1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một chuyến bay có tới... 11 áo phao cứu sinh bị đánh cắp

Áo phao được trang bị trên máy bay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây nạn trộm cắp và tự ý xé áo phao trên máy bay đang gia tăng, uy hiếp đến an ninh an toàn trong khai thác bay.

Nạn trộm cắp áo phao máy bay xảy ra không chỉ là hành vi của cá nhân mà còn được thực hiện với tính chất tập thể. Đơn cử như trên một chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hải Phòng đi TPHCM, nhóm khách ăn cắp đồ trên máy bay là thành viên trong cùng một gia đình, đi máy bay với chung một mã đặt chỗ.

Nhóm khách rời sân bay Tân Sơn Nhất và bỏ quên hành lý, sau khi an ninh sân bay phát thông báo về đồ bỏ quên nhưng không ai nhận, lực lượng tiến hành kiểm tra trực quan thì phát hiện bên trong túi đựng hành lý có 1 máy tính xách tay, 1 túi giấy bên trong có 4 khay nhựa dùng để phục vụ suất ăn trên máy bay; 2 áo phao cứu sinh trên máy bay. Đáng nói, khi phía Vietnam Airlines cho kiểm tra máy bay thì phát hiện bị mất 3 áo phao ở vị trí ghế ngồi của nhóm khách này.

Vụ việc gần đây nhất xảy ra hôm 21/6, trong quá trình kiểm tra thiết bị an toàn trước chuyến bay, máy bay A330-381 thực hiện chuyến bay VN7130 từ TPHCM đi Đà Nẵng, tổ bay đã phát hiện mất 11 áo phao. Đây là số lượng lớn áo phao trên máy bay bị mất, gây ảnh hưởng đến công tác an toàn cho chuyến bay. Vụ việc đã được hãng vận chuyển này báo cáo lên Cục Hàng không Việt Nam.

Tình trạng trộm cắp áo phao cứu sinh trên máy bay de dọa tới an ninh, an toàn hàng không
Tình trạng trộm cắp áo phao cứu sinh trên máy bay de dọa tới an ninh, an toàn hàng không

Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, tình trạng mất áo phao vẫn thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua, đặc biệt thường xuyên bị mất trên những chuyến bay có hành trình đi tới các điểm du lịch biển, vào các dịp lễ Tết, hè.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, hãng đã triển khai các biện pháp như tuyên truyền, phổ biến các quy định an toàn, an ninh; tiếp viên phát thanh thông báo trên chuyến bay, đề nghị hành khách không lấy áo phao dưới ghế ngồi ra khi chưa có yêu cầu của tiếp viên; tăng cường giám sát hành khách trên chuyến bay và thực hiện kiểm tra trang thiết bị an toàn trước chuyến bay. Tuy nhiên, việc mất áo phao vẫn tiếp tục xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của hãng.

Không chỉ là hành vi trộm cắp áo phao, hành vi tự ý xé áo phao trên máy bay cũng liên tục xảy ra. Tình trạng tự ý lấy áo phao, xé áo phao không chỉ xảy ra trên các chuyến bay quốc nội, sự việc cũng từng ghi nhận đối với hành khách người nước ngoài đi trên chuyến bay quốc tế, thậm chí là khách có vé ngồi hạng C (hạng Thương gia) khi hành trình từ Úc về TPHCM.

Trong trường hợp hành khách xé áo phao nhưng chưa kịp thổi phồng áo phao, chưa kịp làm hỏng áo phao thì chuyến bay vẫn đủ điều kiện cất cánh, nhưng trường hợp áo phao bị hỏng hoặc đã bị làm phồng lên, chuyến bay sẽ phải quay đầu để giảm bớt khách. Theo quy định, mỗi chuyến bay phải đảm bảo có đủ áo phao tương ứng với số người trên máy bay, đề phòng khả năng phải hạ cánh khẩn.

Áo phao trên máy bay được sử dụng trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước, giúp đảm bảo tính mạng cho hành khách, hỗ trợ cứu hộ dưới nước
Áo phao trên máy bay được sử dụng trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước, giúp đảm bảo tính mạng cho hành khách, hỗ trợ cứu hộ dưới nước

Áo phao trang bị trên tàu bay với mục đích đảm bảo an toàn cho hành khách và hành khách chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của tiếp viên chuyến bay trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. Mọi hành vi lấy áo phao ra khỉ vị trí khi không có yêu cầu của tiếp viên là vi phạm quy định về an toàn bay, sẽ uy hiếp an toàn cho chính hành khách đó và khách khác.

Nghị định 147/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi tự ý xé áo phao sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng; hành vi trộm cắp áo phao sẽ bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng.

Về nguyên tắc, hành khách đi máy bay phải được trang bị đủ thiết bị an toàn trong đó có áo phao. Nếu thiếu phải được trang bị bổ sung - việc này dễ dẫn đến việc chậm chuyến bay; nếu không trang bị đủ thì ghế thếu áo phao sẽ không được xếp khách ngồi - việc này dẫn đến thất thu cho hãng vận chuyển, làm phát sinh ngoài ý muốn khoản chi phí không nhỏ để mua bù vào vị trí bị mất… Nếu lấy áo phao trên máy bay với bất cứ mục đích gì khác ngoài việc thay thế, sửa chữa hoặc trong trường hợp khẩn cấp đều là hành vi trộm cắp phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

Châu Như Quỳnh