1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngăn chặn thả diều gần khu hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất

Hoàng Hướng Thư Trần

(Dân trí) - Tổ bay trên chuyến bay VJ137 từ Hà Nội đến TPHCM, trong lúc hạ cánh phát hiện diều ảnh hưởng hoạt động bay. Cảng vụ hàng không miền Nam phối hợp với địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ngày 19/4, liên quan việc người dân thả diều gần khu vực hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, đơn vị vừa ghi nhận tình trạng này.

Cụ thể, khoảng 17h17 ngày 14/4, chuyến bay VJ137 từ Hà Nội đến TPHCM, trong lúc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, tổ bay phát hiện diều xuất hiện trên trục 25L ở độ cao 300feet. Sau khi tiếp nhận thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam đã thông báo cho địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ngăn chặn thả diều gần khu hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất - 1

Diều bay gần khu vực hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn trên đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12 (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo Nghị định 32/2016 NĐ-CP, những chướng ngại vật có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay; nằm trong phạm vi vùng trời lân cận của sân bay, có độ cao từ 45m trở lên so với mức cao sân bay; nằm ngoài phạm vi vùng trời phụ cận có độ cao từ 45m trở lên so với mặt đất tự nhiên phải được cảnh báo hàng không. 

"Cần căn cứ vào vị trí diều bay nằm trong đường cất hạ cánh máy bay hay không và độ cao của diều là bao nhiêu mới xác định được việc thả diều có ảnh hưởng đến an toàn bay hay không", ông Mậu nói.

Cảng vụ hàng không miền Nam là cơ quan quản lý Nhà nước, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn bay. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, cảng vụ đã nhiều lần tổ chức hội nghị, tuyên truyền các quy định đảm bảo an toàn bay cho địa phương lân cận.

Trong trường hợp phát hiện vi phạm an toàn bay trên không, liên quan chiều cao, phi công sẽ báo về trung tâm quản lý bay, cảng vụ sẽ nắm thông tin và xác định vị trí nơi xuất hiện, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để ngăn chặn, xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp thả diều, các thiết bị bay,... ảnh hưởng hoạt động bay đang còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp khó xác định vị trí chính xác. Từ lúc nhận thông tin, đơn vị phải mất tối thiểu nữa giờ để di chuyển, nhiều lần đến kiểm tra họ đã không còn ở địa điểm đó.

Ngăn chặn thả diều gần khu hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất - 2

Người dân thả diều sáo cỡ lớn ở bãi đất trống trên đường Vườn Lài (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, từ năm 2016 đến 2023, cảng ghi nhận 51 trường hợp vật thể bay, trong đó 38 trường hợp drone, flycam bay trong khu vực hoạt động bay. Trong năm 2023, phát hiện đến 16 trường hợp tăng dần theo từng năm, vụ việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay.

Những năm qua, Cảng vụ Hàng không Miền nam tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan đã ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vật thể bay trong khu vực máy bay cất hạ cánh.

Trước đó, ghi nhận của phóng viên tại đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, đang được thi công, mở rộng. Bên ngoài dự án được rào tôn cẩn thận, bên trong khu vực công trình, nhiều trẻ em vẫn vô tư vui đùa, thả diều vào chiều tối. Đáng nói, khu vực này chỉ cách đường hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 2km.

Cách đó không xa, tại đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12, nhiều cánh diều cũng bay cao trên bầu trời.

Đại diện Tổng công ty Quản lý bay (VATM) cho biết sân bay Tân Sơn Nhất có vùng an toàn không lưu rộng 5km, dài 15km.

Theo phản ánh của người dân, hoạt động thả diều chỉ cách đường hạ cánh của máy bay khoảng 2km.

Qua quan sát hình ảnh do người dân phản ánh, vị này đánh giá những chiếc diều do người dân thả đã ở trong khu vực hạn chế, cần cảnh báo ngay để tránh những rủi do liên quan đến an toàn bay.

"Trường hợp phát hiện diều gần luồng cất hạ cánh, kiểm soát viên không lưu sẽ phải báo ngay cho phi hành đoàn và lệnh cho máy bay bay chờ, thậm chí chuyển sang sân bay dự bị", đại diện VATM chia sẻ.

Vị này cho biết trách nhiệm quản lý diều hay các phương tiện bay siêu nhẹ trước hết được giao cho chính quyền địa phương, lực lượng quân đội, công an nơi có hoạt động bay. Bên cạnh đó, cảng vụ hàng không cũng có trách nhiệm kiểm soát tình trạng này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm