Ngôi làng "sống trong sợ hãi" bên mỏ đá
(Dân trí) - Mỗi khi mỏ khai thác đá nổ mìn, nhiều nhà dân ở thôn 7, Phú Sơn (Ninh Bình) lại rung lên bần bật, nhà cửa bị nứt toác, đất đá bay vương vãi khắp nơi, khói mù mịt.
Mỏ đá hành dân
Mỏ Đôlômit khu vực Thung Bưởi, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan (Ninh Bình) được Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty CP Đôlômit Việt Nam khai thác với diện tích 6ha, thời gian 30 năm. Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, môi trường… Công ty CP Đôlômit Việt Nam đã đưa mỏ vào hoạt động đầu năm 2023.
Từ khi mỏ đá này hoạt động, đời sống của người dân thôn 7, xã Phú Sơn (khoảng 63 hộ dân) bị đảo lộn. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất khoảng 20 hộ dân. Mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn, nhà cửa của người dân lại rung lên bần bật, đá bay vương vãi khắp nơi, khói bụi mù mịt.
Nằm cách xa mỏ đá hơn 100m, tuy nhiên nhà ông Bùi Văn Toản vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc nổ mìn khai thác đá. Căn nhà 2 tầng chi chít các vết nứt từ tầng 1 lên tầng 2. Nứt dọc mái tường phòng ngủ, phòng khách và bên ngoài nhiều nơi.
"Trước khi Công ty CP Đôlômit Việt Nam nổ mìn khai thác đá, nhà tôi cũng như nhiều hộ dân bình thường, cuộc sống bình an. Từ đầu năm 2023, công ty nổ mìn liên tục với khối lượng lớn khiến gia đình tôi nhiều phen kinh hãi.
Có lần, vào buổi trưa, tiếng nổ mìn chua chát khiến ngôi nhà rung lên. Cả nhà không biết chạy đi đâu, ở trong nhà thì sợ nhà sập, chạy ra ngoài thì sợ đá bay rơi trúng người", ông Toản nói.
Không chỉ gia đình ông Toản, 63 hộ dân thôn 7, xã Phú Sơn đã cùng ký vào đơn phản ánh việc Công ty CP Đôlômit Việt Nam nổ mìn khai thác đá núi Thung Bưởi gây động lớn, nhà bị nứt, đất đá văng vào nhà, vườn. Bên cạnh đó, tiếng ồn của máy nghiền đá lớn, bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.
UBND xã Phú Sơn đã lập tổ công tác rà soát, phân loại các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị để giải quyết các nội dung liên quan đến phản ánh của người dân, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Nho Quan.
Tháng 4/2023, UBND huyện Nho Quan yêu cầu tạm dừng hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty CP Đôlômit Việt Nam để kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của nhân dân. Sau khi kiểm tra, đánh giá, huyện Nho Quan đã xây dựng phương án hỗ trợ thiệt hại cho 20 hộ dân.
Dân "cầu cứu" lên tỉnh
Thấy mức bồi thường chưa thỏa đáng vì căn nhà mới xây dựng, bị nứt toác nhiều nơi nhưng chỉ được hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, gia đình chị Nguyễn Thị Thương đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Ninh Bình "cầu cứu".
Chị Thương cho biết, gia đình làm đơn kiến nghị lên xã, huyện nhờ giải quyết nhiều lần nhưng bất thành. Do mức hỗ trợ thiệt hại không thỏa đáng, vì chỉ được đền bù hơn 20 triệu đồng. Đồng thời huyện vẫn không đưa ra được hướng giải quyết lâu dài để người dân yên tâm sinh sống.
"Tôi mong muốn tỉnh chỉ đạo, doanh nghiệp phải có mức bồi thường sửa chữa thiệt hại gây ra đối với các hộ dân phù hợp nhất. Yêu cầu doanh nghiệp ngừng nổ mìn khai thác đá với lý do quá gần nhà dân, khoảng cách không đủ an toàn cho con người và tài sản của các hộ dân địa phương", chị Thương nói.
Sau khi nhận được đơn phản ánh, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở: Công thương, Xây dựng và UBND huyện Nho Quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, xem xét nội dung đề nghị, phản ánh của công dân, có các biện pháp xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra thực địa theo đơn phản ánh của chị Thương. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vì thế, gia đình chị vẫn chưa đồng tình với mức hỗ trợ trước đó, đồng thời không đồng ý cho doanh nghiệp được nổ mìn khai thác đá trở lại.
Lãnh đạo UBND xã Phú Sơn cho biết thừa nhận, việc Công ty CP Đôlômit Việt Nam khai thác đá gây nứt nhà, tiếng ồn, bụi, ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục hộ dân tại địa phương là đúng sự thật. Chỉ trong vòng 2 tháng doanh nghiệp này nổ mìn đã gây bức xúc lớn trong nhân dân.
"Việc nổ mìn vẫn tạm ngưng, doanh nghiệp đang tiến hành dọn dẹp các khối đá tại mỏ và xin được nổ mìn trở lại nhưng bà con thôn 7 chưa đồng thuận. Quan điểm của xã là nếu doanh nghiệp khai thác trở lại, họ buộc phải đảm bảo an toàn về người và tài sản cho các hộ dân", lãnh đạo UBND xã Phú Sơn cho hay.
Được biết, các ý kiến phản ánh của gia đình chị Thương hiện đang được UBND huyện Nho Quan giải quyết theo thẩm quyền.
UBND huyện Nho Quan cũng được giao tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác mỏ đá đôlômit khi hoạt động khai thác mỏ trở lại.