Đại biểu chất vấn đạo đức lực lượng thanh tra: "Chân mình còn lấm bê bê..."

Hoài Thu Ngọc Tân Hà Mỹ
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao phòng chống tiêu cực, kiểm soát quyền lực của lực lượng thanh tra, xử nghiêm các hành vi vi phạm.

Đại biểu chất vấn đạo đức lực lượng thanh tra: Chân mình còn lấm bê bê... - 1

Sáng 7/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh: TTXVN).

Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với bộ trưởng, trưởng ngành thuộc các nhóm lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; ANTT, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Người nhận được nhiều chất vấn nhất trong phiên chất vấn sáng cùng ngày là Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, với nội dung chất vấn chủ yếu xoay quanh việc tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, đã có 9 đại biểu chất vấn và tranh luận, để chờ phần giải đáp của các bộ trưởng, trưởng ngành vào phiên chất vấn chiều nay. Trong đó, có 2 câu hỏi gửi tới Tổng Thanh tra Chính phủ.

Đại biểu chất vấn đạo đức lực lượng thanh tra: Chân mình còn lấm bê bê... - 2

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Phạm Thắng).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về giải pháp tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Đại biểu Trần văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra thường xuyên liên quan đến 51 dự án sử dụng vốn Nhà nước không hiệu quả, 13 dự án trọng điểm lĩnh vực điện, dầu khí chậm tiến độ, 19 dự án để đất hoang hóa và 880 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chưa đưa đất vào sử dụng. Ông muốn biết kết quả thực hiện các nội dung này.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng nhận hai câu hỏi chất vấn. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết trong trưng cầu giám định tư pháp rất nhiều trường hợp cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu tổ chức, cá nhân giám định tư pháp phải trả lời về việc cần áp dụng pháp luật như thế nào.

"Việc yêu cầu giám định như vậy có vượt quá chuyên môn, thẩm quyền của tổ chức, cá nhân giám định hay không? Có chuyển trách nhiệm chứng minh tội phạm từ cơ quan điều tra, truy tố sang tổ chức, cá nhân giám định tư pháp hay không?", ông Cường đề nghị Bộ trưởng Tư pháp trả lời vấn đề này.

Vị đại biểu cũng mong Bộ trưởng Công an và Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết thêm ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về việc chậm trễ quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy cán bộ, công chức làm công tác pháp chế.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước về giải pháp thực hiện hiệu quả báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trong điều kiện Luật Kiểm toán nhà nước quy định "báo cáo của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành có giá trị bắt buộc thi hành đối với các đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công". 

Đại biểu chất vấn đạo đức lực lượng thanh tra: Chân mình còn lấm bê bê... - 3

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Công an về những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các công trình sử dụng sơn chống cháy. Bà muốn biết Bộ đã có hành động gì để giải quyết vướng mắc.

Ngoài ra, có 2 đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ về chính sách tiền lương với giáo viên, và một đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng liên quan việc hoàn thiện thể chế.

Chiều nay, các bộ trưởng, trưởng ngành thuộc nhóm chất vấn thứ ba sẽ có thêm 60 phút để trả lời câu hỏi của đại biểu.