Tổng Giám đốc đi máy bay tháp tùng Thủ tướng cũng bị… mất cắp!
(Dân trí) - Cuộc họp “nóng” tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều 18/6 một lần nữa khẳng định “thủ phạm” của nạn mất cắp hành lý tại các sân bay chính là “trộm trong nhà”. Không chỉ khách thường mà lãnh đạo Bộ Công an, Tổng Giám đốc ngân hàng đi tháp tùng Thủ tướng cũng bị mất cắp.
Cuộc họp được mở đầu bằng lời phê bình của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đối với Chủ tịch, Tổng Giám đốc của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng vì đã vắng mặt. Trong khi đó, phía Bộ Công an, tức cơ quan phối hợp đã có sự tham gia đầy đủ của Cục trưởng các Cục chức năng và thành phần có trách nhiệm.
“Trộm trong nhà”!?
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, năm 2013 lực lượng an ninh bắt được 8 vụ nhân viên trong sân bay có hành vi trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi, năm 2014 bắt được 9 vụ nhân viên có hành vi trộm cắp hoặc chiếm đoạt tài sản nhặt được và những tháng đầu năm 2015 bắt được 5 vụ nhân viên có hành vi chiếm đoạt tài sản nhặt được. Dù lực lượng chức năng đã bắt được một số vụ nhân viên mang đồ nhưng không truy ra được rõ nguồn gốc là hàng ăn cắp trong hành lý hay không?
Hành lý của các chuyến bay quốc tế đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường xuyên bị mất cắp
“Nguy cơ dẫn đến việc bị trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi bao gồm cả sự hạn chế về hạ tầng và quy trình giám sát, như hệ thống camera giám sát chưa bao quát được toàn bộ các khu vực xử lý hành lý, còn một số điểm mù; nhiều vị trí camera không thể quan sát được hầm hàng của máy bay đựng hàng rời, container hành lý ký gửi; một số cổng ra vào khu bay của nhân viên hàng không chưa có hệ thống soi chiếu để phát hiện các đồ vật bất thường, hiện mới chỉ có thiết bị cầm tay hoặc kiểm tra trực quan để phát hiện vật cấm về an ninh hàng không.
Vấn đề trách nhiệm của các đơn vị liên quan cũng là nguy cơ dẫn đến nạn trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi của hành khách. Trong đó, một số lãnh đạo đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong triển khai các giải pháp, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong dây chuyền xử lý hành lý; các giải pháp phòng ngừa trộm cắp chưa được triển khai đồng bộ…” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.
Mất cắp hành lý đang gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế đến sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tuy đã triển khai các biện pháp nhưng số vụ mất cắp vẫn đang tiếp tục gia tăng. Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - ông Vũ Thế Phiệt - cho rằng tình hình ngày càng phức tạp. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - đưa ra cam đoan là khi mở cửa hầm hàng, việc tác động của cán bộ công nhân viên, cán bộ bốc xếp là không có!?
Lãnh đạo Bộ Công an, TGĐ ngân hàng cũng bị mất cắp
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an - cho biết, từ 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2015, xảy ra trên 600 vụ mất cắp. Càng ngày, số vụ mất trộm càng gia tăng. Các vụ việc này chúng ta đánh giá khách quan là hiệu quả xử lý chưa cao, tính chất phức tạp vì nhiều vụ việc xảy ra nhưng không tìm ra được. Vấn đề bức xúc nhất là mất cắp hàng hóa không chỉ của hành khách, mà của cả khách đặc biệt.
