1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội:

Lương Bộ trưởng khó sống thì ai sống được?

(Dân trí) - “So với công chức bình thường, lương Bộ trưởng sống được quá chứ vì nhiều người lương 5-6 triệu đồng/tháng vẫn phải sống và người ta vẫn sắp xếp được cuộc sống. Lương Bộ trưởng như vậy, cớ gì mà nói… khó sống?” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.

Báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ đưa ra thông tin, lương cơ sở hiện tại chỉ bằng 44% mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, đời sống của người làm việc ở khu vực công rất khó khăn, đến lương Bộ trưởng cũng khó sống vì chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Bà có ý kiến gì về việc này?

Nhìn vào thực tế, mặt bằng lương trong xã hội để tạm chia thành khu vực tư và khu vực công thì khu vực công dùng lương cơ sở, không phải là mức sống thấp nhất của người lao động mà là mức thấp nhất của khu vực công vụ, còn lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động thực sự là mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Do đó lương cơ sở và lương tối thiểu đề ra 2 mục tiêu khác nhau và cả 2 mặt bằng này đều trong lộ trình cải cách.

Lương cơ sở, théo đó, cũng chưa phải mức thấp nhất phù hợp với khu vực công vụ còn lương tổi thiếu hiện cũng mới chỉ đáp ứng 60-70% mức sống tối thiểu.

Theo tôi, so sánh mức lương cơ sở và tối thiểu không hợp lý bởi 2 công cụ đo thể hiện 2 mục tiêu khác nhau. Vì công vụ là một loại lao động đặc biệt, không thể dùng mức lương tối thiểu vì như thế làm sao thu hút được cán bộ, công chức vào được khu vực công để làm việc. Do vậy ta phải dùng mức lương cơ sở, đó là mức thấp nhất của khu vực này thôi và mức này phải tiếp tục tăng lên để đáp ứng đời sống thực tế của cán bộ công chức.

Còn lương tối thiểu là mức sống thấp nhất của người lao động và gia đình họ rồi nên so sánh thì rất… vô cùng. Ở mặt khác, lương tối thiểu thực chất là để bảo vệ người yếu thế bởi những người có tay nghề rồi thì không ai quan tâm đến mức lương tối thiểu làm gì khi lương thực tế của họ đã đi quá xa rồi. Còn các nhóm yếu thế như công nhân dệt may, da giày, lao động phổ thông… thì áp dụng lương tối thiểu chính là đặt ra mức sàn tối thiểu của lương để giúp họ không bị rơi xuống dưới sàn tối thiểu.
 
Lương Bộ trưởng khó sống thì ai sống được?
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trong cuộc trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 3/6 (ảnh: Việt Hưng).

Như bà nói, cả lương cơ sở ở khu vực công và lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp đều chưa đáp ứng được cuộc sống của người công chức cũng như đời sống của người lao động. Nhưng phép so sánh cũng có lý khi thể hiện, những bước đi trên lộ trình cải cách tiền lương của khu vực công đang chậm, ì ạch hơn so với khu vực tư?

Thực ra người lao động chỉ được hưởng tới mức lương tối thiểu hay mức lương theo hợp đồng (thường không hơn bao nhiêu) cộng với một số loại phụ cấp khác. Còn khu vực công thì đi theo một khung khác, lương cơ sở chưa phải là lương mà còn tính hệ số, tối thiểu từ 1 tới 2,34 rồi đến 13. Vậy nên những người mới bước chân vào khu vực công, hưởng lương hệ số 1 thì rất ít, mức 2,34 trở lên là đa số trong bộ máy công vụ. Thành ra, thực chất, tiền lương nhận được của người làm việc trong khu vực công vụ cao hơn người lao động.

