1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

“May mắn nên việc vỡ đập Ia Krêl 2 mới không thành thảm họa”

(Dân trí) – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận, sự cố vỡ đập ở Ia Krêl 2 là nghiêm trọng, chứng tỏ chất lượng công trình “không thể chấp nhận được”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm phát hiện được ở đây.

Thêm một đập thủy điện để xảy ra sự số đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về sự việc tại thủy điện Ia Krêl lần này, vỡ đập ngay khi chưa đưa vào hoạt động?

Chúng tôi đang cho kiểm tra về thiết kế, thi công, giám sát của công trình xem có đảm bảo chất lượng hay không. Việc này phải kiểm tra kỹ vì lúc này không phải mùa lũ mà đập lại bị vỡ, chứng tỏ việc thi công rất ẩu. Nói công trình sử dụng đập đất nhưng không phải đập đất là không bền vững, vấn đề là nó đòi hỏi phải thi công theo đúng tiêu chuẩn.

Đúng là rất may khi sự cố không dẫn đến hậu quả chết người và cũng không xảy ra vào ban đêm. Đặt tình huống đập vỡ vào mùa lũ, khi hồ đang tích đầy nước thì đúng là… chết. Cách làm như thế là không thể chấp nhận được.

Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo phải kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra tại đây.
“May mắn nên việc vỡ đập Ia Krêl 2 mới không thành thảm họa”
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Vỡ đập Ia Krel 2 là sự cố lớn, không gây thiệt hại về người là vì... may mắn" (ảnh: Việt Hưng).

Dư luận đang đặt câu hỏi, trách nhiệm việc giám sát, đảm bảo an toàn chất lượng công trình trong trường hợp này thuộc về ai, thưa Phó Thủ tướng?

Những dự án như thế này, có địa phương giao cho Sở Công thương, nhưng cũng có nơi giao cho Sở Xây dựng. Hiện các bộ đã vào cuộc và sẽ kiểm tra, xử lý, tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho các đập khác.

Thông thường các đập nhỏ lại đáng lo ngại nhiều vì thường chủ quan. Còn các đập lớn, công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Cần phải lưu ý đặc biệt đối với các đập nhỏ như thế này vì những mùa lũ qua, đã có một vài công trình gặp sự cố vỡ đập. Đây là kinh nghiệm quan trọng để không lặp lại tình trạng này, quan trọng nhất là phải xử lý nghiêm.

"Việt Nam là một quốc gia thiếu nước nên việc xây dựng các hồ thủy lợi vẫn phải làm, nếu không sẽ không đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất. Nếu không tính trước, không đầu tư làm hồ chứa thì sẽ không đủ nước để phát triển trong tương lai không xa. Vùng như Tây Nam Bộ thiếu đến 40% nước so với yêu cầu trong khi hiện tượng nước biển dâng, địa hình lún sụt ở đây không cho phép xây dựng các hồ chứa nước ngọt. Vậy nên những vùng có thể xây dựng được hồ chứa nước thì phải tận dụng để làm, đảm bảo phát triển bền vững".

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15 về vấn đề chất lượng công trình. Theo đó, công trình thủy điện thuộc trách nhiệm của bộ Công thương, hồ thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT. Vậy để xảy ra sự cố như này, các bộ chuyên ngành có phải “liên đới chịu trách nhiệm” cùng chính quyền địa phương?

Theo phân công, phân cấp các hồ thủy điện, thủy lợi, hồ thủy điện từ 30 MW trở xuống thì giao cho địa phương thẩm định về quy hoạch, đầu tư xây dựng. Căn cứ vào đó để xét trách nhiệm. Địa phương giao cho sở ngành nào thì cũng theo đó mà chịu trách nhiệm.

Như tôi đã nói, đây là 1 sự cố lớn, tuy không dẫn đến hậu quả thiệt hại về người nhưng là do may mắn thôi chứ nếu không sự cố đã thành thảm họa. Vậy nên vấn đề là phải rút kinh nghiệm và xử lý một cách nghiêm túc. Đó cũng là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương kiểm tra kiểm soát tất cả các công trình thủy lợi, thủy điện.

Bộ Công thương mới đây gửi tới Quốc hội báo cáo khẳng định đã rà soát lại các công trình thủy điện trên cả nước nhưng sau sự việc này, dư luận thấy chưa thể yên tâm khi ai có thể đảm bảo rằng ngoài Ia Krêl 2, không có thủy điện nào khác “lọt lưới”?

Đúng là vừa rồi các bộ Công thương, Xây dựng đã rà soát, kiểm tra (các đập nhỏ thì giao địa phương tiến hành) để khắc phục những vấn đề bất ổn về hồ đập thủy điện. Trong tổng 7.000 hồ thì có 1.000 là hồ thủy điện còn lại là hồ thủy lợi. Mỗi tỉnh ở miền Trung trung bình có 200-300 hồ cho nên công tác kiểm tra bảo đảm an tòan trước mùa lũ năm nào cũng thực hiện nhưng đúng là có bất cập về vốn vì chủ đầu tư nào cũng chỉ chú ý làm sao có nguồn thu từ sản xuất điện tốt hơn là chú ý đến duy tu bảo dưỡng. Cái chính là công tác kiểm tra kiểm soát phải thường xuyên để đảm bảo các tiêu chuẩn được thực hiện.

Liên tiếp các sự cố về công trình thủy điện xảy ra gần đây mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng xử lý chủ động, thuyết phục. Như Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc phải rút kinh nghiệm để ngăn tái diễn những sự cố tương tự. Chính phủ có tính tới giải pháp căn cơ gì cho thời gian tới?

Thực tế cả mấy năm nay Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, Quốc hội thường xuyên hỏi thăm và không có kỳ họp nào không có báo cáo nào về thủy điện. Năm nay bộ Công thương vừa có báo cáo, cuối năm ngoái thì Bộ Xây dựng cũng vừa rà soát về an toàn hồ đập. Quốc hội cũng sẽ lấy ý kiến đại biểu xem sang năm có giám sát về thủy điện nữa không. Nói thế nghĩa là thực tế vấn đề này được các Bộ, Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm. Các địa phương vừa rồi cũng rà soát lại thủy điện thuộc quản lý của mình, chủ động loại bỏ những dự án không đảm bảo, khả thi.

Thực tế những hiện tượng làm gian, làm ẩu ở đâu cũng xảy ra, nếu mình không thường xuyên kiểm tra kiểm soát thì vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Cái chính là phải nhìn, phát hiện kịp thời để không xảy ra thảm họa vì các sự cố công nghiệp rất dễ dẫn đến thảm họa và nếu không lưu ý, không tính trước, không kiểm tra thường xuyên thì không có cơ hội để rút kinh nghiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tính tới những chế tài mạnh mẽ hơn đối với những công trình vi phạm, không đảm bảo an toàn?

Chế tài thì hiện có hết rồi. Như đập thủy điện này, Cục Giám định chất lượng nhà nước về công trình xây dựng sẽ vào cuộc, Cục an toàn Bộ Công thương cũng vào, UBND tỉnh cũng vào và tới đây là trực tiếp các bộ. Phải xem xét xem trách nhiệm thiết kế thuộc về ai, thi công, thiết kế, nghiệm thu, vận hành, chống thấm như thế có phát hiện ra vi phạm không và xử lý trách nhiệm nghiêm túc. Không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý trách nhiệm. Vì nếu ít may mắn hơn thì sự cố đã thành thảm họa khó lường.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

P.Thảo (ghi)