Bão Durian tan, trên 100 người chết và mất tích
(Dân trí) - 50 người chết, 55 người mất tích, trên 400 người bị thương… Nhưng con số thương vong chắc chưa dừng ở đó. Durian đã tan trên đất liền Cần Thơ từ trưa qua nhưng nỗi kinh hoàng mà nó để lại sau hơn một ngày cày xéo vẫn chưa phai trên nét mặt bàng hoàng của người dân Nam bộ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương tại cuộc họp 20h tối qua, bão Durian đã làm 50 người chết, 55 người mất tích và làm bị thương 409 người tại 12 tỉnh thành mà nó đi qua. Ngoài ra, bão cũng đã làm sập, đổ và tốc mái hơn 119.300 căn nhà, làm chìm 888 tàu, thuyền (Bình Thuận chiếm tới 820 thuyền).
Trong số 12 tỉnh thành bị ảnh hưởng của bão, Bà Rịa Vũng Tàu vẫn là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất về người với 28 người chết, 16 người mất tích và 173 người bị thương. Tiếp đến là Bến Tre với 17 người chết, 1 người mất tích, 162 người bị thương (60 người thương nặng).
Tiền Giang và Bình Thuận cùng có 2 người chết nhưng Tiền Giang còn có 26 người mất tích, 22 người bị thương; Vĩnh Long có 1 người chết, 3 người mất tích, 44 người bị thương; số người mất tích tại huyện Cần Giờ (TPHCM) là 9 và 1 người thương nặng; Cần Thơ có 1 người bị thương nhẹ.
Cả chính quyền lẫn người dân đều chủ quan
Tàu cá bị bão đập nát ở đảo Phú Quý, Bình Thuận. (Ảnh: Tiền Phong) |
Cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB TƯ tối 5/12 cho thấy, hậu quả của bão số 9 để lại hết sức nặng nề, đặc biệt là với các tỉnh ven biển Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận và các tỉnh miền Tây Nam Bộ là Bến Tre, Tiền Giang.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn bởi do cả chính quyền và người dân của một số địa phương đều quá chủ quan trong việc phòng tránh bão, đặc biệt là tại tỉnh Tiền Giang. Vào sáng ngày 5/12, khi bão đang vào với sức gió giật trên cấp 8, cấp 9, mặc dù Thủ tướng đã có Công điện khẩn yêu cầu các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long hoãn mọi cuộc họp để chống bão thì cuộc Họp Hội đồng nhân dân tại đây vẫn được tổ chức. Bên cạnh đó, một bộ phận dân chúng không chịu di dời đến nơi an toàn, khi bão vào lại ôm con ra ngoài nhà chạy bão…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ đảo Phú Quý (Bình Thuận) 200 tấn gạo. Các phương tiện chở gạo, xi măng và nhiều vật dụng cần thiết khác để tiếp tế cho đảo Phú Quý cũng đang gấp rút chuẩn bị để lên đường trong thời gian sớm nhất. Qua đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương và các lực lượng liên quan tập trung tìm cứu những người bị mất tích; huy động các lực lượng công an, biên phòng, bộ đội trên địa bàn giúp đỡ dân khôi phục lại nhà cửa, ổn định cuộc sống; không được để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở, thiếu thuốc men.
Các địa phương và các ngành liên quan lo vệ sinh môi trường tốt, tránh để dịch bệnh bùng phát sau bão; tập trung khắc phục hệ thống điện, thông tin liên lạc; khôi phục trường học bị hư hỏng, công trình thuỷ lợi; chú ý ổn định thị trường sau bão như: xi măng, sắt thép, tấm lợp nhà…
Bão Durian suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, chiều 5/12, sau khi đi qua các tỉnh miền tây Nam Bộ xuống vịnh Thái Lan, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 19 giờ ngày 5/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,6 độ vĩ bắc, 103,8 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật trên cấp 7.
Trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, vượt qua vịnh Thái Lan vào Ấn Độ Dương.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đi qua cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Vùng biển Cà Mau - Kiên Giang có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông, cần đề phòng lốc xoáy.
Cấp 70 cơ số thuốc cho nhân dân vùng bão
Ngày 6/12, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống Thảm họa và Tìm kiếm Cứu nạn Bộ Y tế đề nghị Công ty Dược phẩm Trung ương 2 xuất cấp 70 cơ số thuốc phòng chống lụt bão cho Sở Y tế 9 tỉnh vừa chịu thiệt hại do bão Durian gây ra.
Cụ thể, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được cấp 20 cơ số; Bến Tre: 20; Tiền Giang: 10; Vĩnh Long: 10; Trà Vinh: 10.
Số thuốc trên sẽ được kiểm tra và hỗ trợ việc vận chuyển, giao hàng tới các Sở Y tế trước ngày 10/12/2006.
Trước đó, để đối phó với cơn bão Durian, các tỉnh Nam Trung bộ đã tiến hành di dời 325 bệnh nhân, 1 kho thuốc tới vị trí an toàn.
Các tỉnh, thành phố đã thành lập 266 đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn và vận chuyển bệnh nhân tới các cơ sở điều trị. 22 đội cấp cứu cơ động tại đơn vị trực thuôc Bộ Y tế trong khu vực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. (Hồng Hải) |
Hiền Linh