(Dân trí) - Khi Tổ quốc lâm nguy, họ không tiếc máu xương của mình. Nay, đóng góp để chống dịch Covid-19 với các thương binh này trách nhiệm và nghĩa vụ của một người dân, một người lính đối với đất nước.
Thương binh nặng góp 1 tháng trợ cấp chống dịch
Cái tin thương binh Trần Văn Vân (SN 1946, trú khối 3, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) quyết định dành trọn 1 tháng trợ cấp thương binh để ủng hộ tuyến đầu chống dịch Covid-19 khiến nhiều người nức lòng. Với tỉ lệ thương tật 65%, xếp hạng thương binh 2/4, trợ cấp mỗi tháng của cựu chiến binh Trần Văn Vân là 3.350.000 đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với gia đình ông cũng như mức sống trung bình của nhiều hộ dân.
“Không phải đến khi Chính phủ kêu gọi chung tay chống dịch Covid-19 ông Vân mới đóng góp đâu. Nhiều năm nay, cựu chiến binh, thương binh Trần Văn Vân luôn là người đi đầu trong việc đóng góp, ủng hộ các cuộc vận động, kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng như các chương trình từ thiện ủng hộ của các tổ chức chính trị, xã hội khác”, ông Lê Công Hương – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Nghi Hòa cho biết.
Sau khi tổ chức cuộc sống, cho 3 người con trai ra ở riêng, vợ chồng ông Vân sinh sống trong căn nhà nhỏ với những vật dụng cũ kỹ, đơn giản. Bản thân ông bị thương, cụt một chân, mất sức lao động. Bà Doãn Thị Hạ (SN 1948) – vợ ông Vân, trồng 1 sào rau màu mang đi bán lẻ ở chợ. Với khoản trợ cấp thương binh của ông và tiền chạy chợ của bà, vợ chồng ông Vân chưa phải phiền đến con cháu.
Hai vợ chồng già, ngoài tiền thuốc thang và ăn uống cũng không cần chi tiêu quá nhiều. Khoản trợ cấp hàng tháng, ông Vân luôn để lại một phần để quyên góp ủng hộ các chương trình vận động của địa phương. Số còn lại giao cho vợ giữ để chi tiêu, dành dụm, phòng khi cần đến.
Khi Mặt trận Tổ quốc phường và Hội cựu chiến binh phường phát động quyên góp cho những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, ông Vân bàn với vợ quyên tặng số tiền trợ cấp trong 1 tháng của mình. Số tiền ấy đâu phải nhỏ nên lúc đầu bà Hạ cũng phân vân lắm nhưng khi nghe chồng giải thích, bà vui vẻ đồng ý. Hai ông bà dắt nhau lên phường để ủng hộ 3.350.000 đồng.
“Tôi đọc báo, xem ti vi, thấy ở các nước khác nhiều người nhiễm, hàng nghìn người chết vì Covid-19, trong đó có nhiều bác sĩ, y tá. Nhà nước ta đang làm rất tốt. Nhưng những người ở tuyến đầu chống dịch vất vả, hiểm nguy, nếu thiếu trang thiết bị bảo hộ thì gay lắm. Hiện hàng trăm nghìn người đang cách ly tập trung, nhà nước nuôi ăn, nuôi ở, tốn kém bao nhiêu tiền bạc.
Chúng tôi già rồi, không tham gia góp công góp sức được thì góp tiền chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Năm xưa, đất nước chiến tranh, chúng tôi không tiếc máu xương để giành lấy hòa bình thì nay tiếc gì một tháng trợ cấp của Nhà nước dành cho thương binh để chống “giặc Covid-19”, người cựu chiến binh 74 tuổi khảng khái.
Cả nước dốc sức chống dịch, mình không thể khoanh tay đứng nhìn!
Trở về chiến trường Campuchia với thân thể chi chít mảnh kim khí trong người, cựu chiến binh Nguyễn Đình Trung (SN 1957, khối 5, phường Nghi Hòa) phải mất một thời gian dài luyện tập mới có thể đi lại được. Tổn hại 85% sức khỏe, xếp loại thương tật 1/4, theo quy định, ông phải có người phục vụ.
Vừa tần tảo buôn bán, bà Hoàng Thị Hà vừa chăm sóc chồng. Mỗi tháng, bà Hà được Nhà nước chi trả 1,6 triệu đồng phụ cấp chăm sóc thương binh nặng.
Khi khối phường triển khai vận động quyên góp ủng hộ chống dịch Covid-19, ông Trung nhanh chóng hoàn thành việc đóng góp của cá nhân và gia đình. Nhưng thấy số tiền vẫn còn ít quá, ông Trung về bàn với vợ ủng hộ thêm.
“Hay lấy phần phụ cấp người chăm sóc thương binh của tôi để góp thêm. Nhà nước không trả thì là vợ, tôi cũng phải chăm sóc ông chu đáo cơ mà”, bà Hà nói.
Vẫn thấy số tiền này ít, ông Trung trích thêm 1 triệu từ tiền trợ cấp thương binh của mình thêm vào, được 2,6 triệu đồng để ủng hộ nhà nước chống dịch. Chưa hết, ông Trung tiếp tục ủng hộ 600 nghìn cho công tác phòng dịch của địa phương và 500 nghìn ủng hộ ông Lê Như Đông – bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai về, phải cách ly tại nhà theo quy định.
“Những thương binh như chúng tôi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, được hưởng nhiều chế độ ưu đãi khác. Những người đã cầm súng chiến đấu như chúng tôi càng biết trân quý sự bình yên của xã hội, càng thấy trách nhiệm của mình rõ hơn. Giờ cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang dốc sức chống dịch, mình không thể khoanh tay đứng nhìn.
Đảng, Nhà nước nói rồi, chống dịch như chống giặc thì không kể già, trẻ, không kể thành phần xã hội, ai có khả năng bao nhiêu thì cố gắng giúp bấy nhiêu. Ở đây không phải là tinh thần nữa mà phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân, của người lính, người đảng viên”, thương binh Nguyễn Đình Trung nói.
Tổng số tiền 3,7 triệu đồng tương đương 2 tháng phụ cấp của bà Hà. Đó không phải là số tiền nhỏ nhưng với ông bà thì “chẳng nhiều nhặn gì đâu, mỗi người góp một chút, thêm vào để cùng Chính phủ đánh giặc Covid-19”. Ông bà vui vẻ, thanh thản với việc làm nhỏ của mình.
Ông Nguyễn Đình Trung (SN 1964, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò) cho biết, các cựu chiến binh trên địa bàn đã và đang hưởng ứng lời kêu gọi chung tay chống dịch của Chính phủ. Ngoài việc đóng góp trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc phường, thông qua tổ chức Hội cựu chiến binh, các thành viên của hội đã ủng hộ gần 10 triệu đồng cho tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Nghi Hòa cho biết: “Ngoài thương binh Trần Văn Vân, thương binh Nguyễn Đình Trung còn có thương binh Võ Hồng, hiện đang ở Vũng Tàu cũng gọi điện nhờ con trai mang lên Hội ủng hộ thêm 1 triệu đồng.
Trong chiến tranh, người lính luôn ở tuyến đầu chống giặc thì nay đất nước khó khăn, dịch giã hoành hành, không trực tiếp “chiến đấu” thì mỗi cựu chiến binh chúng tôi đều nêu cao tinh thần trách nhiệm của một người công dân, một người lính, cùng các tầng lớp nhân dân chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh”.
Hoàng Lam