1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mịt mù “mắt lũ” Quế Phong

(Dân trí) - Bản Pục, bản Méo xã Nậm Giải (Quế Phong - Nghệ An) vốn yên bình, giản dị, bỗng sau một đêm trở thành “nổi tiếng”. Cơn lũ đột ngột tràn về, cuốn theo 14 con người - 14 người con của bản về với bùn đất.

>> Chùm ảnh: Thót tim ở “mắt lũ” Nậm Giải

>> Cứu trợ cho gia đình có 2 vợ chồng thiệt mạng

>> Mịt mù “mắt lũ” Quế Phong

>> Đỉnh lũ ở Nghệ An: 20 người thiệt mạng và mất tích

>> Danh tính 13/14 nạn nhân bị lũ quét cuốn trôi

>> Thanh Hóa trong cơn “đại hồng thủy”

>> Hoà Bình: 10 người chết và mất tích

 

Đã qua ngày thứ 2 nhưng đến giờ mọi thông tin chính thức về xã này vẫn còn mịt mù, chỉ biết danh tính sơ qua của các nạn nhân và 6 người đã tìm thấy xác, số người còn lại hiện vẫn là một ẩn số.

 

Đi xe trâu tiếp cận “mắt lũ”

 

Từ TP Vinh để lên được huyện Quế Phong phải vượt qua chừng 200 cây số. Đi đường 48 qua các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Đây cũng là những huyện mà 2 ngày trước lũ từ sông Hiếu tràn về làm ngập hàng nghìn ngôi nhà, gây ách tắc giao thông trầm trọng. Mãi đến sáng 6/10, nước lũ từ từ rút, chúng tôi mới cùng “ngựa sắt” hì hục vào “mắt lũ” Quế Phong.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đình Yên - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Xã Nậm Giải giáp với biên giới nước bạn Lào, có 5 bản, 1.500 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái.

 

Đây là trận lũ lớn nhất kể từ 20 năm nay. Hiện mọi thông tin về xã này chưa rõ.

 

Sáng 6/10, ông Lô Chí Kiên - Bí thư huyện ủy Quế Phong đã vào Nậm Giải nhưng hiện vẫn chưa có thông tin gì.

Mọi chuyện tưởng như trôi chảy thì bất ngờ nhận được tin đập 17 của Nông trường 32 (Quỳ Hợp) bị vỡ. Nước từ con đập này hùng hổ tuôn chảy. Đoạn QL48 qua địa phận xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) bị xé tan, nước thông thống chảy, cuồn cuộn lao trên cung đường khiến cho mọi phương tiện giao thông tắc nghẽn. Chúng tôi đành đứng lại, nhìn dòng nước tuôn chảy mà thấp thỏm nghĩ đến Nậm Giải.

 

Nhiều người bàn tán: Nậm Giải bị cuốn trôi hẳn một bản, và 26 người (chứ không phải 14 người như thông tin đã cập nhật) bị nước cuốn đi… Dạ chúng tôi lại bừng bừng, nghĩ đủ mọi cách sao cho có thể tiếp cận nhanh được nơi lũ đi qua.

 

Xe chúng tôi lại mò mẫm luồn qua một con đường đất. Sau những cú ngã liên tục, chúng tôi lại gặp phải chướng ngại vật. Nước xối xả, ngâm ngập hàng chục ngôi nhà. May thay, có người cho chất xe máy lên xe trâu để đi qua nhưng không quên lấy một “chú” 15 ngàn đồng.

 

Mịt mù “mắt lũ” Quế Phong - 1
  Dù lũ đã rút nhưng việc đi lại vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

 

Nhờ xe trâu, chúng tôi đã có thể phóng xe đi tiếp đến huyện Quỳ Châu. Dọc QL48, từ Km95 đến Km105 thuộc các xã Châu Hạnh, Châu Tiến… nhiều đoạn đường bị nước đánh bay quá nửa, mặt đường nhiều đoạn đất phủ kín dày chừng 30-50cm. Tại xã Châu Tiến nghe tin đã vớt được một nạn nhân nữ nhưng không còn đầu. Nghe thế thấy rùng mình, người ướt nhẹp, mặt mày lấm lem bùn đất nhưng vẫn thấy nóng hầm hập như lên cơn sốt.

