Một ngày với bé Hảo tại trại trẻ mồ côi
(Dân trí) - Chúng tôi đến Lộc Ninh vào một buổi chiều cuối tháng 10 trong cơn mưa tầm tã và gió lốc kinh hoàng. Hai bên đường, cây ngã chắn lối đi. Khoảng 19 giờ tối, chúng tôi mới vào tới Trung tâm trẻ mồ côi.
Toàn bộ khu vực thị trấn Lộc Ninh bị cúp điện. Từ xa, theo ánh đèn pha ô tô rọi vào căn nhà nơi cháu Hảo ở, chúng tôi thấy cháu đang nhảy cẫng lên vì sung sướng khi biết có chúng tôi đến.
Tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cháu bé bị bạo hành - Nguyễn Thị Hảo đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới và đón nhận được sự yêu thương chăm sóc đặc biệt của mọi người.
Căn nhà nhỏ với diện tích khoảng 80 m2 là nơi trú ngụ của 7 tâm hồn trẻ thơ có mảnh đời bất hạnh. Mỗi cháu đến với trại trẻ mồ côi đều có một nghịch cảnh riêng, nhưng với cháu Hảo - đứa em nhỏ nhất trong ngôi nhà này thì tuổi thơ không bình yên hơn cả.
Trong ánh đèn nhập nhoạng, Hảo đã ôm chầm lấy cô Tuyến - Công đoàn bệnh viện Bình Phước - người đã quan tâm chăm sóc và hết lòng yêu thương cháu trong những ngày Hảo ở bệnh viện. Vẫn thói quen chập hai tay của mình vào gò má để nựng cô Tuyến, Hảo hôn chùn chụt vào má cô để thể hiện sự nhớ thương tột cùng.
Con mời bác Tuyến ăn kẹo |
Cô Thanh Thủy - “mẹ” nuôi Hảo tại trại trẻ mồ côi cho biết: “Cháu Hảo không những ngoan mà còn thông minh. Mới về có vài ngày mà Hảo đã thuộc lòng được hơn 3 bài hát do cô dạy”.
Chúng tôi nhìn cháu, một sự thay da đổi thịt và tâm hồn khỏe khoắn đến không ngờ. Cách đây tròn 1 tháng, cháu vào viện trong tình trạng người mềm mướt, èo uột và dường như không còn tri giác. Nhờ sự yêu thương chăm sóc bằng cả trái tim và đạo đức nghề nghiệp của các bác sĩ, các cô trong trại trẻ mồ côi, cháu bé bất hạnh này đã hồi phục một cách đáng kể.
Cháu nhảy chân sáo và vỗ tay, hát trọn vẹn những bài hát: Cả nhà thương nhau, Một con vịt, Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo…
Hảo trong vòng tay của mẹ Thuỷ |
Đến thăm Hảo còn có 2 người mẹ là độc giả trung thành của báo Dân trí và cũng là người hết mực yêu thương chăm sóc, đã từng nhiều đêm không ngủ khi đọc những thông tin về cháu Hảo. Họ lặn lội hơn 2.000 km từ Hà Nội lên tận Lộc Ninh để thăm cháu.
Sáng 22/10, chúng tôi quay lại Trung tâm để hai người mẹ trẻ này nô đùa với cháu. Lỉnh kỉnh những quà mua từ Hà Nội vào, vậy mà ngay từ sáng sớm, họ còn ra chợ Lộc Ninh mua thêm nhiều thứ nữa cho cháu và các anh chị em của Hảo trong nhà.
Đại diện báo Dân trí cũng trực tiếp mang toàn bộ quà của bạn đọc gồm sách vở, bút màu, quần áo, búp bê… cho cháu Hảo.
Sau chút bỡ ngỡ ban đầu, được sự yêu thương chăm sóc của mọi người, đặc biệt là cô Thanh Thủy, Hảo đã dần quen môi trường mới.
