Malaysia phủ nhận tín hiệu ở Malacca, Việt Nam tiếp tục tìm kiếm
(Dân trí) - 10h30, tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam, phía Malaysia chính thức điện gửi thông tin khẳng định Cục Hàng không Malaysia chưa có nguồn tin chính thức về tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca. Vì vậy phía Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm.
Đại diện Sở Chỉ huy cho hay Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo kế hoạch với 2 máy bay AN26, 2 CASA, máy bay của Không quân, Hải quân Việt Nam; ngoài ra, Trung Quốc, Newzeland, Singapore cũng bay ở khu vực biển Đông của Việt Nam.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông tin, lực lượng tàu và máy bay tham gia cứu hộ hôm nay dự kiến gồm 31 tàu (trong đó Việt Nam 9 tàu, Malaysia 9, Trung Quốc 6, Mỹ 3, Thái Lan 1, Singapore 3); 22 máy bay (Việt Nam 8 máy bay, Malaysia 4, Trung Quốc và Mỹ mỗi nước 4, Singapre 2).
Sáng nay, máy bay quân sự của Trung Quốc mang số hiệu IL-76 đã bay qua ranh giới vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh của Việt Nam để tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Các máy bay của Singapore cũng tiếp tục tìm kiếm tại khu vực FIR Hồ Chí Minh.
9h30 sáng 12/3, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay, theo chỉ đạo của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc Phòng, việc tìm kiếm trong ngày 12/3 vẫn diễn ra bình thường.
Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, về thông tin cho rằng đã tìm thấy tín hiệu máy bay Boeing 777-200 ở eo biển Malacca, Tùy viên quân sự Malaysia tại Hà Nội đã trả lời rằng phía Malaysia không đưa ra thông tin như vậy.
Trung tướng Võ Văn Tuấn khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm khi chưa có thông báo chính thức nào từ phía Malaysia về tín hiệu ở eo Malacca. (Ảnh: Tuấn Hợp)
Ông Tuấn khẳng định, kế hoạch tìm kiếm của Việt Nam không hề thay đổi, vẫn mở rộng phía Đông đường bay dự kiến. Nói về tàu Hải quân HQ 888 mang tên Trần Đại Nghĩa tham gia tìm kiếm, ông Tuấn cho biết đây là tàu khảo sát thăm dò màu 3D hiện đại nhất Đông Nam Á. Hiện tàu nghiên cứu biển HQ 888 tiếp tục hành trình từ côn đảo đến Cà Mau. Việt Nam luôn xác định huy động phương tiện hiện đại nhất vào cuộc tìm kiếm này. “Mặc dù Việt Nam không có công dân nào trên máy bay nhưng cũng rất quan tâm và làm hết khả năng cho công cuộc tìm kiếm này. Các nước cần phối hợp với nhau, hi vọng tìm kiếm được những người mất tích còn sống”, ông Tuấn khẳng định.
Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, hiện 1 số tàu và máy bay nước ngoài đã vào lãnh hải, không phận Việt Nam, đây là lực lượng phối hợp chịu sự hướng dẫn chỉ huy của Việt Nam. Hiện đã có 10 nước tham gia tìm kiếm.
Ông Tuấn cho biết, việc Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nói tạm dừng một số hoạt động tìm kiếm tại chỗ là để chờ ý kiến từ phía Malaysia trả lời chính thức về thông tin trên, chứ không phải dừng tìm kiếm hẳn.
Trước đó vào sáng sớm cùng ngày, Thứ trưởng bộ GTVT Phạm Quý Tiêu vừa cho biết, hôm nay Việt Nam sẽ tạm ngưng một số hoạt động tìm kiếm.
“Sau khi có thông tin đã “tìm thấy dấu hiệu máy bay Malaysia mất tích” phía Việt Nam vẫn chưa nhận được trả lời từ cơ quan hữu quan nước bạn. Phía Việt Nam đã đề nghị Malaysia sớm có văn bản trả lời Việt Nam. Từ tối hôm qua đến nay, thông tin về chiếc máy bay chuyển hướng đến Malacca rồi rơi tại đó truyền thông quốc tế thông tin dồn dập nhưng phía bạn vẫn chưa có trả lời chính thức”- Ông Tiêu nói.
