1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Mưa lớn, người dân núi Cấm mất ăn mất ngủ lo lũ bùn

Doãn Công

(Dân trí) - Hai ngày nay, trời tiếp tục mưa khiến nước từ trên núi Cấm tại vị trí sạt lở đất chảy xuống, kéo theo bùn đất đe dọa khu vực dân cư

Chiều 24/11, ông Nguyễn Đức Chiêu - Chủ tịch UBND xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định - cho biết, do trời mưa, tại điểm sạt lở núi Cấm, nước bắt đầu chảy kéo theo bùn đất xuống khu vực dân cư.

Mưa lớn, người dân núi Cấm mất ăn mất ngủ lo lũ bùn - 1

Hiện trường điểm sạt lở núi Cấm (thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) gây ra "lũ bùn" phủ kín khu dân cư.

Theo ông Chiêu, những ngày qua sau khi tạnh mưa, chính quyền địa phương đã huy động phương tiện máy đào, xe công nông cùng các lực lượng công an, bộ đội, đoàn thanh niên và người dân tập trung dọn dẹp bùn đất tràn vào khu dân cư. Đến nay, việc khắc phục cơ bản đã xong, đường vào khu dân cư, mương thoát nước đã được nạo vét hết bùn đất, cuộc sống người dân dần ổn định.

"Hiện người dân đang sử dụng vật dụng che chắn, chỉnh dòng chảy không để nước bùn tràn vào nhà", ông Chiêu cho hay.

Mưa lớn, người dân núi Cấm mất ăn mất ngủ lo lũ bùn - 2

Lực lượng công an, bộ đội, đoàn viên thanh niên giúp người dân khắc phục hậu quả vụ sạt lở núi Cấm.

Anh Mai Công Trị, nhà gần khu vực điểm sạt lở ở núi Cấm cho biết: "Lúc này trời đang mưa nhỏ, nước trên núi bắt đầu chảy xuống nhưng không lớn như lần trước. Tuy nhiên, một số nhà dân gần điểm sạt lở không dám ngủ trong nhà, có gia đình phải qua nhà bà con để ngủ nhờ vì sợ mưa lớn gây sạt lở".

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, hiện tại khu vực núi Cấm có mưa vừa, có lúc mưa lớn, lượng mưa trên 100 mm. Nước trên núi Cấm đang bắt đầu chảy xuống nhưng không lớn, song người dân cần chủ động đề phòng mưa lớn có thể tiếp tục gây sạt lở.

"Khu vực núi Cấm ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, nằm trong điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở rất thấp, từ trước đến nay cũng chưa xảy ra tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, sau thời gian người dân canh tác cây keo, bạch đàn thì xảy ra sạt lở nghiêm trọng", ông Chương nói.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, từ khuya 14/11 đến rạng sáng 15/11, núi Cấm bất ngờ sạt lở ở độ cao khoảng 150 m, tạo thành vệt sâu 6-7 m, hàng chục nghìn khối đất đá theo dòng nước tràn xuống, uy hiếp khu dân cư.

Từ sáng 16-17/11, núi Cấm tiếp tục sạt lở nhiều lần tại vị trí thứ 2 (cách vị trí đầu tiên khoảng 300 m), bùn non, đất đỏ tràn vào khu dân cư. UBND xã Cát Thành đã phải sơ tán gần 90 hộ với khoảng 150 người sống dưới chân núi đến trường học và nhà dân ở nơi khác.