(Dân trí) - Trong 15 ngày giãn cách xã hội, ngành y tế và cơ quan chức năng TPHCM phải có giải pháp cụ thể để tìm được tối thiểu 80-90% F0 cũ và F0 mới - bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
"Nếu không vét triệt để F0 cũ, hết 15 ngày giãn cách dịch sẽ bùng trở lại"
Nếu không vét triệt để F0 thì khi hết giãn cách, dịch sẽ tiếp tục bùng phát trở lại - bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Giãn cách không chỉ ngoài đường, phải đến được ngõ ngách, tổ, ấp
"Giãn cách xã hội cần phải được thực hiện triệt để theo đúng quy định, đặc biệt là ở những khu vực nguy cơ cao, khu vực đang phong tỏa. Hiện nay, tình trạng lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các khu phong tỏa đã rất rõ ràng, người mang bệnh lây cho người lành, khiến ca nhiễm tăng thêm" - bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đưa ra nhận định khi TPHCM bước vào 15 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16.
Theo bác sĩ Khanh, trước 0h ngày 9/7, thực tế lệnh phong tỏa với những khu vực có nguy cơ cao đã được triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 16, nhưng tình trạng lây nhiễm vẫn diễn ra, chứng tỏ việc phong tỏa chưa hiệu quả.
Để vượt qua dịch bệnh, bác sĩ cho rằng mọi người phải tuân thủ tuyệt đối Chỉ thị 16, các quy định ban hành phải đến được với từng ngõ ngách, tổ, ấp, khu phố. Người phải giãn cách với người, nhà phải giãn cách với nhà, để kiếm soát nguy cơ lây nhiễm.
Cộng đồng cần nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định và phối hợp với cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống dịch, không nên lơ là, chủ quan xem quy định giãn cách xã hội chỉ thực hiện ở ngoài đường hay ngoài công viên.
Giải pháp kiểm soát dịch ít tốn kém nhưng vẫn hiệu quả
Để đạt được hiệu quả đẩy lùi dịch Covid-19, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong 15 ngày tới ngành y tế và cơ quan chức năng phải có giải pháp tìm được tối thiểu 80-90% F0 cũ và F0 mới, sau đó cố gắng kiểm soát và truy tìm thêm để chờ vắc xin. Nếu không vét triệt để F0 thì khi hết giãn cách, dịch sẽ tiếp tục bùng phát trở lại".
Giải pháp kiểm soát dịch hoàn toàn có thể thực hiện hiệu quả và ít tốn kém, ngành y tế cần chia vùng tầm soát nguy cơ, phối hợp giữa phương pháp test nhanh và xét nghiệm khẳng định PCR.
Cụ thể, với những vùng có nguy cơ cao cần lấy mẫu test nhanh theo hình thức mẫu gộp của hộ gia đình. Khi phát hiện ca bệnh dương tính sẽ thực hiện PCR mẫu đơn của hộ nghi mắc Covid-19 để xác định ca bệnh.
Với những vùng không có nguy cơ cao, cần phải thực hiện test nhanh hoặc xét nghiệm theo phương án gộp các hộ gia đình ở gần nhau, không nên thực hiện thiếu kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm với bất kỳ ai như trước đây.
Khi mẫu gộp dương tính, cần phải dựa theo nồng độ virus trong mẫu xét nghiệm để đưa ra phương pháp xử lý phù hợp. Nếu nồng độ virus cao, chứng tỏ nguy cơ lây nhiễm rất lớn, cần phải xử lý biện pháp chống dịch ngay lập tức bằng cách lấy mẫu xét nghiệm nhanh PCR đơn trong vòng 6 giờ. Nếu trong thời gian trên không thể trả kết quả xét nghiệm được, phải thực hiện test nhanh để xác định ca bệnh.
Nói thêm về giải pháp, phương án vừa nêu, ông Khanh chia làm 3 đợt triển khai.
Đợt 1: 5 ngày đầu tập trung "vớt" các ca F0 cũ;
Đợt 2: 5 ngày tiếp để phát hiện ca F0 trong thời gian ủ bệnh mới lộ diện;
Đợt 3: 5 ngày cuối để vét hết những trường hợp còn sót lại.
Trong quá trình lấy mẫu phải thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo và sắp xếp một cách có trật tự, khoa học hơn, sử dụng đúng các chỉ tiêu về xét nghiệm PCR gộp, hay PCR đơn trong những trường hợp cụ thể.
Tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải chia nhóm ưu tiên
Vắc xin Covid-19 là giải pháp triệt để và hiệu quả nhất trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Để phát huy được hiệu quả kiểm soát dịch, theo bác sĩ Khanh, thời gian tới việc tiêm vắc xin cần chia 2 nhóm ưu tiên.
Nhóm một đã chích mũi thứ nhất, đến hạn chích mũi tiếp theo
Nhóm hai là người có bệnh sẽ chuyển bệnh nặng nếu mắc Covid-19.
Cụ thể, cần xác định trong cộng đồng những trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền, người trên 60 tuổi phải được ưu tiên tiêm sớm.
Không nên có tâm lý sợ số ca bệnh nhiều khiến người dân hoảng loạn, mất kiểm soát hoặc bệnh tấn công vào nhóm nguy cơ gây tử vong, mà cần chủ động thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát nguy cơ này - ông Khanh nêu quan điểm.
Theo bác sĩ Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện nay số ca nhiễm phát hiện ngày càng nhiều, nếu không phân loại hiệu quả để người bệnh dồn vào một điểm sẽ gây áp lực về mặt chuyên môn, khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Hiện thành phố đã chia các bệnh viện điều trị thành 3 tầng khác nhau theo hình tháp, trong đó ca bệnh nặng ở nhóm ít nhất. Bác sĩ Khanh cho rằng, thành phố cần phải mở rộng quy mô điều trị cho nhóm bệnh nặng để nhân sự y tế đủ sức đáp ứng điều trị, cứu sống những người này.
Xác định nhóm đối tượng cần bảo vệ
Còn theo phân tích của PGS.TS.BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM (trực thuộc Bộ Y tế), với tất cả các loại bệnh, cơ thể mỗi người đều có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau để bảo vệ chính bản thân.
Vi khuẩn lao gần như ai cũng có nhưng chỉ một số người mắc khi đã đủ hàm lượng nhất định. Với Covid-19, tải lượng phải đủ mới gây bệnh, diễn tiến nặng hoặc tử vong.
Theo bác sĩ Đồng, với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe giúp mọi người tự bảo vệ bản thân.
Với nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, TPHCM cần tăng cường tiêm chủng, hạn chế tiếp xúc. Các bệnh viện cần tăng cường giải pháp cấp cứu cho những ca bệnh nặng, hạn chế tử vong.
"Ngoài việc cách ly F1 tại nhà, thời gian tới chúng ta cần hướng đến giải pháp cách ly điều trị những trường hợp F0 không có triệu chứng tại nhà, như nhiều nước đã triển khai" - Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM nói.