Mỗi ngày, Hảo lên trên nhà ăn ở, sinh hoạt chung với các anh chị em. Do là đứa trẻ nhỏ nhất, bất hạnh nhất nên mỗi tối, Hảo được cô Thủy dẫn về nhà của mình trong khu nội trú chăm chút trong từng giấc ngủ.
Chị Thủy có hai người con trai là cháu Tuấn (6 tuổi) và Tú (3 tuổi). “Anh” Tuấn, Tú đều rất yêu thương và có cái gì cũng dành cho Hảo.
Anh Tuấn luôn dành tình thương đặc biệt cho Hảo |
Chị Thủy tâm sự: “Ban đầu, thấy em chăm sóc chu đáo cho Hảo, hai đứa con ganh tỵ với cháu, nhưng khi em giải thích cho hai con nghe về nỗi bất hạnh khôn cùng của Hảo, thì hai cậu con trai em cũng thương yêu và phụ giúp em trong việc chăm lo cho Hảo. Các cháu trong nhà này cũng vậy, chúng thương Hảo lắm anh ạ!”. Hằng ngày, các cô ở trung tâm thay nhau đi chợ mua thức ăn, đồ dùng cho các cháu.
Căn phòng ngủ của Hảo dán nhiều bức tranh của các em học sinh trường Đồng Xoài vẽ tặng. Cuối mỗi bức tranh là những dòng chữ gửi gắm biết bao tâm sự và niềm tin yêu của các bạn dành cho Hảo như: “Hảo ơi! Cố lên! Chúng mình luôn ở bên bạn!”, “Hảo ơi! Bạn thật là anh hùng”, “Hảo ơi! Các chị thương em nhiều lắm!”, “Hảo ơi! Chúc em sớm có một mái ấm tốt”... Trên giường Hảo còn đầy những búp bê và đồ chơi.
Hai người mẹ trẻ Vân Anh, Lê Hà từ Hà Nội đã không kìm được nước mắt và sự sung sướng khi thấy con khỏe lại. Họ mua từng cây bút, hộp màu và cuốn tập tranh để cho Hảo tập tô. Những bộ đồ ấm để cho Hảo tránh được mùa đông... Cái kiềng đeo tay, cái kính đeo mắt là những thứ mà Hảo rất thích. Hảo ngồi vào lòng cô Vân Anh, ngoan ngoãn cùng cô tập vẽ. Rồi Hảo hát, múa, chạy lon ton khắp phòng trong tiếng vỗ tay của mẹ, cô, anh chị… “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta đều thương yêu nhau…”. Nhìn Hảo vui đùa, chúm chím hát mà nước mắt người mẹ trẻ Vân Anh cứ lăn dài trên gò má.
“Con tập tô theo cô nào” |
Thời gian lưu lại bên cháu thấm thoắt trôi qua, chúng tôi và 2 người mẹ phải ngược xuôi trở lại Sài Gòn, Hà Nội để lo cho bộn bề công việc. Trước lúc chia tay, Hảo cứ gọi tôi là “ba”, còn cô Vân Anh là “mẹ”. Cháu bé cứ quyến luyến mãi không rời. Câu nói của Hảo cũng chính là khát vọng của nhiều đứa trẻ ở trung tâm, đang mơ về một mái ấm gia đình - nơi ấy chúng được sống trong vòng tay đùm bọc, chở che và tình yêu thương của ba, mẹ.
Ông Lê Xuân Nẫm - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 25 cụ già và 15 trẻ nhỏ cơ nhỡ. Cuộc sống ở đây xa trung tâm của tỉnh và còn nhiều khó khăn. Ngoài việc chăm lo cho các cụ, các cháu, chúng tôi cũng cần lắm sự ủng hộ, giúp đỡ của các mạnh thường quân để cải thiện cuộc sống, bữa ăn của những mảnh đời bất hạnh này. Riêng về cháu Hảo, chúng tôi vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho cháu, và dành cho cháu những gì tốt đẹp nhất”. |
Bài và ảnh: Công Quang