Mong manh tường đất
(Dân trí) - Bà Hoàng Thị Yến sau một hồi ngượng ngập bỗng cất giọng mộc mạc hát luôn mấy bài Then cổ. Giọng ca bay lượn trong không gian u uẩn tranh tối, tranh sáng của ngôi nhà trình tường đã qua năm thế hệ sinh sống, nhẩm đếm cũng gần hai trăm năm tuổi.
Bà Yến là người thừa kế ngôi nhà cổ đang xuống cấp này. Căn nhà nặng trĩu dấu vết thời gian và sự nghèo khó. Từ khi bà ra đời cách nay hơn bảy mươi năm, nó chưa một lần được sửa chữa. Tầng hai lạnh lẽo và mục nát như chực đổ sụp xuống khi có người đi bên trên. Những khung cửa sổ bé tẹo đã rụng hết chấn song. Bà Yến bảo bên văn hóa huyện nhiều lần đến thuyết phục, vả lại nhà cũng chẳng có tiền để sửa chữa nói gì đến xây mới. Ngay đến hai tấm huy chương vàng bà giành được ở các dịp liên hoan hát Then còn bị cậu trai út mang bán lấy đôi triệu để làm ăn mất rồi.
Thôn Nà Pá, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, Lạng Sơn đỏ rực một màu tường đất. Những ngôi nhà trình tường cũ, mới nằm san sát trên ngọn đồi thấp. Ngay dưới là Quốc lộ 4B, đám trai bản vẫn hằng ngày phóng xe máy ra thị trấn chơi. Bà Yến ở nhà trên một mình, chín đứa con đều ra ở riêng. Cậu út thì xây một ngôi nhà bê tông sát mặt đường để tiện chăm sóc mẹ.
Cách Nà Pá chục cây số, bản Khang Lệnh, xã Quan Bản của huyện Lộc Bình có khá nhiều ngôi nhà trình tường bị bỏ hoang. Nhiều cái còn nguyên vẹn như thể chủ nhà chỉ đi làm nương mà để ngỏ cửa. Lũ trẻ con chạy theo khách nhằng nhẵng như nơi đây không bao giờ có người lạ đến thăm. Một thanh niên đang xây nhà bằng những viên gạch xỉ bỏ việc ra ngồi hóng chuyện với khách: “Người ta bỏ đi vì nước ở đây nhiễm xỉ của nhà máy nhiệt điện Na Dương, trong bản chỉ còn người già, trẻ con thôi. Thanh niên làm ra tiền thì xây nhà mặt đường ở cho tiện và sạch hơn”.
Quả vậy, đi qua con suối nước đục nhờ là những ngôi nhà sơn xanh đỏ nằm lẫn trong vườn rau. Dấu vết của những bức tường đất cũ vẫn chưa xóa được đổ vương vãi trên đường làng bằng bê tông.
Bà Yến treo cây đàn Tính lên vách khi ông anh rể Vương Văn Thư sang chơi, hai ông bà già ngồi trò chuyện trong ngôi nhà cổ tối và lạnh. Dường như họ bàn đến chuyện hát Then, thứ dân ca của dân tộc Tày đang dần mai một và mong manh như chính những ngôi nhà trình tường mà họ đã từng sinh ra và lớn lên trong đó.
Nồng ấm màu tường đất
Bà Hoàng thị Yến đang hát Then trong ngôi nhà cổ của tổ tiên, bà cho biết ở thôn Nà Pá còn rất ít người biết hát Then như bà.
Cửa sổ nhỏ đã rụng hết chấn song của ngôi nhà 200 năm tuổi.
Một gốc nhãn cổ thụ có cùng tuổi đời với những ngôi nhà ở Nà Pá.
Tam đại đồng đường trong ngôi nhà trình tường đơn sơ của ông Vương Văn Thư
Cửa chính ngôi nhà trình tường của người Tày gồm hai phần trên, dưới rất độc đáo.
Một gian bếp nghèo nhưng ấm và thân quen.
Ngôi nhà này có tuổi đời 80 năm. Ở các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc…của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhiều thôn bản với nhà trình tường đẹp đẽ, hòa hợp với thiên nhiên.
Nhiều vật dụng truyền thống đã không còn được sử dụng khi những tiện nghi hiện đại xuất hiện, trong ảnh là chiếc cối xay hỏng bên ngoài ngôi nhà cổ của bà Yến.
Những bản làng của người Tày phần lớn nằm trên những quả đồi thấp, tiện cho việc lấy đất để làm nhà.
Một ngôi nhà được xây bằng gạch “ sống” và bùn trông rất đẹp và lạ mắt.
Cuộc sống tiện nghi đang lấy dần đi những nét văn hóa độc đáo và lâu đời.
Ngôi nhà duy nhất xây bằng gạch của bà trưởng thôn Khang Lệnh.
Buồng cưới của một đôi vợ chồng trẻ trong ngôi nhà trình tường.
Những ngôi nhà trình tường bị bỏ hoang khi chủ nhân của chúng có tiền xây nhà mới.
Bên trong một ngôi nhà bị bỏ hoang.
Người Tày ở Lạng Sơn vẫn tiếp tục dựng và ở trong những ngôi nhà trình tường mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Lê Anh Tuấn