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu: Việt Nam chưa dừng hẳn hoạt động tìm kiếm (Ảnh: Phạm Tâm)
Cũng theo thứ trưởng Phạm Quý Tiêu: “Trong ngày hôm nay, chúng tôi chưa dừng hẳn hoạt động tìm kiếm mà vẫn triển khai với số lượng máy bay và tàu hạn chế. Mọi lực lượng vẫn trong tình trạng sẵn sàng đợi lệnh là ra biển ngay. Chúng tôi đã yêu cầu nhà chức trách Malaysia cho ý kiến liên quan đến thông tin máy bay Malaysia chuyển hướng nhưng phía Malaysia vẫn chưa có thông tin chính thức.”
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam đã đề nghị Malaysia xác nhận thông tin đã tìm thấy tín hiệu máy bay bị mất tích ở Eo biển Malacca nhưng phía Malaysia vẫn chưa trả lời, vậy các cơ quan chức năng của Việt Nam có thất vọng về việc chậm trễ công bố thông tin không? Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói: "Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ nên hỏi người nhà của những nạn nhân trên máy bay".
Trước đó đã có những thông tin về việc Quân đội Malaysia tin rằng họ đã dò được tín hiệu máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines bằng radar ở Eo biển Malacca, rất xa vị trí cuối cùng chiếc máy bay liên lạc với trạm điều khiển không vận ở Vịnh Thái Lan.
Việt Nam đã huy động lực lượng cứu hộ lớn nhất từ trước đến nay (Ảnh: Trung Kiên)
Giám đốc hãng hàng không Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya ngày 11/3 ra tuyên bố cho biết: “Các đội tìm kiếm và cứu hộ đã mở rộng phạm vi ra bên ngoài đường bay. Tập trung chính hiện ở Eo Malacca, tây bán đảo Malaysia”.
Từ tối qua đến sáng nay, Việt Nam đã 2 lần yêu cầu Malaysia có thông báo về việc tìm thấy dấu hiệu của máy bay mất tích ở eo Malacca song phía bạn vẫn chưa có câu trả lời.
Sáng nay 12/3, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã báo cáo sự việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, xin ý kiến chỉ đạo. Thứ trưởng Tiêu cho biết hôm nay trực thăng vẫn tham gia tìm kiếm, các tàu biển nằm chờ câu trả lời từ phía Malaysia cũng như những tín hiệu tìm kiếm của các trực thăng.
Sáng sớm nay, đơn vị chỉ huy các trực thăng Mi 171 tại sân bay Cà Mau cho biết vẫn đang chờ lệnh sẵn sàng tìm kiếm. Hiện tại đây có 3 chiếc Mi 171 với số hiệu 02, 04, 8431 của Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370.
Trong khi đó, trạm ra đa đặt tại sân bay Cà Mau cũng đã được lắp đặt sẵn sàng hoạt động. Trạm ra đa của Quân chủng Phòng không- không quân với nhiệm vụ điều hành quan sát chỉ huy các hoạt động bay tìm kiếm cứu nạn của các trực thăng.
Trạm ra đa tại sân bay Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Hải)
Theo Đại tá Trần Văn Lâm- Sư đoàn phó Sư đoàn không quân 370 - do tại sân bay Cà Mau có đến 3 trực thăng Mi 171 làm nhiệm vụ nên việc đặt trạm ra đa là cần thiết.
Trong một diễn biến khác, tại Cà Mau, trước lệnh tăng cường an ninh tại các sân bay sau vụ máy bay Malaisia mất tích, 10h sáng nay, Cảng hàng không sân bay Cà Mau đã cho tiến hành diễn tập bảo vệ an ninh sân bay với sự tham gia của 8 nhân viên an ninh.
Diễn tập bảo vệ an ninh tại sân bay Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Hải)
Buổi diễn tập thực hiện giả định khi có một số tình huống vi phạm an toàn hàng không xảy ra, các nhân viên an ninh sân bay có thể ứng phó xử lý kịp thời.