Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:
"Một số doanh nghiệp có dấu hiệu thấm khó khăn"
(Dân trí) - Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đánh giá một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu thấm khó khăn khi đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ.
Sáng 17/2, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Sự kiện có sự tham dự của các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Trong thời điểm cuối năm 2022, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại TPHCM đã dần ổn định. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn 22% so với tỷ lệ 26% so với quý liền kề trước đó.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, điều này cho thấy một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu thấm khó khăn khi đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ.
Trao đổi đầu tiên tại sự kiện, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, cho biết, đối với các nước, ngành cơ khí là ngành cơ bản phục vụ các lĩnh vực khác, là trái tim của nền kinh tế. Tuy nhiên, nền cơ khí của nước ta chưa được đầu tư phát triển đúng yêu cầu.
"Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tư nhân trong ngành chủ yếu phát triển dựa trên đam mê với nghề. Các doanh nghiệp này tự đầu tư phát triển từ mô hình nhỏ đi lên chứ không có nhà đầu tư chuyên nghiệp", ông Tống chia sẻ.
Đại diện cho các doanh nghiệp cơ khí - điện bày tỏ, nhiều doanh nghiệp trong ngành rất mong muốn được tham gia nhiều dự án, công trình lớn trên địa bàn như tuyến metro, đường sắt trên cao. Doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất những sản phẩm tương tự hàng ngoại nhập được các gói thầu sử dụng, thậm chí họ đã có thể xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài.
Hàng hóa của họ không chỉ "made in Vietnam" mà là "made by Vietnam". Sản phẩm được làm bởi chính con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn vẫn có tâm lý sử dụng hàng nước ngoài.
"Thậm chí sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, xuất khẩu sang nước ngoài rồi lại đấu thầu, nhập khẩu về Việt Nam. Có thể nói đây là nỗi đau của các doanh nghiệp Việt", ông Đỗ Phước Tống bày tỏ.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM lấy ví dụ về một sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài theo dạng OEM (sản xuất, cung ứng theo đơn đặt hàng). Sau khi xuất khẩu, sản phẩm này được đóng thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài.
Trong các gói đầu tư công hoặc các dự án lớn, các đơn vị tại Việt Nam lại nhập khẩu về. Khi sản phẩm có vấn đề, đơn vị sản xuất tại Việt Nam là bên chịu trách nhiệm bảo hành. Điều này rất thiệt thòi cho các doanh nghiệp việt khi phần giá trị gia tăng lại nằm ở phía doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, vấn đề này không chỉ xảy ra trong ngành cơ khí mà một số ngành khác như nhựa, cao su. Lãnh đạo TPHCM lấy ví dụ về việc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn có thể sản xuất ra các chi tiết để lắp ráp trong ô tô, hệ thống truyền tải điện, hệ thống trục quay...
Ngoài ra, các doanh nghiệp của thành phố có thể sản xuất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng không đủ điều kiện đứng ra nhận thầu. Khi đấu thầu, các đơn vị lại sử dụng sản phẩm của nước ngoài, nhưng thật ra là sản phẩm sản xuất trong nước.
Tình trạng này diễn ra tương tự đối với các doanh nghiệp cung cấp các chi tiết trong sản phẩm công nghệ cao. Mặc dù có thể sản xuất các sản phẩm, chi tiết, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn phải đi qua bước trung gian.
"Thương hiệu của mình chưa tạo dựng được, đó là điểm cần suy nghĩ. Thương hiệu này doanh nghiệp sẽ làm, còn Nhà nước cần hỗ trợ", ông Võ Văn Hoan cho hay.