Hai cách tính lương của 2 khu vực khác nhau như vậy nên so sánh như này, tôi thấy rất khó. Ở khu vực công, chúng ta thiết lập mức lương thấp nhất của khu vực này và việc cải cách phải đi theo lộ trình khác, còn lương tối thiểu thì đi theo Bộ luật Lao động, tiền lương trên thị trường đo bằng mức sống thấp nhất của người lao động và gia đình họ.

Tuy nhiên, đúng là suy cho đến cùng, cả 2 khu vực lương đều chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và đều đang trong lộ trình cải cách, kể cả khu vực công và khu vực tư.

Báo cáo của Bộ Nội vụ gây phản ứng trong dư luận với thông tin về mức lương của Bộ trưởng. Nhìn vào mức 14,4 triệu đồng/tháng thì thấy quả là… khó sống nhưng như các đại biểu Quốc hội nhận xét, nhìn các Bộ trưởng là thấy sống tốt cả. Vậy nên vấn đề đặt ra là Bộ trưởng không sống bằng lương?

Vấn đề tôi muốn nói đến ở đây là cách thức so sánh, tính toán giữa 2 khu vực công tư. Là người làm chính sách thì tôi thấy là không nên so sánh giữa 2 khu vực này. Sau này khu vực công vụ cải cách lương còn tăng lên nữa, thậm chí lương cơ sở có thể còn vượt qua mức lương tối thiểu vì cách thức tính của khu vực công, lương cơ sở không gọi là mức sống nhưng phải làm sao để người công chức đi làm đảm bảo cuộc sống để người ta có động lực vào làm trong khu vực công. Tôi chỉ đồng ý ở hướng khái quát là cả 2 khu vực đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn và cả 2 khu vực đều cần phải cải cách.

Dư luận thì sẽ tự động so sánh ở khía cạnh hai anh cùng đi làm mà lương lại rất khác nhau như thế. Có sự ưu ái, như bà nói, cho khu vực công?

Nhìn vào lương cơ sở và lương tối thiểu thì có cảm giác khu vực công đang bị thấp hơn khu vực tư nhưng trên thực tế cách tính lương hoàn toàn khác nhau, một bên là tính lương theo hợp đồng cộng với một số loại phụ cấp, một bên là theo hệ số, chuyển động từ 1 - 2,34 - 13 và dự kiến cải cách tới đây là 1 – 3,15 – 15. Nhưng vấn đề là mức lương ở hệ số 1 này cũng sẽ tiếp tục tăng lên nên chúng ta chưa có tiền cho cải cách tiền lương.

Đề xuất của tôi là phải cải cách khu vực công, dịch vụ công. Khu vực dịch vụ công hiện nhà nước đang phải trả lương rất lớn từ ngân sách trong khi họ lại có thu, như y tế, giáo dục đều có thu cả. Đáng ra một số đơn vị trong khu vực này họ có thể tự chủ được và có điều kiện để cải cách tiền lương, nâng lương cho cán bộ. Nếu cải cách được khu vực dịch vụ công thì xin nói là không phải sử dụng ngân sách cho trả lương tăng lên nữa mà có thể dùng khu vực sự nghiệp này để bù lại cho khu vực hành chính.

Lương ở khu vực công, theo phân tích của bà, được tính theo đặc thù nhưng có cộng hết các loại hệ số, phụ cấp thì mức lương cũng khó vượt cao hơn nhiều so với mức Bộ Nội vụ báo cáo là Bộ trưởng 14,4 triệu đồng/tháng. Nếu nhận đúng mức lương như này, quả thật Bộ trưởng cũng… khó sống, thưa bà?

Lương Bộ trưởng sống được chứ sao không, so với công chức bình thường trong bộ máy thì lương như vậy sống được quá chứ vì nhiều người lương 5-6 triệu đồng/tháng người ta vẫn phải sống và người ta vẫn sắp xếp được cuộc sống mà. Cớ gì mà lương Bộ trưởng vậy mà nói không sống được, như vậy mà không sắp xếp được thì thôi chứ còn gì nữa.

Trân trọng cảm ơn bà!

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm