1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người”

(Dân trí) - “Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội”.

Đó là thông tin được Bộ Công an nêu ra trong Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Công an nhân dân vừa gửi tới Bộ Tư pháp,

Theo Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, số phương tiện giao thông tăng nhanh chủ yếu là phương tiện cá nhân. Trung bình mỗi năm sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông khoảng 10% đến 15%, tăng nhanh tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tính đến tháng 5/2019 số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên gần 4,2 triệu ô tô và 61,3 triệu mô tô.

Từ năm 2009 đến tháng 5/2019 toàn quốc đã xảy ra 326.300 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết trên 97.700 người, bị thương gần 330.000 người. Riêng năm 2018 tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 18.490 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người.

“Mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người” - 1

10 năm qua có gần 100.000 người tử vong vì tai nạn giao thông (Ảnh minh họa).

Bộ Công an đánh giá, kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn rất cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông. Trong khoảng thời gian trên còn xảy ra 866 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 2.784 người, bị thương 2.629 người.

Trong khi đó, các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.

Người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, tránh vượt, chuyển hướng không đúng quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, lùi xe không đúng quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, lái xe sử dụng rượu bia, chất ma túy; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép để làm nơi buôn bán hoặc trông giữ xe còn phổ biến.

Tình trạng làm đường đến đâu xây nhà đến đó, xây nhà ven quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi…

Bộ Công an dự báo trong giai đoạn tới, tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn giao thông có nhiều yếu tố mới, phức tạp hơn.

Giao thông vận tải sẽ phát triển mạnh mẽ cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế, với nhiều loại hình, phương tiện giao thông tiếp tục gia tăng, trong khi kết cấu hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp, tổ chức giao thông thiếu khoa học, quỹ đất dành cho giao thông (cả giao thông động và giao thông tĩnh) thiếu và mất cân đối, nhất là giao thông đô thị.

“Biểu tình trái pháp luật, lợi dụng hoạt động giao thông để gây rối an ninh, trật tự và phạm tội có nguy cơ thường trực trên các tuyến giao thông; công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ làm thay đổi nhiều vấn đề trong xã hội.

Phương tiện giao thông cá nhân (ôtô, xe máy, xe máy điện) tăng quá nhanh, ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự giao thông của người tham gia giao thông chưa được cải thiện nhiều, trong khi lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ không được tăng biên chế, chưa được chính quy, hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Đó là những vấn đề đặt ra cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trong giai đoạn tới”- Bộ Công an dự báo.

Thế Kha