1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngành Thanh tra rung động trong “cơn bão phong bì”!

(Dân trí) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng phẩm chất của cán bộ thanh tra. Người từng dạy, cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt. Thế nhưng gần đây, “cái gương” không ít vết hoen ố đến mức trong dân gian xuất hiện câu “ca dao” khá nổi tiếng: “Thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh dì (gì)... Nếu có “phong bì” là bác thanh kiu (thank you)”.

Đặc biệt gần đây, những nghi vấn xung quanh Tổng thanh tra - Trưởng ban Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng Quách Lê Thanh nhận ba lần phong bì 110 triệu đồng của Lương Cao Khải (Phó Vụ trưởng Vụ II - đã bị tạm giam) và xin cho hai người con cùng một người cháu vào ngành Dầu khí vào thời điểm Thanh tra Nhà nước đang tiến hành thanh tra đơn vị này, cũng như việc Phó tổng Thanh tra Trần Quốc Trượng bị tố cáo nhận hối lộ 10 triệu đồng và 3.000 USD như “cơn bão phong bì” gây sự rung động dư luận xã hội.

 

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Đinh Văn Minh, một “người trong cuộc” về vấn đề này.

 

Thanh cha, thanh mẹ... phong bì. Thanh kiu!

 

Là cán bộ thanh tra, ông nghĩ gì khi văn học dân gian truyền miệng câu ca trên?

 

Văn học dân gian được chắt lọc từ đời sống thực tế, phản ánh cả cái tốt lẫn cái xấu. Khi đã “bị” đi vào dân gian theo kiểu này là khổ rồi. Nhưng cũng xin nói thêm là khái niệm thanh tra ở đây không chỉ riêng ngành thanh tra mà còn có cả công tác kiểm tra, kiểm toán, điều tra...

 

Văn học dân gian luôn thể hiện tâm trạng xã hội và rất tiếc trong trường hợp này là có thật. Hiện tượng nhũng nhiễu, hạch sách... không phải là những chuyện lạ lẫm hay cá biệt.

 

Và điều đó khiến ông chạnh lòng?

 

Ai làm nghề gì thì tự hào về nghề đó. Nhất là nghề của chúng tôi, từng được coi là tai mắt của trên, bạn của dưới. Tôi chạnh lòng vì cả hai lẽ. Một là bản thân mình, đơn vị mình, ngành mình hẳn phải tự xem xét lại. Người đời thường nói: “Không có lửa làm sao có khói” nên hãy lắng nghe lời dạy của cổ nhân “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”.

 

Điều thứ hai tôi chạnh lòng vì dường như thanh tra ít được sự cảm thông. Nghề thanh tra luôn luôn phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội, hoạt động lại mang tính đặc thù, độc lập, xa cơ quan, gia đình biền biệt... Nhiều khi anh em ví như ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ. Chỉ một chút chủ quan sơ sẩy, thiếu thông tin từ đất liền là dính “bão Chan chu” ngay!

 

Những “cơn bão ngoại biên”

 

Nhưng để bù lại, Thanh tra là ngành luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước...?

 

Điều đó trước đây là đúng, rất đúng. Ngày mới giành độc lập, Bác Hồ đã đích thân mời cụ Bùi Bằng Đoàn, một vị quan nổi tiếng thanh liêm của triều đình Bảo Đại giữ chức Tổng thanh tra. Thế nhưng gần đây, thật lòng chúng tôi không thấy sự quan tâm thật sự như trước. Với chúng tôi, quan tâm không có nghĩa là cho tiền, cho xe, cho trụ sở... mà quan trọng là cho cơ chế, điều kiện thực hiện trách nhiệm quyền hạn và nhất là tôn trọng và lắng nghe kiến nghị của thanh tra. Điều chúng tôi cần là một cơ chế hợp lý để thực thi công việc, tránh sức ép từ những “cơn bão ngoại biên”.

   

“Cơn bão ngoại biên”, một từ có lẽ chưa có trong từ điển. Nó được hiểu như thế nào đối với công tác thanh tra?