“Đồng chí Tổng giám đốc (TGĐ) một ngân hàng tháp tùng Thủ tướng đi công tác mà lúc về mất cắp cả một vali. Lãnh đạo Bộ Công an đi công tác nước ngoài về có kiện hành lý ký gửi cũng bị mất đồ, mất iPad. Hành lý và hàng hóa ký gửi thường xuyên bị cạy móc và rạch rất đúng chỗ. Phần lớn mất hành lý hàng hóa ở khâu cách ly nên hành vi này phải xảy ra trong nội bộ, khách quan mà nói thì phải có sự móc nối” - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế dẫn chứng.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an
Nói đến nguyên nhân mất cắp, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế cho rằng, nguyên nhân trực tiếp là do khâu tuyển nhân viên hợp đồng bị coi nhẹ, nhân viên không được tuyên truyền, giáo dục, trả lương thấp dẫn đến thiếu trách nhiệm và chắc chắn có sự tiếp tay cho nội bộ ăn cắp. Nguyên nhân gián tiếp là hệ thống tường rào chưa được kiên cố, lực lượng giám sát xung quanh sân bay mỏng. Chưa hết, diện đối tượng được cấp thẻ ra vào sân bay chưa được siết chặt nên việc đi lại nội bộ tại một số cảng hàng không chưa nghiêm túc.
Để khẳng định cho vấn đề nêu ra, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế Nguyễn Đình Thuận đưa ra căn cứ về một trường hợp cụ thể tại công ty suất ăn trong TPHCM, đối tượng là tội phạm bị truy nã nhưng “lọt” vào công ty suất ăn làm việc và được bổ nhiệm lên tới chức Trưởng phòng tổ chức mà không ai biết, đến khi lực lượng công an điều tra ra sự việc và làm rõ nhân thân của đối tượng này thì công ty suất ăn mới… “ngã ngửa”.
Nạn trộm cắp không giảm sẽ xử lý Giám đốc Cảng vụ
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, vấn đề phòng chống trộm cắp tài sản qua đường hàng không là tình trạng hết sức đáng buồn và đáng báo động, nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Tất cả đều có nhận định trộm này là “trộm trong nhà”, cho nên phải cảm thấy một sự xúc phạm khi để tình trạng này xảy ra. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về Cục hàng không, các cảng vụ, đơn vị vận chuyển.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: "Phải biết xấu hổ thì mới hết mất cắp"
“Du khách thế giới người ta đến mình là nơm nớp lo sợ thì thật xấu hổ. Nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo chưa cảm thấy nhục, chưa cảm thấy xấu hổ về việc mất cắp đó, nên các anh (lãnh đạo) còn vô cảm, các anh coi đây là việc của nhà hàng xóm. Các anh phải biết xấu hổ, phải cảm thấy bị sỉ nhục, lúc đó thì mới hết được mất cắp.
Phải có giải pháp từ cái đầu, cần phải có phân định rõ ràng từ các dây chuyền vận chuyển hàng hóa, dây chuyền nào hỏng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Người trực Cảng vụ Hàng không cũng bị quy trách nhiệm, để xảy ra nhiều thì cách chức. Chúng ta không thể chấp nhận để tình trạng này kéo dài mãi, như vậy là có lỗi với đất nước, với nhân dân” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp thu đầy đủ các ý kiến rồi báo cáo làm rõ. Đồng thời khẩn trương triển khai các giải pháp cần thiết và cấp bách, phải quy được trách nhiệm người đứng đầu như tổ trưởng, đội trưởng, cảng hàng không… Nếu không quy được trách nhiệm thì tình hình sẽ khó giảm. Đối với cán bộ phải xử lý theo luật công chức, viên chức. Các Cảng Hàng không phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ đội ngũ nhân viên và công tác tuyển chọn, giám sát chặt chẽ việc đi ra đi vào sân bay, rà soát vấn đề lương thưởng cho nhân viên, cùng với đó tăng cường an ninh bảo vệ nội bộ.
“Không thể để nhộm nhoạm mãi như vậy được, tất cả các trường hợp không rõ ràng về nhân thân phải chấm dứt hợp đồng lao động. Camera chỉ là máy móc, con người mới là quan trọng. Phải coi việc này là trách nhiệm của chính mình. Từ nay đến cuối năm, nếu nạn trộm cắp hành lý tại sân bay không giảm thì tôi sẽ xử lý các Giám đốc Cảng vụ Hàng không ” - Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết.
Châu Như Quỳnh