Nghiên cứu quy định lịch sử là môn học bắt buộc
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp THPT.
Sáng 23/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội nội dung chủ yếu về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.
Phó Thủ tướng cho biết, tiếp theo kết quả năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao.
Tính đến ngày 15/5, Việt Nam đã tiêm chủng trên 217 triệu liều vaccine Covid-19; 100% người thuộc diện tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 59,6%; 100% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm một mũi, 96,4% tiêm 2 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm một mũi đạt 29,9%. Nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022. Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển KTXH.
Theo Phó Thủ tướng, công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng; tính cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo được thực hiện hiệu quả các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" được quan tâm. Nhân dân cả nước đã đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ 30/5 và 1/5 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Cùng với việc tập trung cao triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế vẫn nỗ lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì, công tác dạy học được tổ chức triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; tới nay, học sinh, sinh viên cả nước đã trở lại học tập trực tiếp.
Theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt, tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm mạng…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% là thách thức rất lớn.
Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ được Phó Thủ tướng đề cập tới trong thời gian tới là nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp THPT.
Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu kiến nghị của cử tri về việc còn có ý kiến trái chiều về việc đưa môn lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường.
"Thực tế, có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông" - ông Chiến nêu rõ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn.
"Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn "Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Do vậy, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào, để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn lịch sử là môn học tự chọn" - ông Chiến nhấn mạnh và nói thêm, được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, hội thảo, nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị để có giải pháp phù hợp.
Cũng liên quan tới vấn đề giáo dục, ông Chiến đề cập vấn đề dư luận xã hội còn băn khoăn, lo lắng về chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài; về kỳ thi tốt nghiệp THPT; về thí sinh tự do thi vào đại học không được cộng điểm ưu tiên theo vùng…