1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Ngày đầu thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương: giảm mạnh số xe tải nặng

(Dân trí) - Ngày 25/2, ngày đầu tiên chính thức thu phí phương tiện giao thông qua đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, lượng xe tải nặng qua lại giảm hẳn.

Khó tránh kẹt xe khi máy “treo”

Toàn tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương có 4 trạm thu phí gồm 2 trạm chính Chợ Đệm, Thân Cửu Nghĩa (đầu và cuối tuyến cao tốc) và 2 trạm phụ Bến Lức, Tân An (tại 2 nút giao lập thể của tuyến cao tốc).

Theo biểu phí công bố, nếu nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng đi toàn tuyến 40km sẽ chịu mức phí 40.000 đồng/xe/lượt. Nhóm xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet sẽ chịu mức phí cao nhất toàn tuyến là 320.000 đồng/xe/lượt.

Mỗi hướng lưu thông đều có ba làn xe, trong đó một làn dành cho ôtô quá tải, quá khổ. Khi xe vào trạm thu phí đầu tiên (Chợ Đệm – TPHCM hoặc Thân Cửu Nghĩa – Tiền Giang) thì tài xế chỉ việc dừng lại tại trạm phát thẻ tự động bấm nút, chờ 2 – 3 giây thì thẻ nhả ra. Tài xế không phải mua vé, trả tiền như các trạm thu phí hiện hành. Nhận thẻ xong, tài xế tiếp tục chạy, không phải trả tiền liền. Khi đến trạm thu phí tiếp theo, tài xế trả thẻ từ cho nhân viên thu phí. Máy tính xác định số tiền phải trả và in phiếu thanh toán. Quá trình nhận thẻ từ và thanh toán diễn ra rất nhanh, chỉ 3-15 giây.
Ngày đầu thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương: giảm mạnh số xe tải nặng - 1
Nhiều tài xế chưa quen việc lấy thẻ nên nhân viên trạm thu phí phải ra nhấn nút, đưa thẻ giúp
 
Nếu tài xế không đi hết cả tuyến đường cao tốc mà rẽ vào các trạm Bến Lức, Tân An thì phải trả tiền ở trạm đến này. Số tiền được tính căn cứ trên số km từ nơi nhận thẻ đến trạm mà tài xế muốn cho xe rời khỏi đường cao tốc. Nếu như việc lấy thẻ từ mất 2-3 giây thì việc thanh toán tiền (thu tiền, thối tiền) ở trạm đến cuối cùng mất đến 10-15 giây.

Theo ghi nhận của Dân trí, do đây là lần đầu tiên áp dụng hình thức thu phí “mới lạ” này nên cả tài xế và nhân viên trạm cũng còn khá nhiều bỡ ngỡ. Máy đọc thẻ từ cũng chậm. Có tài xế chưa quen nên cho xe chạy lố một chút so với điểm nhấn nút nhận thẻ từ. Lùi xe lại không được vì xe sau đã áp sát. Do vậy, nhân viên phát thẻ phải ân nút và cầm thẻ đưa giúp cho tài xế. “Nếu tài xế tay lái yếu thì việc tấp xe sát để nhấn nút lấy thẻ từ không phải dễ. Việc chờ lấy thẻ, tính tiền thế này cũng khá lâu. Nếu mà xe nhiều, máy tính tiền hay máy phát thẻ “treo” thì kẹt xe là cái chắc”, anh Minh Tuấn, tài xế xe du lịch cho biết.

Tải nặng, container “né” đường cao tốc vì phí cao

Trưa 25/2, chúng tôi có mặt tại trạm thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương phía Chợ Đệm (TPHCM). Lượng xe qua đây chủ yếu là xe ô tô du lịch, tải nhẹ, xe khách chạy tuyến TPHCM – các tỉnh miền Tây… Có một điều khá bất thường là lượng xe tải nặng, xe container lưu thông trên cao tốc giảm hẳn. Từ 13h-14h30, lượng xe tải nặng, container qua đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đổi lại, container, xe tải nặng lưu thông nhiều trên quốc lộ 1A cả hai hướng từ TPHCM – Miền Tây và ngược lại.

Ngày đầu thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương: giảm mạnh số xe tải nặng - 2
Nhiều xe sắp hàng để trả tiền phí ở trạm cuối

Theo ông Trần Hậu Ninh, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, trước đây, có khoảng 30 ngàn lượt phương tiện lưu thông qua đường cao tốc. Trong buổi sáng đầu tiên thu phí cao tốc thì số phương tiện lưu thông qua đường này có giảm hẳn hơn so với trước khi thu phí.

Một tài xế container lý giải rằng, container 40fit, xe tải trên 18 tấn phải đóng phí 8.000 đồng/km. Tính ra, đi qua một lần hết cao tốc thì tốn 320.000 đồng, đi lẫn về là 640.000 đồng. Đi quốc lộ 1A qua địa phận này thì dài hơn qua cao tốc khoảng 11km, đường đông đúc nên tốc độ lưu thông chậm hơn so với khi đi đường cao tốc nhưng không phải gánh mức phí quá cao như vậy. Nhiều tài xế container, xe tải nặng đã chọn quốc lộ 1A làm hướng lưu thông.

Trả lời báo chí về việc mức phí giao thông thu tại đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, ông Nguyễn Văn Phòng, phó tổng giám đốc Cửu Long CIPM cho rằng, hai năm qua Nhà nước đưa đường cao tốc vào sử dụng đã không thu phí, nay việc thu phí là để thể hiện sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người đi đường cao tốc. Mức phí đường cao tốc có thể gây sốc ban đầu một số người nhưng dần dần mọi người sẽ thấy quen.

Công Quang