Tiếp tục cấp CMND mẫu mới tới khi có thẻ căn cước công dân
(Dân trí) - Tại buổi họp báo công bố Luật Căn cước công dân tại Văn phòng Chủ tịch nước sáng nay, 11/12, đại diện Bộ Công an khẳng định, cho đến thời điểm 1/1/2020, khi cả nước đồng loạt sử dụng Thẻ căn cước công dân, các loại chứng minh thư hiện tại vẫn có giá trị sử dụng.
Nói về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Công an - nhấn mạnh, thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ này cũng được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.
Điểm mới đáng chú ý là công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ căn cước công dân lần đầu, đổi thẻ căn cước công dân khi đến tuổi đổi thẻ theo quy định của luật hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân. Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân khác thì mới phải nộp lệ phí.
Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Các địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày luật có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.
Với câu hỏi, công an sẽ tiếp tục mở rộng việc cấp đổi CMND mới 12 số hay dừng lại, chờ tới khi luật này có hiệu lực thì tiến hành cấp thẻ căn cước công dân luôn, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an cho biết, giai đoạn chuyển tiếp vẫn bảo toàn giá trị các loại CMND hiện nay.
Ông Vệ phân tích, thẻ căn cước công dân chỉ có 3 điểm mới so với giấy CMND hiện nay là thay đổi tên gọi từ CMND sang căn cước công dân và bỏ đi 2 trường thông tin về “dân tộc” và “tên gọi khác” trên CMND hiện hành.
“Theo yêu cầu quản lý nhà nước, nhu cầu của công dân, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cấp CMND. Vẫn sẽ tồn tại 2 loại CMND cấp theo công nghệ mới 12 số và cấp thủ công như ngày xưa (CMND 9 số). Chậm nhất từ 1/1/2020 công dân sẽ được cấp toàn bộ căn cước công dân theo công nghệ mới”- ông Vệ nói.
Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia (C72) - Tổng cục VII, thông tin thêm, hiện nay Bộ Công an đang tiến hành cấp CMND mới 12 số ở 5 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Dương. Tới đây sẽ tiếp tục mở rộng cấp đổi CMND mới 12 số ở một số địa phương khác như TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh…
Ông Dung khẳng định việc cấp CMND vẫn đang tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành; những người được cấp CMND mới 12 số coi như đã có số định danh cá nhân. Từ ngày 1/1/2016 khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực thì CMND mới 12 số sẽ được đổi tên thành Căn cước công dân.
P.Thảo