Mất cắp hành lý ở sân bay: Việc nhà mà coi như việc hàng xóm (!?)

(Dân trí) - Không thể chối cãi việc nhân viên tại cảng hàng không móc trộm tài sản và hành lý của khách. Vấn đề nằm ở chỗ có sự bao che của đơn vị quản lý nên việc xử lý “có cũng như không”, và nói như Bộ trưởng Thăng: “Việc nhà mà coi như việc hàng xóm”.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2013 có 205 khiếu nại của hành khách liên quan đến việc bị trộm cắp tài sản, số khiếu nại này tăng lên 301 vụ vào năm 2014 và chỉ 6 tháng đầu năm 2015 khiếu nại về mất cắp hành lý là 168 vụ.

Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng mất cắp hành lý xảy ra nhiều năm nay nhưng trách nhiệm đơn vị liên quan chưa rõ ràng, lãnh đạo các đơn vị chưa thật quan tâm đến tình trạng này.

“Thường thường khi xảy ra mất cắp hành lý và tài sản của hành khách đi máy bay, khi có hành khách khiếu nại thì thời gian giải quyết kéo dài, việc bồi thường được tính theo kilogam hành lý, trong khi đó không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm nên gây bức xúc cho hành khách” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.

Hành lý và tài sản của hành khách xảy ra mất cắp nhiều ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Hành lý và tài sản của hành khách xảy ra mất cắp nhiều ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Với những nguy cơ dẫn đến mất cắp hành lý liên quan đến hạ tầng và quy trình giám sát, Cục trưởng Hàng không kiến nghị tăng cường giám sát bằng hệ thống camera để xóa tất cả các “điểm mù”, gắn camera rời ở các thùng hàng và kho hàng vận chuyển. Về giám sát nội bộ, phải giám sát nhân viên, yêu cầu ký cam kết không vi phạm, khi làm việc phải mặc áo quần không túi… Phải phân rõ các khâu vận chuyển hàng hóa. Nếu hàng hóa bốc xuống mà đi vào nhà ga, mới phát hiện hành lý bị can thiệp thì đơn vị bốc xếp phải chịu trách nhiệm.

Cần phải nói thêm rằng, dù tình trạng mất cắp hành lý đã được “báo động đỏ” từ mấy năm nay, dù các cơ quan quản lý, doanh nghiệp khai thác cảng và hãng hàng không cho biết đã áp dụng các giải pháp đồng bộ, nhưng tình trạng mất cắp hành lý không những không giảm mà còn tăng lên, đặc biệt là trên các chuyến bay quốc tế đến sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Bởi vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã không thấy thuyết phục từ những giải trình của các đơn vị có liên quan trong ngành hàng không. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo chưa cảm thấy nhục, cảm thấy xấu hổ về việc mất cắp đó.

“Đây là việc nhà mà các anh coi như việc của nhà hàng xóm. Các anh phải biết xấu hổ, phải cảm thấy bị sỉ nhục, từ lãnh đạo trở xuống, thì lúc đó mới hết được mất cắp” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Mở chuyên án, khởi tố hình sự

Đại tá Hồ Sỹ Nghiêm - Phó Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - nhìn nhận, lĩnh vực hàng không trộm cắp xảy ra nhiều và phức tạp. Đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản chủ yếu là nhân viên các công ty cụm cảng hàng không, hoặc có thể là người ngoài vào nhưng muốn vào được sân bay phải có sự móc nối từ bên trong.

“Một số vụ việc năm 2013, 2014 bắt đươc nhân viên hàng không thực hiện hành vi trộm cắp, nhưng cơ chế xử lý chưa quyết liệt, chưa nghiêm khắc. Nếu thấy hành vi đó cấu thành tội phạm hình sự thì xử lý nghiêm khắc chắc chắn sẽ đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, 2 năm vừa rồi, chưa có vụ khởi tố nào liên quan đến nhân viên hàng không, phải chăng có sự bảo vệ nhân viên trong đơn vị mình. Cùng đó là việc xác định trách nhiệm chưa rõ, thậm chí có sự đùn đẩy trách nhiệm trong công tác quản lý giữa các cơ quan liên quan” - Đại tá Hồ Sỹ Nghiêm khẳng định.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Bộ Công an - cho rằng, sân bay là khu vực cửa khẩu đặc biệt quan trọng, vấn đề giám sát an ninh và trật tự phải được chú ý đặc biệt, thế nhưng chuyện trộm cắp vẫn xảy ra hàng ngày mà không xử lý được là điều thực sự búc xúc. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng cao hơn vấn đề trộm cắp hành lý là vấn đề buôn lậu, họ có thể vận chuyển mấy cân vàng thì chuyện mấy cân “xi măng” (tức thuốc nổ) là không quá khó.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Bộ Công an đang triển khai thực hiện các chuyên án chống trộm cắp tại sân bay. Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, bởi vậy mới đây trong dịp đi công tác nước ngoài về Bộ trưởng còn ở lại sân bay cả tiếng đồng hồ để trực tiếp đi giám sát và chỉ đạo lực lượng thực hiện chuyên án đảm bảo đạt hiệu quả nhằm xóa bỏ nạn trộm cắp tại sân bay.

 Chuyện nhà hàng xóm

Sân bay quốc tế Jeju - Hàn Quốc

Sân bay quốc tế Jeju - Hàn Quốc

Chúng tôi đến Hàn Quốc vào những ngày đầu tháng 6/2015. Sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, chúng tôi tiếp tục nối chuyến bay đi đảo Jeju. Tại quầy làm thủ tục, tất cả mọi hành khách trước khi đưa hành lý và hàng hóa ký gửi lên cân băng chuyền đều được yêu cầu mở khóa vali; lý do là để không gây phiền hà cho hành khách trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra ngẫu nhiên hành lý theo quy định đảm bảo an ninh hàng không.

Lúc này, mọi người đều ngơ ngác nhìn nhau vì lo sợ nếu mở khóa vali sẽ mất hành lý và tài sản để bên trong. Như biết trước sự lo lắng này, nhân viên quầy thủ tục đã trấn an bằng cách giải thích rất ngắn gọn về sự đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành lý và tài sản của hành khách trên chuyến bay.

Khi chuyến bay hạ cánh xuống đảo Jeju, hành lý được đưa ra nhanh chóng, mọi hành khách khi nhận hành lý đều vội mở vali ra xem có mất mát gì bên trong không. Và tuyệt nhiên mọi thứ vẫn nguyên trạng như ban đầu.


Châu Như Quỳnh