 

Nó là sức ép rất mơ hồ nhưng có thật và rất mạnh. Nó được nguỵ trang một cách tinh vi đến khó lường. Ví dụ, bỗng một hôm nào đó anh cán bộ thanh tra nhận được một cú điện thoại của một VIP. Nội dung cuộc điện thoại là những lời thăm hỏi đầy tình cảm như gia đình thế nào? Vợ con ra sao?... chẳng có gì liên quan đến thanh tra kiểm tra mà anh ta đang tiến hành. Rồi, như vô tình hỏi xem đang làm việc gì? ở đâu? Và cũng rất vô tình “cài cắm” mấy câu đại loại như: “À, thế à. Tay ấy nó tốt tính lắm. Ngày xưa ở chiến trường, cậu ấy đã mấy lần cứu tớ đấy...” Khi đó, là người nhạy cảm anh phải “ngửi” thấy ngay những thông điệp đằng sau đó.

 

Món “kim chi...” nhờ nhợ!

 

Đó chỉ là những gợi ý có thể làm hoặc không. Việc răm rắp thực thi phải chăng biểu hiện sự khiếp nhược?

 

Nói khiếp nhược thì hơi quá. Nhưng ngay cả ngành công an vốn có tính độc lập cao mà đấu tranh với tiêu cực cũng còn đầy gian nan. Tôi đọc trên báo có dẫn lời Thượng tướng Lê Thế Tiệm, rằng: “Nhiều giám đốc, phó giám đốc (công an tỉnh, TP) rất hăng hái đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng nhưng ngay sau đó là “lên bờ, xuống ruộng”. Họ nói: “Bộ chỉ đạo rất đúng Nghị quyết nhưng bọn em làm theo thì biết đi đâu. Trước hết là rời khỏi cấp ủy, bầu không trúng, không vào được Hội đồng nhân dân” huống hồ thanh tra, vốn là hoạt động có nhiều sự phụ thuộc vào Thủ trưởng cơ quan quản lý, làm sao không lo cho cái “sọ” của mình?

 

Và thế là dù muốn hay không cũng không ít kết thúc cuộc thanh tra là những cách xử lý “kiểu kim chi”.  Nghĩa là nó nhờ nhợ chua chua, cay cay, ngòn ngọt và quan trọng là nó vừa lòng mọi phía. Thanh tra tưởng oai lắm nhưng cũng chỉ là tai là mắt thôi  mà.

 

Tôi tâm đắc câu: Đừng nói oan cho Đảng!

 

Trở lại việc của cựu Tổng Thanh tra Quách Lê Thanh khi ông giải trình trước Quốc hội đã không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Có cử tri cho rằng chẳng lẽ để ông Trưởng ban dự thảo Luật phòng chống tham nhũng nhận hối lộ thì hơi... “phô” nên phải “giải cứu”. Ông có định “biện hộ” gì cho thủ trưởng cũ của mình?

 

Trước một vấn đề, mỗi người có cách cảm nhận khác nhau. Có thể đồng tình, có thể băn khoăn, có thể nghi ngờ... Về cá nhân, tôi nghĩ ông cũng đã khá thẳng thắn, chân tình và sòng phẳng.

 

Về việc báo cáo và nộp tiền cho tổ chức, theo tôi nó phản ánh tính đơn giản trong suy nghĩ. Giữa việc thực hiện trách nhiệm của một đảng viên trước Đảng với trách nhiệm của một cán bộ, công chức, thậm chí là trách nhiệm của một công dân trước nhà nước, trước pháp luật.

 

Tôi rất tâm đắc với bài báo trên Sài Gòn Giải Phóng: “Đừng nói oan cho Đảng” theo cách nói của Chủ tịch Nguyên Văn An trong phiên chất vấn. Trong tất cả các trách nhiệm thì theo tôi, trách nhiệm với dân là cao nhất.

 

Dĩ độc... trị độc!?

 

Trước đây, khi trả lời phỏng vấn ông Thanh có nói đại ý cái “giá” của ông không phải mua được bằng 110 triệu đồng. Gần đây, ông Thanh lại nói với “tầm” của mình, không phải là thanh tra mới xin được việc cho con. Theo ông, cái “giá” và cái “tầm” ở đây là gì?

 

Câu hỏi hóc búa và tế nhị quá, có lẽ “tầm” của tôi không đủ sức trả lời.     

 

Còn đối với sự việc của ông Trần Quốc Trượng?

 

Theo yêu cầu của Thủ tướng, rồi đây các cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xác định trách nhiệm của ông. Còn về cá nhân, tôi nghĩ kể từ khi xảy ra sự việc và trước những sự bình phẩm của công luận, mặc dù phải chịu sức ép rất lớn nhưng ông đã xử sự đúng mực. Sự bình tĩnh, lắng nghe thể hiện ông  tin ở mình, tin vào sự sáng suốt của những người lãnh đạo và sự công minh của luật pháp.

