Môn Lịch sử cần một "chiếc áo mới"!

Nhật Hồng

(Dân trí) - Điểm môn Lịch sử mỗi mùa tuyển sinh lại gieo một nốt lặng vào bức tranh về thực tế dạy và học sử trong trường phổ thông.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa ghi thêm một kỷ lục buồn của môn sử khi lịch sử có điểm trung bình môn là 4,97 điểm. Lịch sử là môn có số thí sinh trượt nhiều nhất với 540 em trong tổng số 1.280 thí sinh bị điểm "liệt". Như vậy, trong ít nhất 3 năm gần đây, lịch sử đứng ở khu vực cuối bảng: thấp nhất vào năm 2019, thấp nhì vào năm 2020 và tiếp tục cuối bảng năm 2021.

Môn Lịch sử cần một chiếc áo mới! - 1

Học sử có quan trọng không?

Điều này hẳn ai cũng tường tận lời răn dạy của Bác: "Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"!

Việt Nam là đất nước có chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước với lớp lớp trầm tích văn hóa, truyền thống, đạo lý tốt đẹp cần lớp trẻ kế thừa, giữ gìn và phát triển. Người Việt phải thông tường sử Việt, thấu hiểu và trân quý thành quả dựng xây nước nhà của cha ông đi trước. Từ đó góp phần định hướng lý tưởng sống, giá trị sống trong mỗi người.

Học sử có thú vị không?

Dấu ấn thời gian được lật mở từng mảnh ghép về con người, nhân vật, sự kiện, câu chuyện cứ thế khơi lên những sự thật lịch sử được ấn giấu cùng bao điều cần suy ngẫm và những bài học có giá trị vững bền.

Lịch sử từ Việt Nam đến thế giới, từ cổ đại đến hiện đại đều khiến ta có thể sùng sục cơn giận trước sự bạo tàn; có thể bừng bừng tự hào trước sự anh dũng, quật cường, gan dạ của bao dân tộc; có thể gật gù thấu hiểu giá trị của dấu mốc thời gian, của từng viên đá, mũi giáo, bãi cọc, gốc đa…

Học sử có khó không?

Tôi đang mường tượng đến lời thở than của nhiều thế hệ học sinh ngay trên ghế nhà trường bởi cơn ám ảnh những sự kiện với chi chít con số phải học, phải thuộc và phải nhớ.

Lịch sử đang khiến bọn trẻ ngán ngại bởi kiến thức dồn dập, trình bày dàn trải cùng với cách truyền tải khô cứng, nhồi nhét hòng đáp ứng cách thi cử nặng về kiểm tra kiến thức, gạch ý chấm điểm…

Các con đang cố học sử làu làu như cháo để lấy điểm cao chứ không phải học vì niềm yêu thích bộ môn. Và khi đã vượt qua "cửa ải" thi cử, các con quay lưng hoàn toàn với việc tìm về cội nguồn để thấu cảm với quá khứ xa xưa. Người Việt không hiểu sử Việt, đó là một nỗi đau âm ỉ và day dứt trong lòng người suốt bấy lâu nay.

Phiên trả lời chất vấn sáng 11-11 vừa qua của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khơi lên nỗi trăn trở không dứt trong lòng người về thực trạng học sinh thờ ơ, điểm thi môn lịch sử thấp.

Và Bộ trưởng đã khẳng định chắc nịch trong phiên chất vấn về những đổi mới cần phải có để níu giữ vị thế môn sử trong lòng học sinh. Đó là "hướng dạy là phải tăng cường tính sáng tạo của học sinh, không áp đặt cách hiểu với lịch sử. Nếu học sinh còn có điểm khác trong cảm nhận, đánh giá cần trao đổi, thuyết phục để học sinh có nhận thức đúng, không áp đặt. Thi kiểm tra thì không đánh đố bằng con số, nhớ ngày tháng, nhớ địa điểm, địa danh, sự kiện".

Đã đến lúc môn sử cần thay một "chiếc áo mới" để nỗi buồn mỗi mùa tuyển sinh thôi day dứt! Mong lắm thay…