1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một mình cứu 11 người trong đống đổ nát

Hai nhịp cầu Cần Thơ đổ sập trong tích tắc. Cả trăm con người đang bình yên bỗng gặp nạn. Trong thảm họa này, anh nông dân Lê Tấn Thành (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long) đã đưa được 11 người ra khỏi đống bêtông đổ nát.

Nhà anh Thành cách hiện trường vụ sập cầu chưa đầy 300m. Sáng 26/9, vừa đưa chén cơm lên miệng chưa kịp ăn thì nghe tiếng ầm ầm. Mọi người nói sập cầu, chết nhiều người. Bỏ chén cơm, anh mặc quần đùi chạy đi luôn. Mới ra tới đầu ngõ đã thấy người nhà công nhân vừa chạy vừa khóc kêu tên chồng, con thảm thiết.

 

Tới hiện trường, mọi thứ tan hoang. Nhiều người bị gỗ, sắt và các khối bêtông đè lên. Không chút đắn đo, anh nhấc thanh sắt đè trên người hai nạn nhân nhưng không nổi, anh quýnh quáng lấy chiếc xe máy của ai dựng gần đó chạy về nhà lấy cái cưa gỗ và balăng (như một cái ròng rọc) quay lại hiện trường. Lúc đó chưa có lực lượng cứu hộ, anh cùng với công nhân và người dân vào cứu nạn nhân ra khỏi hiện trường.

 

Chết cũng phải cứu người

 

“Chỗ tấm bêtông sụp xuống, hàng chục người nằm la liệt, máu me khắp người. Một anh nằm ngửa bị cây gỗ đè ngang ngực. Tui tới kêu ảnh còn sống không nhưng không thấy trả lời. Tui nghĩ có chết cũng phải lấy được xác nên cưa thanh gỗ để đưa ảnh ra. Thanh gỗ vừa nhấc lên thì ảnh thở è một cái, tui mừng rơn. Không biết ảnh trẻ hay già nữa, mặt mày đầy máu, chân bị gãy. Hai người nằm cạnh anh này đã bị một khối bêtông đè chết” - anh Thành kể.

 

Gần đó, một nạn nhân khác nằm sấp bị một mảng bêtông đè ngang thắt lưng, chỉ còn cái đầu ngọ nguậy. Cố sức bình sinh để nâng mảng bêtông này nhưng không được, anh Thành dùng một thanh sắt kê vào khối bêtông gần đấy để bẩy lên. Nạn nhân được đưa ra. “Anh này nặng phải hơn 60kg, bình thường khiêng không nổi vậy mà bữa đó tui cõng khỏe re. Vừa đưa ra ngoài thì ảnh tỉnh dậy đòi uống nước. Chạy vô nhà dân thấy cái ca, tui quờ múc nước lạnh cho ảnh uống luôn và giao cho người khác chăm sóc” - anh Thành nhớ lại.

 

Để cứu những công nhân khác vẫn còn mắc kẹt ở các khung giàn giáo, anh Thành cùng nhiều người bám vào những mảng bêtông sắt thép lởm chởm trèo lên trụ cầu, cưa các cây đà gỗ để vào các khoang bên trong. “Có ai ở đây không, ai còn sống không để chúng tôi đưa ra ngoài?” - anh Thành gào to. Đáp lại là tiếng gọi “Cứu tôi với”, tiếng rên rỉ hoặc những tiếng thều thào không nên lời. Khoang đầu tiên anh Thành và những người cùng đi cứu được năm người, một người đã chết. “Bạn tui ở khoang bên cạnh, bên đó còn chín người nữa” - một nạn nhân thều thào.

 

Anh Thành bèn tụt xuống khoang dưới, khoang này đã bị lún sâu xuống đất mấy mét. “Tui cưa cửa vào nhưng không thấy ai hết. Trong rất khó thở. Khui thêm hầm số 8 bên cạnh, chỉ có tám cái nón, máu me bê bết nhưng cũng không thấy người nào. Khoang này bị nước ngập sâu. Nghĩ là mọi người bị chìm dưới nước nên tui xuống mò tìm xác. Nước ngập tới cổ, hai chân quơ quào khắp nơi nhưng vẫn chưa tới đáy, màu nước bùn sền sệt và đỏ tươi! Không tìm được ai...” - anh nghẹn ngào kể lại.

 

Tại hầm số 8, anh phải dùng mỏ lết mở các cùm khóa cửa mới vào được bên trong. “Mấy người cùng đi nói coi chừng bị sập chết. Tui nói không mở cửa thì không vào được bên trong, biết đâu người ta chờ mình cứu trong đó. Mà nếu có sập chết cũng còn... lời vì đã cứu được mấy mạng người” - anh Thành nói tỉnh bơ.

 

Từ hầm số 8 lên, anh thấy nhức đầu, người ngây ngây khó thở nên xin bác sĩ viên thuốc nhức đầu. Bác sĩ kêu xuống phía dưới nghỉ ngơi. Sau khi được chích mũi thuốc khỏe, bác sĩ đưa cho anh chai nước và ổ bánh mì dằn bụng. “Cắn một miếng mà nuốt không vô. Cảnh máu me, tang thương như vậy sao mà nuốt nổi. Tui xin bác sĩ leo lên cứu người nữa, chứ ngồi dưới nóng ruột không chịu được. Đến sẩm tối, hai tay mỏi nhừ không nhấc lên nổi để thay áo, tui mặc luôn cái áo đầy máu về nhà” - anh Thành nói thêm.

 

Không thể làm ngơ...

 

Anh Thành cho biết trong đời chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng như thế. “Nếu cho lựa chọn lại, anh có làm như vậy không?” - chúng tôi hỏi. Anh nói: “Bây giờ chỉ cần nghĩ lại thôi tui đã lạnh xương sống rồi. Thế nhưng nếu lại có chuyện như vậy xảy ra chắc tui cũng không thể đứng làm ngơ. Họ là bà con hàng xóm của mình cả... Đi đò gặp người bị nạn mình còn không thể làm ngơ nói chi là nhiều người bị nạn như thế, đau đớn như thế...”.

 

Căn nhà cấp 4 của anh nằm khuất trong một con đường mòn ngoằn ngoèo sình lầy. Hằng ngày anh mưu sinh bằng việc đi mua cây, cưa thành khúc đem bán, vì thế mà nhà có cái cưa máy. Chúng tôi đến nhà đúng lúc anh vừa đi cưa cây về, quần áo lem luốc, cái cưa nằm trên vai. Anh nói mấy bữa nay nghỉ nên nhà hết tiền, phải đi làm lại.

 

Hai bàn chân bị sưng tấy, một vết thương dưới cằm và nhiều vết thâm tím hai bên đùi. Đó là dấu tích của một ngày xông xáo cứu hộ tại hiện trường. “Lúc đó đâu có biết đau, cũng không biết mình bị thương. Về nhà rồi mới thấy người ê ẩm, rờ lên cằm thấy đau mới biết” - anh Thành cho biết.

 

Rít một hơi thuốc, anh trầm tư: “Chưa bao giờ cái xóm nghèo này lại tang thương như lúc này...”.

 

Theo Minh Giảng

Tuổi Trẻ