 

15 giờ cùng ngày, cuối cùng chúng tôi cũng đã có mặt ở thị trấn Quế Phong. Tại một quán nhỏ ven đường, mỗi thực khách không quên tự “chiêu đãi” cho mình 2 bát mì tôm, lấy sức tiếp tục vào nơi “mắt lũ” vừa đi qua…

 

Vào tâm lũ trong vô vọng

 

Tại xã Nậm Giải, thông tin ban đầu tài sản của trạm biên phòng bị cuốn trôi hoàn toàn, 4 nhà dân bị nước cuốn, 2 nhà bị sập, 14 người mất tích. Tại xã Tri Lễ, giao thông cũng đã bị chia cắt nhiều đoạn giữa các bản với nhau, nhiều đoạn đường sạt lở hàng trăm mét, 5 con trâu đã chết…

Bản Pục và bản Méo (xã Nậm Giải) cách trung tâm thị trấn Quế Phong chừng 20km. Đoạn đường không dài, với địa bàn bình thường chỉ cần chừng 20 phút xem máy là đến nơi. Nhưng với Nậm Giải lúc “trời yên biển lặng” thì đã là một cực hình. Nay gặp lúc lũ dữ, xã này càng thật xa xôi, mù mịt.

 

Nhiều người dân bảo để vào xã này thì không thể đi được bằng phương tiện “nổ” vì đường đã bị cô lập. Sáng nay (6/10) đoàn lãnh đạo huyện và tỉnh cũng vào nhưng phải cuốc bộ, đến 17 giờ chiều vẫn “bặt vô âm tín”.

 

Chúng tôi đành lưu lại UBND huyện Quế Phong để lắng nghe thông tin từ Nậm Giải. Mọi thứ chỉ là “chưa kiểm chứng”. Huyện Quế Phong cho hay, từ 12h10 ngày 5/10 đến 16h ngày 6/10 đã vớt được 6 nạn nhân.

 

Vào lúc 16 giờ ngày 5/10, xác một phụ nữ khoảng 35 tuổi trôi xuống địa bàn xã Mường Nọc nhưng hiện vẫn chưa biết người ở đâu. Cùng thời điểm, tại xã Tiền Phong đã tìm thấy xác anh Mong Văn Tuấn, 35 tuổi; còn nạn nhân mất tích hôm 4/10 cùng với anh Tuấn là anh Mong Văn Thu hiện chưa có thông tin.

 

Mịt mù “mắt lũ” Quế Phong - 2
Nhiều người dân khi đi vớt củi đã phát hiện xác các nạn nhân. 

 

Lúc 13h30 ngày 6/10, vớt được xác của một người đàn ông tại xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu). 14 giờ cùng ngày vớt được một nạn nhân là đàn ông khoảng 30 tuổi tại xã Mường Nọc (huyện Quế Phong). 15 giờ, tin tiếp tục vớt được một thi thể đàn ông khoảng 35 tuổi tại xã Châu Kim (Quế Phong) lại dội về…

 

Hiện danh tính của 13/14 nạn nhân mất tích ở Nậm Giải đã rõ. Tổng số thi thể nạn nhân vớt được là 6. Nhưng người nhà chưa thể nhận dạng vì hầu hết những xác này đã không còn nguyên vẹn. Người thì không còn đầu, người thì bị vùi trong bùn đất lấm lem…

 

Dọc đường đi từ trung tâm huyện Quế Phong đến xã Châu Kim bên bờ Nậm Giải thi thoảng lại nghe tiếng khóc nỉ non bên vệ đường. Người người túm tụm bên thi thể vùi kín trong manh chiếu nhỏ…

 

Cuối buổi chiều, mọi nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, tin từ “mắt lũ” Nậm Giải vẫn vô vọng.

 

Trời chiều, huyện miền Tây xứ Nghệ đã có đôi sắc nắng, nhiều người đứng bên bờ sông ngóng về phía Nậm Giải. Điệp khúc bao giờ Nậm Giải hồi sinh cứ dội lại trong lòng…

 

Nguyên Nghĩa - Nguyễn Duy

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 10/2007