1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Mang thai hộ khó lường, hôn nhân đồng giới khó cấm

(Dân trí) - Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đồng tình cho mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng lại lo ngại vấn đề phát sinh dẫn đến tranh chấp con sau này. Về hôn nhân đồng giới, đại biểu đánh giá cho cũng không được, cấm cũng không xong.

Mang thai vì mục đích nhân đạo dễ bị lợi dụng

Phát biểu tại tổ về Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đại biểu Phạm Huy Hùng đồng ý nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lo ngại nhiều trường hợp phát sinh như người mang thai hộ không muốn trao lại con cho người nhờ, vì vậy dễ dẫn đến tranh chấp.

Nguyễn Phạm Ý Nhi lo ngại nhiều phát sinh khi mang thai hộ
Nguyễn Phạm Ý Nhi lo ngại nhiều phát sinh khi mang thai hộ

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng, có con là mong muốn chính đáng của con người. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nhiều bà vợ không thể mang thai, một số chị em nhiều lần đi thụ tinh nhân tạo nhưng thất bại. Ủng hộ cho mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng đại biểu Thanh cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó lường hết, do vậy cần có những tiêu chuẩn cụ thể bảo đảm nghĩa vụ giữa hai bên.

Đại biểu Đào Văn Bình cũng cảm thông quyền làm mẹ là quyền thiêng liêng của người phụ nữ. Để tránh những việc khó lường trước như các đại biểu đã nêu, ông Bình cho rằng, trong luật cần quy định rõ những tranh chấp có thể xảy ra như trường hợp sinh con dị tật người nhờ không nhận; hoặc tình cảm phát sinh giữa người mang thai hộ dẫn đến không trả con cho người nhờ.

Là Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi nhìn nhận ở góc độ giới và xã hội thì mang thai hộ và đẻ thuê đều có ý nghĩa nhân văn. Nhưng bà cũng cho rằng việc mang thai hộ rất phức tạp, hơn nữa để tránh tình trạng bị lạm dụng và thương mại hóa, pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn.

“Thực tế đứa trẻ sinh ra dị tật người nhờ không muốn nhận hoặc trường hợp sinh hai, sinh ba, người nhờ chỉ nhận một. Còn trường hợp người mang thai hộ không muốn giao lại con cho người nhờ giải quyết thế nào”, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi băn khoăn.

Hôn nhân đồng giới cấm hay không, nó vẫn diễn ra

Về vấn đề hôn nhân đồng giới, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng chung sống giữa những người cùng giới tính là hiện thực trong xã hội hiện nay. Cần nhìn nhận dưới góc độ quyền tự nhiên là con người, do vậy đại biểu Thanh cho rằng, bỏ cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp.

Nguyễn Phạm Ý Nhi lo ngại nhiều phát sinh khi mang thai hộ
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng chung sống giữa những người cùng giới tính là hiện thực trong xã hội hiện nay

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cũng hoan nghênh việc sửa luật mang tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân gia đình ở nước ta hiện nay. Bởi thực tiễn đã diễn ra, dù cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì cuộc sống vẫn diễn ra, vì đó là nhu cầu của con người.

“Bởi vậy đưa những vấn đề này vào sửa luật là rất văn minh, tiến bộ. Nhưng nếu đưa vào luật vấn đề hôn nhân đồng giới mà nói là không cấm nhưng cũng không thừa nhận là rất khó hiểu”, ông Kiêm đặt vấn đề.

Đồng tình với nhìn nhận trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, quy định như dự thảo luật là chấp nhận được, vì ngay bây giờ mà thừa nhận thì chưa phù hợp, nhưng cấm thì cũng không nên.

Trong khi đó, đại biểu Khúc Thị Duyền đồng tình quan điểm không thừa nhận hôn nhân đồng giới vì cho rằng, một trong những chức năng của kết hôn là duy trì nòi giống. Hiện nay, thế giới cũng chỉ có 16 nước thừa nhận hôn nhân đồng giới, trong đó khu vực châu Á chưa có nước nào thừa nhận.

“Tất nhiên, thực tiễn đang có tình trạng người cùng giới chung sống với nhau, nhưng đề nghị có văn bản quy phạm khác quy định về thực tế này, không nên đưa vào Luật Hôn nhân và gia đình”, đại biểu Duyền nói.

Là cơ quan chủ trì việc thẩm tra luật này, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - giải thích, quốc gia nào cũng đi 3 bước: từ cấm đến không thừa nhận và tháo bỏ hoàn toàn. Việt Nam bỏ qua bước cấm để tránh kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính. Sau này, khi nhận thức xã hội thay đổi thì có thể thừa nhận.

“Chúng ta bước nhanh hơn một bước để bảo vệ những người bị đồng tính, tránh sự kỳ thị và cũng phù hợp với nhân văn của Việt Nam. Đây đều là những vấn đề rất mới, Quốc hội sẽ còn bàn thảo nhiều”, bà Mai cho biết.

P. Thảo - Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm