp phiền nhiễu, khó khăn khi thực hiện các giao dịch dân sự thì sao?

Từ khi Bộ Công an điều chỉnh, cho người dân giữ lại CMND cắt góc và cấp giấy xác nhận về việc thay đổi từ CMND 9 số sang CMND 12 số thì chúng tôi không còn nhận được phản ánh về những vấn đề đó nữa. Căn cước công dân tới đây cấp cũng không khác gì CMND 12 số, không ảnh hưởng gì tới mọi việc, không có gì xáo động, ảnh hưởng tới người dân cả.

Có rất nhiều người dân thay đổi nơi thường trú và bắt buộc phải thay đổi CMND nhưng CMND cũ lại bị mất nên đã gặp nhiều khó khăn trong việc xin xác nhận và xin cấp đổi CMND ở nơi thường trú mới. Tới đây cấp Căn cước công dân, Bộ Công an có ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân về chuyện này?

Tổng cục Cảnh sát đã nhận được những thông tin đó rồi, cử tri cũng đã hỏi Bộ Công an rồi. Chúng tôi đã có văn bản quy định: Khi công dân chuyển nơi sinh sống - nơi thường trú thì cơ quan công an quản lý hồ sơ CMND có trách nhiệm sao chép và gửi hồ sơ về cấp CMND của người đó tới địa phương mà người ta chuyển đến sinh sống. Từ hồ sơ nhận được, cơ quan công an sẽ xem xét cấp CMND mới cho người dân. Nhưng trên thực tế vì nhiều lý do, hồ sơ về cấp CMND chưa được gửi chuyển đúng quy định.

Tới đây, Tổng cục Cảnh sát sẽ có văn bản để chấn chỉnh việc đó, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được làm thẻ Căn cước công dân. Ví dụ như người dân từ TPHCM ra Hà Nội sinh sống thì chỉ đến cơ quan cấp Căn cước công dân ở Hà Nội làm thủ tục thôi, người dân không phải về TPHCM xin xác nhận nữa. Nếu chưa có hồ sơ thì công an ở Hà Nội sẽ đề nghị công an ở TPHCM chuyển hồ sơ ra.

Đó là bất cập, tồn tại nên chúng tôi đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rồi.

Trường hợp người dân thay đổi thông tin hộ tịch như họ tên, hình ảnh chẳng hạn thì việc điều chỉnh thông tin trên thẻ Căn cước công dân có khó khăn không?

Nếu việc thay đổi thông tin đó được cơ quan có thẩm quyền xác nhận thì việc thay đổi thông tin trên Căn cước công dân không có gì khó khăn cả.

Mới đây Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo luật. Cá nhân đã chuyển giới có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Thời điểm nào có luật hướng dẫn về chuyện này vẫn chưa rõ. Tuy nhiên hiện tại có rất nhiều người chuyển đổi giới tính, hình hài thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Vậy tới đây những người chuyển giới này có được xem xét cấp Thẻ căn cước công dân không?

Tất cả những người không có quyết định của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển đổi giới tính thì cơ quan công an không thể cấp thay đổi giấy tờ của họ được. Cơ quan công an chỉ là cấp xác nhận thôi. Nếu có quyết định cho phép họ được chuyển đổi giới tính thì công an mới thay đổi thông tin, còn không có thì chịu thôi.

 

Mặt trước thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K).
Mặt trước thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K).

 

Tại sao chưa gắn chíp lên thẻ Căn cước công dân?

Thưa ông, tại sao thẻ Căn cước công dân chưa được tích hợp chíp điện tử để sau này có thể liên thông thực hiện nhiều giao dịch dân sự khác?

Nhu cầu sử dụng chíp hiện tại của nước mình rất ít. Các cơ quan có đầu đọc chíp và sử dụng chíp đó thì hầu như không có, không phổ biến.

Hơn nữa muốn thực hiện phải có hạ tầng, các bộ ngành, cơ quan, địa phương quản lý. Gắn chíp vào có đọc được đâu thì gắn vào làm gì. Muốn đọc được trong Căn cước công dân này có thông tin gì thì phải có máy. Thời điểm phê duyệt giai đoạn 1 của dự án con chíp lại đắt, nhưng đến giai đoạn 2 thì có thể chúng ta phải đặt ra chuyện nghiên cứu đặt chíp. Lúc đó lãnh đạo Bộ Công an phải đặt vấn đề với Chính phủ, bởi việc này liên quan tới tổng mức đầu tư.

Thấy các nước làm thì thấy hay đấy nhưng phải đặt vào điều kiện của nước mình. Mình làm ra mà không sử dụng thì lãng phí tiền của ngân sách, tiền của người dân nên phải đặt ra chuyện đó trong một điều kiện phù hợp.

 

Mặt sau thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K)
Mặt sau thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K)

 

Với công nghệ sản xuất Căn cước công dân hiện nay thì việc gắn chíp lên có khó khăn không?

Không có gì khó khăn cả, vẫn sử dụng công nghệ hiện nay thôi.

Đến nay, hãng công nghệ ở Đức và Thụy Sĩ đã chuyển giao toàn bộ công nghệ, kỹ thuật sản xuất, lưu trữ thông tin Căn cước công dân cho Bộ Công an chưa?

Công nghệ này của mình mua và mình làm luôn, in luôn ở trung tâm thẻ của Tổng cục Cảnh sát quản lý.

Xin cảm ơn ông!

 

16 địa phương cấp Căn cước công dân từ 1/1/2016

16 địa phương sẽ cấp Căn cước công dân từ ngày 1/1/2016 theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ và Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình. Các địa phương còn lại vẫn tiến hành cấp mới, cấp đổi CMND cũ như bình thường.

Theo quy định, khi đăng ký làm thẻ Căn cước công dân, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia chưa được hoàn thiện nên từ nay đến năm 2019, các địa điểm cấp thẻ Căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với CMND. Thời gian cấp thẻ tính từ khi công an nhận đủ hồ sơ sẽ là 15 ngày. Riêng trường hợp công dân đã được cấp CMND mới 12 số (đã có trong cơ sở dữ liệu điện tử của ngành công an) nhưng có nhu cầu xin cấp đổi lại thẻ Căn cước công dân thì chỉ cần tới nơi đã đăng ký trước đây làm tờ khai xin cấp đổi.

 

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm