1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nam thanh niên nghèo đạp xe hơn 700 km về quê tránh dịch Covid-19

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Vào Thừa Thiên Huế để làm công nhân, nhưng do dịch Covid-19 không có việc làm nên Khôi quyết định đi xe đạp cà tàng vượt gần 700 km về quê để tránh dịch.

Gia chủ cho xe đạp cũ để làm phương tiện về quê

Ngày 9/9, ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, địa phương vừa tiếp nhận và bố trí cháu Lương Văn Khôi (SN 2003, Huồi Cáng 1, trú xã Bắc Lý) vào khu cách ly tập trung của xã để cách ly theo quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Nam thanh niên nghèo đạp xe hơn 700 km về quê tránh dịch Covid-19 - 1

Hơn 3 ngày đạp xe từ Huế, chàng trai dân tộc thiểu số ở xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn cũng đã về đến Nghệ An với quãng đường hơn 700 km.

Theo ông Long, cháu Khôi (người dân tộc Khơ Mú) vừa trải qua 3 ngày đạp xe vượt hơn 700 km từ thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) trở về quê nhà đến tránh dịch Covid-19.

"Khoảng đầu tháng 6/2021, cháu Khôi vào Huế kiếm việc làm thuê. Thời gian gần đây, dịch bệnh phức tạp, việc làm ở Huế không có nên cháu Khôi quyết định đạp xe để về quê. Hiện chúng tôi đã cho cháu cách ly theo quy định, gia đình Khôi là hộ nghèo của xã...", ông Long chia sẻ.

Nam thanh niên nghèo đạp xe hơn 700 km về quê tránh dịch Covid-19 - 2

Chiếc xe đạp cà tàng của chủ nhà trọ cho để Khôi đạp hơn 700 km về quê tránh dịch.

Chia sẻ với PV Dân trí, chàng trai 18 tuổi cho biết, khi vào thành phố Huế, Khôi thuê trọ tại phường An Cựu. Được thời gian đầu có việc làm, nhưng lương khá thấp. Gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc làm không có, tiền trang trải cuộc sống đã hết nên Khôi quyết định về quê. Nhưng Khôi không biết về quê bằng cách gì.

"Em có trình bày với gia chủ về tình cảnh khó khăn, nên được chủ nhà trọ cho chiếc xe đạp cũ. Sau khi sửa sang lại, em gói đồ và quyết định đạp xe từ Huế để về nhà. Em cũng nghĩ, giờ này đạp xe từ Huế về đến quê (xã Bắc Lý, Kỳ Sơn) với quãng đường hơn 700 km, vừa mệt, vừa xa và cũng nguy hiểm, nhưng ở lại thì không biết khi nào có việc làm, rồi tiền ăn cũng hết, chẳng còn cách nào khác nên em quyết đạp xe về thôi", Khôi chia sẻ.

Nam thanh niên nghèo đạp xe hơn 700 km về quê tránh dịch Covid-19 - 3

Thượng úy Ngô Quang Lộc, Công an huyện Kỳ Sơn đã hỗ trợ tiền cho Khôi về quê thực hiện cách ly.

Ngày 3/9, Khôi bắt đầu đạp xe từ thành phố Huế để về quê. Ban ngày, Khôi đạp xe đến đêm khuya, khi nào cảm thấy mệt thì nghỉ ngơi ven đường hoặc xin nhà dân nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Bị lừa mất điện thoại, tiền...

Trên hành trình cùng chiếc xe đạp cà tàng, không chỉ mệt mỏi, mà Khôi còn bị một người lạ lừa lấy điện thoại cùng số tiền ít ỏi tích cóp từ lâu để về quê.

"Ngày đầu tiên đạp xe từ Huế ra, em chọn trạm thu phí ở tỉnh Quảng Trị để làm chỗ dừng chân và nghỉ ngơi. Tại đây, em nằm nghỉ khoảng một tiếng đồng hồ rồi lại lên xe tiếp tục đạp. Khi qua trạm thu phí Quảng Trị tầm hơn 1 km, thì em gặp một người đàn ông đi xe máy, người này nói là đi từ Sài Gòn về quê ở Hà Tĩnh. Người đàn ông này giới thiệu tên là Đình, rủ em ở lại Quảng Bình để xin việc", Khôi chia sẻ.

Nghĩ đó là người tốt, cũng mong muốn có việc làm để kiếm thêm thu nhập rồi tính tiếp, nên Khôi đồng ý và được người tên Đình đưa vào một nhà nghỉ để nghỉ trưa. Do đạp xe đường dài quá mệt, nên vừa đặt lưng xuống, Khôi đã thiếp đi. Khi tỉnh dậy, Khôi không thấy người đàn ông kia và số tiền 800 nghìn đồng bỏ trong túi quần cùng chiếc điện thoại có giá khoảng 6 triệu đồng đã không còn.

Nam thanh niên nghèo đạp xe hơn 700 km về quê tránh dịch Covid-19 - 4

Thiếu úy Moong Công Tiến, Công an viên Thường trực xã Bắc Lý cùng em Khôi tại căn nhà bằng tre nứa do các đoàn thể dựng lên để làm khu cách ly cho người dân trở về từ vùng dịch.

Sau đó, Khôi nhờ chủ nhà nghỉ gọi vào số điện thoại của mình nhưng đã tắt máy. Không còn tiền, dọc đường đạp xe, Khôi vào một số quán xin cơm ăn và được nhiều người giúp.

Sau hơn 3 ngày đạp xe, đến ngày 7/9, Khôi về đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, tại bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Tại đây, sau khi khai báo y tế, Khôi được lực lượng chức năng làm test nhanh với kết quả âm tính.

Thấy hoàn cảnh của Khôi khó khăn, Thượng úy Ngô Quang Lộc (Công an huyện Kỳ Sơn) làm việc tại chốt kiểm soát đã hỗ trợ Khôi số tiền 300 nghìn đồng để em tiếp tục đạp xe về nhà tại xã Bắc Lý.

Về tại xã, Khôi được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 bố trí vào khu cách ly tập trung của xã Bắc Lý để thực hiện cách ly theo quy định.

Được biết, gia đình Khôi có 7 anh em, 2 người anh mất do bệnh tật, còn lại 5 anh em. Người mẹ của Khôi cũng mất sau khi sinh 7 người con. Cũng từ đó, người bố lang thang khắp nơi, rồi đi lấy vợ khác. Trong lúc khó khăn, anh em Khôi được dì và Trung tâm bảo trợ trẻ em của tỉnh hỗ trợ nhận nuôi người em út năm nay học lớp 5.

"Mẹ và hai anh đầu mất do bị bệnh, sau đó bố đi lấy vợ khác, đứa em gái 15 tuổi "mất tích" đã lâu chưa tìm thấy. Hiện nay, anh trai thứ 3 đang học nghề, em gái út thì được Trung tâm bảo trợ nuôi. Bây giờ em chỉ mong làm sao tìm thấy em gái…", Khôi vừa nói vừa khóc kể về gia đình mình.

Trước đó, chính quyền xã Bắc Lý đã vận động người dân cùng đoàn viên thanh niên dựng được 13 căn nhà bằng tre nứa để làm khu cách ly tập trung cho người dân từ vùng dịch trở về. Khu cách ly tuy làm bằng tre nứa nhưng rất chắc chắn, đảm bảo khoảng cách phòng dịch, vệ sinh, an toàn.

Được biết, xã Bắc Lý có 13 bản khó khăn, trong đó có 11 bản người Khơ Mú, 1 bản người Mông, 1 bản người Thái với gần 5.000 nhân khẩu. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 62%. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm