1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Năm 2007, tai nạn lao động ngành xây dựng tăng cao

(Dân trí) - “Cả năm 2007, TPHCM có 87 vụ tai nạn lao động, ít hơn năm 2006 13 vụ; nhưng tai nạn lao động trong ngành xây dựng lại tăng cao. Đặc biệt có những vụ nghiêm trọng liên tục xảy ra như sập Viện Khoa học xã hội Nam Bộ, gãy cần cẩu, sập nhà đang xây…”.

>> Sập Viện KHXH vùng Nam Bộ
>> Sập cần cẩu, 5 người bị thương

 

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM trao đổi với Dân trí về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) ở TPHCM trong năm 2007, nguyên nhân và chế độ hỗ trợ đối với các nạn nhân.

 

Xin ông cho biết những nguyên nhân khiến tình hình TNLĐ vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là trong ngành xây dựng?

 

Trong 6 tháng đầu năm 2007, số vụ TNLĐ giảm rất lớn so với năm 2006. Nhưng trong những tháng cuối năm, các công trình xây dựng tăng đột biến so với năm trước nên xảy ra nhiều vụ TNLĐ trong lĩnh vực này.

 

Về nguyên nhân, đầu tiên phải kể đến những vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn an toàn lao động (ATLĐ) của doanh nghiệp. Chẳng hạn, vụ sập Viện Khoa học xã hội Nam Bộ là do công trình Pacific chỉ được phép xây 3 tầng hầm nhưng lại xây 6 tầng; vụ gãy cần cẩu cũng vi phạm về nguyên tắc an toàn khi vận hành cẩu. 

 

Thứ hai là công tác huấn luyện, hướng dẫn về ATLĐ cho người lao động (NLĐ) trong ngành xây dựng, các doanh nghiệp chỉ thực hiện sơ sài, hình thức. Điều này khiến NLĐ không nắm chắc được những nguyên tắc ATLĐ, TNLĐ dễ xảy ra. 

 

Thứ ba, các công trường xây dựng vẫn chưa có các biện pháp an toàn trong quá trình thi công; nếu có chỉ mang tính chắp vá, tạm bợ. 

 

Thứ tư, phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLĐ không đầy đủ. Ngành xây dựng đang có một tồn tại là sử dụng lao động thông qua cai thầu. Việc này gây nên một hậu quả là công tác quản lý lỏng lẻo, người lao động chịu thiệt thòi và công tác bảo hộ lao động cũng không được coi trọng.

 

Thứ năm là trình độ NLĐ trong ngành xây dựng rất thấp. Phần lớn họ là nông dân, khi mùa màng rảnh rỗi tranh thủ lên TP làm thợ để kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, họ cũng ít chú ý đến ATLĐ cho bản thân.

 

Công tác thanh tra của Sở như thế nào?

 

Thanh tra Sở thường xuyên phối hợp cùng thanh tra Xây dựng, Y tế, Liên đoàn Lao động… tiến hành các đợt kiềm tra định kỳ. Mỗi tuần đều kiểm tra 1 đơn vị. Trong năm qua phạt đến gần 800 triệu đồng các trường hợp vi phạm ATLĐ. Nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với số lượng công trường quá lớn tại TP.

 

 

Năm 2007, tai nạn lao động ngành xây dựng tăng cao  - 1
 

Ông Nguyễn Quốc Việt.

 

Nếu tai nạn xảy ra, chúng tôi sẽ nghiêm túc điều tra nguyên nhân, bảo vệ quyền lợi của NLĐ và xử lý doanh nghiệp vi phạm. Nếu có yếu tố vi phạm hình sự sẽ chuyển cho Công an và Kiểm sát khởi tố trước pháp luật.

 

Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện về ATLĐ, tuyên truyền bằng panô, áp phích...

 

Khi TNLĐ xảy ra, NLĐ có thể đến đâu để đòi quyền lợi cho mình, thưa ông?

 

NLĐ có thể đến các tổ chức chính trị bảo hộ NLĐ như Công đoàn để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý. Hiện nay ngành Công đoàn đã có các trung tâm tư vấn miễn phí cho NLĐ. 

 

NLĐ cũng có quyền khiếu nại lên Thanh tra các Sở LĐ-TB-XH. Đơn vị này sẽ đứng ra can thiệp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Nếu cần, Thanh tra Sở sẽ hướng dẫn NLĐ khởi tố ra tòa. Nhà nước cũng quy định tòa án không thu phí NLĐ khi giải quyết tranh chấp quyền lợi cho NLĐ.

 

NLĐ bị TNLĐ sẽ được bồi thường như thế nào?

 

Tùy vào kết quả điều tra nguyên nhân gây ra TNLĐ là do NLĐ hay do doanh nghiệp mà quyết định mức hỗ trợ, bồi thường. Nếu TNLĐ do NLĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ ATLĐ cá nhân thì là do NLĐ, còn nếu doanh nghiệp không cung cấp phương tiện thì lỗi ở doanh nghiệp.

 

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì NLĐ cũng sẽ được hỗ trợ khi bị TNLĐ. Mức hỗ trợ được quy định chi tiết cụ thể cho từng trường hợp tại Thông tư liên tịch số 14. 

 

Mức hỗ trợ cao nhất là khi NLĐ tử vong phải bồi thường ít nhất là 30 tháng lương. Nếu có BHXH, thân nhân NLĐ sẽ được nhận thêm mức hỗ trợ 1 lần bằng 36 tháng lương của NLĐ. Nếu NLĐ có con nhỏ thì những đứa con sẽ được trợ cấp mỗi tháng bằng 0,5 tháng lương cho đến 18 tuổi. 

 

Nhà nước có quy định gì để bảo vệ NLĐ làm việc trong các môi trường độc hại như dễ nhiễm xạ…?

 

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, ngoài việc trang bị các thiết bị bảo hộ ATLĐ còn phải thường xuyên kiểm tra môi trường làm việc (ít nhất mỗi năm một lần) về mật độ bụi, ánh sáng, chất độc hại… Nếu môi trường không đảm bảo thì phải cách ly với NLĐ hoặc trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân. Ngoài ra còn phải có chế độ bồi dưỡng NLĐ làm việc trong môi trường độc hại. 

 

Xin cảm ơn ông!

 

Tùng Nguyên - Nguyên Tuấn

(thực hiện)