1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Muốn bứt phá, phải đầu tư vào khoa học công nghệ

(Dân trí) - Nước Nhật thua ta trong tất cả mọi điều kiện, tài nguyên vô cùng thiếu thốn, nhưng họ đi lên bằng công nghệ cao. Với Việt Nam, chủ trương thì nói nhiều nhưng làm thì chưa đáng kể, hiệu quả thấp bởi không có những bước đi cụ thể - đại biểu Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn nhận xét.

Bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Lân Dũng đã có một cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

 

Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến việc phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo như là hai lĩnh vực quốc sách hàng đầu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Tôi cho rằng nếu chúng ta thực sự đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp thì chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo, công nghiệp là những ngành công nghiệp nào. Nước ta từ một nền nông nghiệp muốn đi lên thì rõ ràng công nghệ sinh học phải được coi trọng.

 

"Mục tiêu đến năm 2010 nước ta đạt bình quân GDP đầu người là 1.050 đô la thì mới chỉ bằng Philippin hiện nay, chưa bằng một nửa so với Thái Lan hiện nay, chưa bằng 1/4 so với Malaysia hiện nay, chưa bằng 1/10 so với Hàn Quốc hiện nay, chưa bằng 1/20 so với Singapore hiện nay và xấp xỉ 1/30 so với Nhật Bản hiện nay" (đại biểu Nguyễn Lân Dũng).

Tôi có sang Nhật thăm một số doanh nghiệp tư nhân của Nhật trong lĩnh vực dược phẩm, họ đầu tư nghiên cứu cơ bản còn hơn cả những viện nghiên cứu lớn nhất của nhà nước. Tại sao như vậy? Bởi hiện nay những thuốc mà họ sản xuất ra được dựa trên những công nghệ sinh học mới. Họ thí nghiệm và sản xuất trên quy mô công nghiệp bằng robot. Họ xác định chỉ có sản xuất được những sản phẩm mới, tiên tiến thì mới nuôi sống được bản thân và họ thu lãi rất cao nhờ khoa học công nghệ.

 

Hãy nhìn rộng ra một chút. Nước Nhật thua ta trong tất cả mọi điều kiện, tài nguyên vô cùng thiếu thốn, nhưng họ đi lên bằng công nghệ cao. Việt Nam “định” trở thành một nước công nghiệp trong năm 2020 tức là thời gian rất gần rồi. Nếu chúng ta không xác định cụ thể, không chuẩn bị từ bây giờ thì chẳng lẽ đến lúc không đạt được mục tiêu lại “cười trừ”?

 

Tôi lấy ví dụ cụ thể. Vừa rồi tôi có đề nghị với Thủ tướng về việc nâng cấp từ Trung tâm nghiên cứu vi sinh vật thành Viện vì không nghiên cứu vi sinh vật thì không thể làm công nghệ sinh học được. Tôi đã viết dự án. Thủ tướng đã đồng ý, Phó thủ tướng cũng đồng ý. Nhưng bây giờ Văn phòng Chính phủ lại hỏi ý kiến năm sáu bộ ngành thì còn lâu lắm…

 

Nhưng chúng ta cũng đã có những định hướng lớn cho việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ?

 

Định hướng thì có rồi, nói nhiều rồi nhưng chưa cụ thể. Tôi nghĩ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới phải có những bước đi rất cụ thể. Năm tới làm gì, sau nữa làm gì, mục tiêu cũng phải cụ thể, năm nào được cái gì, không thể định hướng chung chung được. Để xây dựng được những chiến lược như vậy anh em khoa học phải được dân chủ đóng góp ý kiến. Cứ thế này tôi sợ thời gian qua rất nhanh và năm 2020 đến lúc nào không biết.

 

Vừa rồi Thủ tướng cũng có gặp gỡ các nhà khoa học. Vậy theo ông có chuyển biến gì không?

 

Thủ tướng rất lắng nghe. Thủ tướng nhận thức rất rõ vấn đề và cũng rất bức xúc. Nhưng thực tế là các thủ tục, quy trình của chúng ta quá lâu. Nếu Chính phủ làm quyết liệt và tin vào giới khoa học thì sẽ làm được.

 

Từ góc độ cá nhân, tôi không có tham vọng gì trong việc viết các đề án. Tôi học tập những nhà khoa học cách đây 60 năm. Khi đó họ chỉ 30, 40 tuổi nhưng dám nhận với chủ tịch Hồ Chí Minh những nhiệm vụ rất nặng nề và đều hoàn thành. Nhiều người trong số họ không phải là giáo sư, tiến sỹ, đảng viên… Chúng ta có lúc từng có 10 bộ trưởng là người ngoài Đảng.

 

Với tư cách là người vừa đào tạo, vừa tham gia nghiên cứu khoa học, ông đánh giá thế nào về mức độ đầu tư cho nghiên cứu khoa học hiện nay?

 

Nói chung là thấp nhưng nếu biết tận dụng thì cũng không đến nỗi nào. Tôi biết Bộ Khoa học Công nghệ mỗi năm nhận được khoảng 300 triệu USD. Một viện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn chỉ cần vài triệu USD. Chẳng hạn năm ngoái chúng tôi được đầu tư 1 triệu USD và hoạt động tốt, sau đó Nhật Bản lại tham gia đầu tư tiếp.

 

Một điểm khác biệt dễ nhận thấy là ở các nước, trường đại học là nơi xuất phát những công nghệ mới, nghiên cứu mới và người ta thường quay lại trường học để cập nhật kiến thức. Còn ở ta có vẻ ngược lại?

 

Ở các nước, trường đại học là trung tâm nghiên cứu khoa học. Việc tách rời viện nghiên cứu với các trường đại học như ở ta là hết sức lãng phí. Tại sao lại có Viện toán học và chỉ ngồi để nghiên cứu toán? Tôi nghĩ ít nhất các viện nghiên cứu cơ bản hãy về với các trường đại học, cùng giảng dạy, cùng nghiên cứu và cùng phát huy được giá trị.

 

Thực tế hiện nay là chúng ta cũng có nhiều công trình nghiên cứu nhưng áp dụng vào thực tiễn thì còn rất ít. Theo ông tại sao vậy?

 

Tại vì nghiên cứu nhiều nhưng nghiên cứu không trúng vấn đề. Chẳng hạn, đề tài cứ là “Bước đầu nghiên cứu cây này”, sang năm lại bước đầu nghiên cứu cây kia… Cứ thế thì nhiều cũng vô ích. 50 làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, tôi nghĩ mình khó có thể phát minh được. Hãy biết dùng phát minh của người ta và đưa được vào nước mình đã là quý lắm rồi. Hãy tập trung dồn sức làm những việc hết sức cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, đừng quá phiêu lưu những đề tài lớn lao mà thế giới chưa làm.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Hoàng Nguyên