“Một lần xả lũ có thể cuốn trôi tất cả tài sản và tính mạng người dân”

(Dân trí) - “Việc xả lũ phải đi đến cùng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Có thể nói xả chất độc và xả lũ cũng nguy hại như nhau. Một lần xả lũ có thể cuốn trôi tất cả tài sản và tính mạng người dân”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Trả lời báo chí về việc những ngày qua miền Trung và Tây Nguyên có lượng mưa không lớn nhưng nhiều vùng lại bị ngập lụt kéo dài, đại biểu Quốc hội muốn làm rõ trách nhiệm của thủy điện trong vấn đề này.

 
“Một lần xả lũ có thể cuốn trôi tất cả tài sản và tính mạng người dân”
Người dân miền Trung đang hứng chịu cảnh mất nhà cửa, tài sản, thậm chí cả tính mạng do lũ lụt kéo dài

Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, khi vận hành xả lũ dứt khoát có ảnh hưởng đến hạ du. Lũ lụt vừa qua không chỉ từ việc thủy điện xả nước mà còn có cả yếu tố rừng tự nhiên bị mất. “Mất rừng, thảm tự nhiên cũng mất lại thêm xả lũ đã ảnh hưởng đến hạ du. Vì vậy, nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết phải xác định rõ cách quản lý bảo vệ rừng của các Bộ, ngành liên quan và địa phương. Trước nay chưa có xử lý nào rõ ràng với quy trình vận hành xả lũ”, đại biểu Vở phân tích.

Theo đại biểu Trương Văn Vở kể cả khi ban hành quy định vận hành hồ chứa thủy điện và thủy lợi thì việc thực hiện có kết quả thấp. Trong khi đó việc xử lý trách nhiệm Bộ, ngành, địa phương mức độ nào, chủ công trình ra sao lại không rõ.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng tình trạng làm thủy điện theo phong trào kiểu “mỳ ăn liền” đã không nhìn thấy tác động đằng sau nó là phá hoại môi trường. Nguyên do của vấn đề này cũng có một phần từ phân chia lợi ích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích của việc cấp phép mà không lường được hệ lụy.

“Việc xả lũ phải đi đến cùng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Có thể nói xả chất độc và xả lũ cũng nguy hại như nhau. Một lần xả lũ có thể cuốn trôi tất cả tài sản và tính mạng người dân cũng như gây ô nhiễm môi trường. Người dân hoàn toàn có thể kiện thủy điện xả lũ”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
 
Người dân thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) di tản để tránh lũ
Nhiều tỉnh miền Trung ngập lụt nghiêm trọng dù mưa không quá lớn (Ảnh: Công Bính)

Nhắc lại việc Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời những băn khoăn của đại biểu về những vấn đề liên quan đến thủy điện cách đây chưa lâu, ông Dương Trung Quốc chưa nhận thấy trách nhiệm cụ thể ở vị trí nào.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nếu thủy điện gây thiệt hại cho người dân trên địa bàn và cộng đồng dân cư, thì theo luật pháp, chính quyền địa phương trước hết phải có trách nhiệm. Chính quyền phải đứng ra giúp đỡ người dân tìm hiểu nguyên nhân xem đó là nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Nếu như xét thấy đó là nguyên nhân do thủy điện gây ra thì phải xem thủy điện đó quy hoạch, chủ trương và việc xả lũ có sai không. Còn đại biểu quốc hội ở khu vực đó cũng có trách nhiệm đi điều tra xem xét xem thiệt hại như thế nào để xét rõ có lỗi của ngành thủy điện hay không.

Đại biểu Ngô Văn Minh nhận định, thủy điện đã và đang gây ra khá nhiều hệ lụy. Nguyên nhân là do quy trình vận hành hồ chứa còn nhiều bất cập, về mùa khô thủy điện tích nước khiến cho những dòng sông ở hạ du trở thành những dòng sông chết, còn mua mưa thủy điện lại xả lũ gây thiệt hại. Trong khi đến nay mới chỉ có quy trình vận hành đơn hồ, thiếu nhiều liên hồ khiến mạnh ai nấy xả. Rồi các thủy điện vì lợi ích cục bộ nên thi nhau giữ nước, chứ không chịu xả. Ông Minh dẫn ví dụ hoàn lưu của bão số 15 gây mưa lớn làm cho thủy điện tranh nhau xả nước gây lụt lội nghiêm trọng.

Trả lời báo chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, các Bộ, ngành phải báo cáo tình hình chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Theo Phó Thủ tướng, quá trình kiểm tra, thủy điện nào xả nước sai thì phải chịu trách nhiệm.

“Những ngày qua báo chí đã đăng tải có thủy điện xả lũ sai tức là có chứng cứ, cứ thế mà xử lý trách nhiệm. Trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, UBND các địa phương là phải thường xuyên rà soát việc vận hành của thủy điện trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nói.

Quang Phong