 

Nếu ông Quách Lê Thanh có dính đến tiêu cực thì điều đau lòng nhưng cũng khá hài hước khi ông là tác giả chính của Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng vừa có hiệu lực (1/6/2006). Và có lời đàm tiếu rằng đó là bài thuốc “dĩ độc trị độc” trong dân gian?

 

Một cách nói rất... dân gian. Điều đáng nói là trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định không có vùng cấm và cần sự tham gia của nhiều thành phần xã hội bằng nhiều phương cách khác nhau chứ không chỉ “dĩ độc trị độc”.

 

Sau bão, sẽ rất khó khăn!

 

Sự việc vừa xảy ra đối với hai lãnh đạo cao nhất của ngành thanh tra dù kết quả như thế nào cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Là người trong ngành, ông đón nhận thông tin đó như thế nào?

 

Không chỉ có tôi mà tâm trạng chung của anh em trong ngành rất lo lắng. Sinh thời, Bác Hồ đã dạy làm thanh tra phải có “oai tín và danh vọng”. Sự việc xảy ra, dù kết quả thế nào cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến “oai tín” của ngành. Thời gian tới, hoạt động thanh tra chắc chắn sẽ rất khó khăn bởi sự phân tán trong tư tưởng, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân sẽ giảm sút.

 

Để hạn chế thấp nhất tổn hại này, theo ông phải làm gì?

 

Trước hết phải xử lý công bằng và nghiêm minh đối với những ai vi phạm. Ai sai đến đâu, phải chịu đến đó để “tâm phục, khẩu phục”. Thứ hai, phải động viên tinh thần anh em tin ở chân lý, tin ở sự sáng suốt của pháp luật. Thứ ba, tăng cường những cán bộ thanh tra có tâm và có tầm. Thứ tư, tạo ra một cơ chế để thanh tra hoạt động đồng thời tăng cường công tác giám sát.

 

Rau có sâu mới... tốt!

 

Có lần ông nói, tham nhũng đã “xã hội hoá”. Trong “đảo người gù”, ai thẳng lưng lại thành dị dạng. Làm người tốt thời nào cũng khó, thời nay càng khó...

 

Đúng là hiện nay, chống tham nhũng là khó, khó nhưng không thể không làm nên phải làm từng bước. Điều cần tránh hiện nay một là tư tưởng nóng vội nghĩ là dùng biện pháp mạnh có thể diệt trừ tham nhũng được ngay. Nhưng cũng phải tránh tư tưởng đầu hàng, thất bại khi nghĩ rằng tham nhũng là không thể loại trừ.

 

Đúng là tham nhũng là rất khó chống vì phải đấu tranh với thói hư tật xấu của chính chúng ta, đạo Phật đã từng răn dạy “Kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình” quả chí lý. Tham nhũng là bệnh nội tạng. Vì vậy, cần dùng thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp. Chỉ cần sơ xảy thì không tắc tử cũng hỗn loạn. Bệnh tham nhũng ở ta đã vào đến lục phủ, ngũ tạng, thậm chí không ít trường hợp còn có cả sự đồng tình của dư luận. Vụ tố cáo tiêu cực thi cử ở Hà Tây của thầy Đỗ Việt Khoa là một điển hình. Một việc làm tốt nhưng cũng  đã vấp phải không ít sự phản đối ngay từ phụ huynh và cả học sinh.

 

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng hiện nay, có xu hướng cổ vũ ngược. Người ta không còn cổ suý cho những nơi có tỉ lệ tốt nghiệp tới trên 99% hay chuyện bầu các chức danh ở kỳ họp Quốc hội vừa rồi cũng vậy. Hình như cái tỉ lệ thấp lại nói lên điều gì đó...?  

 

Về khía cạnh triết học thì chẳng có gì tuyệt đối cả. Cái gì hoàn hảo quá đều có vấn đề. Trong kế toán cũng vậy. Những người có kinh nghiệm nói rằng khi thanh tra, nếu anh không có sai sót nhỏ nào... tức là anh có “dấu hiệu” vi phạm. Tôi không tin điều gì tuyệt đối nên vừa rồi, một số thành viên Chính phủ trúng với phiếu không cao theo tôi là điều hợp lý và là tín hiệu mừng. Bây giờ đi chợ, các bà nội trợ bảo nhau: Rau có sâu mới là... rau sạch!

 

Xin cám ơn ông!

 

Bùi Hoàng Tám
(Thực hiện)