Ngày trả lời chất vấn "vất vả" của Tổng Thanh tra Chính phủ

Ngọc Tân
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Trách nhiệm giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong được thể hiện rõ trong một ngày ông nhận nhiều câu hỏi chất vấn từ các đại biểu về vi phạm của lực lượng thanh tra.

Ngày 7/11, Quốc hội thực hiện phiên chất vấn với một số lãnh đạo ngành, trong đó có Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong.

Trong phiên chất vấn này, nhiều vấn đề nóng của ngành Thanh tra được các đại biểu đặt câu hỏi như vi phạm của cán bộ thanh tra; kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong thanh tra, kiểm tra; đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra...

Ngày trả lời chất vấn vất vả của Tổng Thanh tra Chính phủ - 1

Tổng Thanh tra Chính Phủ Đoàn Hồng Phong tại nghị trường Quốc hội.

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng TTCP cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống tiêu cực, kiểm soát quyền lực của lực lượng thanh tra, như phối hợp xây dựng đề án quy định về phòng chống tiêu cực, xây dựng báo cáo thực trạng kiểm soát quyền lực.

TTCP đã chỉ đạo toàn ngành thanh tra nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực; ban hành nhiều nghị quyết để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; xử nghiêm các hành vi vi phạm.

Tranh luận gay gắt

Gửi câu hỏi tới Tổng TTCP, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhắc lại vụ việc cán bộ thanh tra Chính phủ bị khởi tố về tội nhận hối lộ trong vụ thanh tra dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng.

Tháng 7/2021, TTCP thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết luận thanh tra của đoàn công tác vào năm 2020 về vụ việc liên quan đến dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, thay đổi kết luận thanh tra từ chỗ "phải thu hồi dự án" sang "điều chỉnh dự án", "gia hạn cho nhà đầu tư".

Ngày trả lời chất vấn vất vả của Tổng Thanh tra Chính phủ - 2

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chất vấn việc "thanh tra lại kết luận thanh tra".

Ông Vân đặt 2 câu hỏi: "Việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả của đoàn thanh tra có đúng luật không?" và "Với vai trò vừa là thủ trưởng cơ quan thanh tra, vừa là người đứng đầu cơ quan nhà nước, Tổng TTCP chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?".

Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết vụ việc thực chất là rà soát, bổ sung sửa đổi kết luận thanh tra chứ không phải là thanh tra lại.

Liên quan đến một số cán bộ thanh tra bị khởi tố, Tổng TTCP đã buộc thôi việc các công chức liên quan đến dự án. Tổng TTCP cũng sẽ chịu trách nhiệm trước các quy định của Đảng, Nhà nước.

Cho rằng câu trả lời của Tổng TTCP chưa đi vào trọng tâm câu hỏi của mình, đại biểu Lê Thanh Vân tiếp tục tranh luận. Ông đề nghị lãnh đạo ngành thanh tra trả lời vào thẳng câu hỏi là "có đúng luật hay không".

Về câu hỏi liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, ông Vân nói: "Tôi hỏi Tổng TTCP chịu trách nhiệm trước pháp luật thế nào là tôi muốn nói tính tự giác nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trả lời như vậy là không đúng. Trước Quốc hội, tôi đề nghị Tổng TTCP nhận trách nhiệm của mình với hậu quả mà việc làm sai đó gây ra".

Trước phần tranh luận gay gắt của đại biểu, Tổng TTCP cho biết người ký quyết định thanh tra và rà soát kết quả thanh tra trong vụ Đại Ninh đều là Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh. Tổng TTCP chỉ cho chủ trương, thực hiện phân cấp phân quyền và phân trách nhiệm.

Nói về trách nhiệm cá nhân, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong thừa nhận ông có trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Tuy nhiên, vụ việc đang được các cơ quan điều tra, chưa kết thúc. Tổng TTCP sẽ xác định trách nhiệm sau khi có kết quả điều tra vụ việc.

Khi cán bộ thanh tra "chân lấm bê bê"

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nói về tình trạng cán bộ thanh tra vi phạm, thiếu đạo đức công vụ, dẫn đến thực trạng "Chân mình thì lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tiến, Tổng TTCP cho biết quan điểm của TTCP là khi xảy ra tiêu cực ở cấp thanh tra nào thì xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Về giải pháp, với tinh thần phòng ngừa từ sớm, từ xa, tăng cường kiểm soát quyền lực, TTCP đang chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Vì vậy, thời gian tới TTCP sẽ tổ chức thực hiện Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành các thông tư hướng dẫn; chuẩn hóa quy trình thanh tra; nghiêm cấm nhận tiền, quà, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra; nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra…

TTCP cũng đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm Quy định 131 của Ban Bí thư về việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Với câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về việc thanh tra dự án đầu tư công không hiệu quả, chậm tiến độ…, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định TTCP đã tham mưu Chính phủ quy định nội dung này là thanh tra thường xuyên; phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, tập trung thanh tra dự án đầu tư công không hiệu quả; dự án điện, than; dự án chậm đưa đất vào sử dụng…

"Hiện nay các địa phương đang thực hiện thanh tra các nội dung này. Thời gian tới TTCP sẽ đôn đốc các bộ ngành, địa phương báo cáo kết quả", lãnh đạo ngành thanh tra khẳng định.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.