1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiên Giang:

Lúa chết 2 năm, 40 hộ dân bị "quên" hỗ trợ?

(Dân trí) - Vụ lúa hè thu 2015, vụ đông xuân 2015-2016, hàng nghìn ha đất trồng lúa ở xã Hòa Điền bị chết vì hạn, mặn. Đến nay vẫn còn hàng chục hộ dân chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ…

Trong vụ lúa hè thu 2015, tại xã Hòa Điền (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) có khoảng 1.700ha lúa bị thiệt hại vì hạn mặn và vụ đông xuân 2015-2016 có hơn 430 ha lúa chết vì xâm ngập mặn.

Khi UBND tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai, chính quyền địa phương đến khảo sát, lập danh sách và hỗ trợ bà con có lúa chết để tái sản xuất. Tuy nhiên, tại hai ấp Hòa Lạc, Tân Điền có hàng chục hộ dân vẫn phải đi đòi tiền hỗ trợ suốt 2 năm qua.

Hộ ông Trần Văn Hoan - ấp Tân Điền, xã Hòa Điền cho biết, ông làm 10ha đất trồng lúa, trong vụ hè thu 2015 có 70 công lúa (70.000m2) chết trắng; đến vụ đông xuân 2015-2016, 10ha đất trồng lúa của ông bị nước mặn tràn vào làm thiệt hại trên 50%. Sau khi lúa bị chết, ông Hoan đến ấp, xã trình báo. Tuy nhiên đến nay ông vẫn chỉ được nhận một nửa số tiền hỗ trợ.

Đơn kêu cứu của hàng chục hộ dân xã Hòa Điền gửi đến các cấp Trung ương về việc không được nhận tiền hỗ trợ khi lúa chết do xâm ngập mặn, vụ lúa hè thu 2015 và vụ đông xuân 2015-2016
Đơn kêu cứu của hàng chục hộ dân xã Hòa Điền gửi đến các cấp Trung ương về việc không được nhận tiền hỗ trợ khi lúa chết do xâm ngập mặn, vụ lúa hè thu 2015 và vụ đông xuân 2015-2016

Hộ ông Đỗ Ngọc Thanh - ấp Hòa Lạc, cho biết, trong vụ hè thu 2015, ông có 7ha đất bị thiệt hại 100% do nước mặn tràn vào. Đến vụ đông xuân 2016, khi lúa đang trổ, nước mặn tiếp tục tràn vào làm thiệt hại trên 90%.

“Sự thiệt hại này, chính quyền địa phương có đến tận đồng khảo sát, nhiều báo đài đưa tin nhưng đến khi nhận tiền thì tôi không có trong danh sách", ông Thanh nói.

Ông Trương Văn Minh làm 20ha đất trồng lúa tại ấp Tân Điền, cho biết: "Trong vụ lúa hè thu 2015, 20ha lúa của tôi bị nước mặn tràn vào gây thiệt hại trên 70%. Tôi đến trình báo với ông trưởng ấp và ông bảo chờ… Mãi đến khi thấy bà con trong ấp nhận tiền hỗ trợ, tôi đến UBND xã hỏi thăm thì cán bộ xã bảo thất lạc hồ sơ của tôi".


Nhiều bà con nông dân xã Hòa Điền bức xúc vì 2 năm nay phải đi đòi tiền hỗ trợ.

Nhiều bà con nông dân xã Hòa Điền bức xúc vì 2 năm nay phải đi đòi tiền hỗ trợ.

Nói về nguyên nhân lúa chết, ông Minh và nhiều bà con trong ấp cho biết, nguyên nhân chính là do nước mặn tràn vào. Vì trước đó đập ngăn mặn kênh 9 bị bể. Nhiều bà con không biết nên bơm nước vào ruộng khiến múa chết.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Điền - cho rằng, trong vụ lúa Hè Thu 2015, khi đoàn công tác đến khảo sát những cánh đồng có lúa bị chết, đoàn khảo sát xác định do trời rét... Tuy nhiên bà con không đồng ý, có nhiều hộ dân đang khiếu nại việc này.

Tiền hỗ trợ bị "xén"?

Đến xã Hòa Điền, ngoài việc nhiều bà con phản ánh chưa được hỗ trợ, nhiều người dân còn phản ánh tiền hỗ trợ của họ bị “xén” lại từ 30-40%.

Hộ ông Trương Thanh Phúc - ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền - cho biết, ông có 45ha đất trồng lúa bị thiệt hại trên 70% nhưng trong danh sách cán bộ xã lại ghi chỉ có 25ha bị thiệt hại 70%, số diện tích còn lại ghi thiệt hại 30%


Anh Trần Văn Hoan và anh Trương Thanh Phúc cho rằng tiền hỗ trợ của họ đã bị giảm gần 1 nửa.

Anh Trần Văn Hoan và anh Trương Thanh Phúc cho rằng tiền hỗ trợ của họ đã bị giảm gần 1 nửa.

Liên quan đến việc này, ông Trần Văn Thời – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Điền - giải thích: Trong vụ hè thu 2015, đối với các hộ lãnh tiền đợt 2, do số tiền hỗ trợ tăng lên trong khi số hộ dân và diện tích lúa thiệt hại vẫn giữ nguyên, địa phương sẽ phải bù lỗ trên 200 triệu đồng. Do vậy, địa phương đã họp dân lấy ý kiến, điều chỉnh tỷ lệ thiệt hại từ 70% xuống 30% để cân bằng số tiền chi cho dân.

Ông Thời cho biết đây mới chỉ là bước lấy ý kiến, còn chờ huyện chỉ đạo và kết luận thanh tra tỉnh thế nào, địa phương mới thực hiện.

Hiện tại, xã Hòa Điền có 40 đơn chính thức khiếu nại việc không nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ trong vụ lúa hè thu 2015 và đông xuân 2015-2016.

Sau nhiều lần bà con khiếu nại từ cấp xã đến Trung ương, mới đây UBND huyện Kiên Lương đã chỉ đạo UBND xã Hòa Điền rà soát và phải trả lời lần đầu cho dân theo luật khiếu nại.

Hàng chục hộ dân mỏi cổ chờ tiền hỗ trợ lúa chết vì mặn

Nói về nguyên nhân 40 hộ dân bị “bỏ quên”, ông Thời cho biết, có 2 nguyên nhân: Thứ nhất, do thông tin truyền đạt chính sách hỗ trợ không tới với bà con. Phần lớn diện tích đất trồng lúa ở địa phương là do người từ nơi khác đến thuê đất trồng lúa. Do vậy, các vị trưởng ấp, phó ấp không biết người canh tác để thông báo chính sách hỗ trợ. Đến khi những hộ dân khác nhận được tiền thì số hộ này mới biết và làm đơn khiếu nại.

Nguyên nhân thứ 2 là do trong quá trình các cán bộ ấp đi khảo sát, lập danh sách có sự thiếu sót trong khâu tổng hợp danh sách nên xảy ra tình trạng bỏ lọt.

Tuy nhiên, người dân không đồng tình với cách giải thích trên. Đa số bà con cho rằng, cán bộ xã phải chịu trách nhiệm trước dân vì đã làm việc tắc trách, xem nhẹ chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho người nông dân trồng lúa bị thiệt hại do thiên tai.

Nguyễn Hành