1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lợi ích nhóm ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình

Có dấu hiệu ghép phim, tráo phim để thu lợi riêng hàng trăm triệu đồng/tháng.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM đang trình kế hoạch thanh tra BV Chấn thương Chỉnh hình lên giám đốc sở phê duyệt để làm rõ tố cáo liên quan đến “lợi ích nhóm” tại khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA). Dự kiến trong tuần sẽ có quyết định thanh tra.

 

Theo tố cáo của bác sĩ VBL, khoa CĐHA, BV Chấn thương Chỉnh hình, các BS Hồ Văn Thạnh, Trưởng khoa CĐHA, ông Bùi Văn Hải, Phó khoa và kỹ thuật viên trưởng Bùi Bảo Vinh có hành vi tham ô tài sản. Theo đơn tố cáo, từ năm 2007 đến nay, nhóm ba người của khoa CĐHA đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép phim, cắt phim, đổi phim, gian lận phim trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân để hưởng lợi hàng tỉ đồng.

 

Cụ thể, nếu bệnh nhân được chỉ định chụp cột sống cổ bốn tư thế: thẳng, nghiêng và chếch 3/4 hai bên thì bệnh viện sẽ thu tiền bệnh nhân là chụp hai phim nhưng khi chụp thì kỹ thuật viên thực hiện ghép chụp hai hoặc bốn bộ phận cơ thể trên một phim, rồi cắt làm đôi thành “hai phim” mà bệnh nhân hoàn toàn không biết. “Chúng tôi thống kê ngẫu nhiên trong ba tháng cuối năm 2011, số phim dư là 3.620 tờ/tháng x 42.000 đồng/phim loại A, thì số lợi nhuận nhóm này hưởng là hơn 152 triệu đồng” - đơn tố cáo nêu.

 

Một tấm phim A (bên trái) được ghép và xén thành hai phim B (bên phải). Ảnh: Tùng Sơn

Một tấm phim A (bên trái) được ghép và xén thành hai phim B (bên phải). Ảnh: Tùng Sơn

 

Còn đối với thủ thuật đổi, tráo phim, thường bệnh viện chụp hai loại phim A và B (phim B giá 23.000 đồng/phim). Khi bệnh nhân đóng tiền chụp phim A (trên 90% bệnh nhân chụp loại phim này) thì bị chụp phim B hoặc bệnh nhân được chỉ định chụp hai phim B thì chỉ lại chụp hai nửa phim A để hưởng chênh lệch là 19.000 đồng.

 

Mỗi tháng bệnh viện sử dụng từ 28.000 đến 30.000 tờ phim, trong đó số phim B thực sử dụng là ba phần, phim A là hai phần nhưng báo cáo bệnh viện thì ghi ngược lại là phim A sử dụng ba phần, phim B hai phần. Như vậy, số phim được hoán đổi mỗi tháng là từ 5.000 đến 6.000 tờ. Riêng phần đổi phim, nhóm này hưởng chênh lệch khoảng 90 triệu đồng/tháng (5.000 tờ x 19.000 đồng).

 

Theo tố cáo, việc giao nhận và cấp phim là do khoa Dược quản lý. Tuy nhiên, khoa Dược lại giao thẳng cho khoa CĐHA đặt và nhận hàng trực tiếp từ nhà cung cấp và khoa Dược chỉ việc ký tên xác nhận. Việc làm này đã tạo kẽ hở cho nhóm lợi ích gian lận trong việc nhập phim A và phim B.

 

Theo bác sĩ L., số tiền mà nhóm này hưởng lợi mỗi năm là gần 3 tỉ đồng, nếu tính từ năm 2007 đến nay thì số tiền họ hưởng lợi rất lớn và ông đã tố cáo đến Công an TP, Sở Y tế TP để làm rõ.

 

Có chứng cứ ghép phim

 

Thông báo của Công an TP.HCM gửi bác sĩ VBL nêu: Sau khi xác minh những nội dung tố cáo, nhận thấy có một số phim A được chụp ghép hai bộ phận và một số chứng từ bác sĩ chỉ định chụp phim B nhưng khi in ghép vào phim A. Để có cơ sở xác định có chụp ghép các bộ phận cơ thể bệnh nhân trong phim, đổi phim hay không cần phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật về phim ảnh của ngành y tế. Vì vậy, cơ quan điều tra chuyển đơn và tài liệu đến Thanh tra Sở Y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

 

Trích băng ghi âm

 

. Trong quá trình chụp phim, có ghép hai phim A trên một phim A không?

 

+ Lúc trước thì có.

 

. Lúc trước là khi nào?

 

+ Lúc còn BS Nam (nguyên trưởng khoa). Thời gian đầu BS Nam rất tiết kiệm!

 

. Năm 2011 BS Nam không còn làm việc nữa.

 

+ Khoa không có chủ trương, yêu cầu. Phải hỏi mấy anh chụp (…). Có trường hợp người mẹ đóng tiền cho đứa con 10 tuổi chụp hai phim lớn, giá 120.000 đồng/phim. Chụp xong bác sĩ đọc không rõ nên lại cho đi chụp thêm hai phim nữa, người mẹ đi đóng tiền tiếp. Kết quả chụp lần hai bác sĩ vẫn nói đọc không được nên phải chụp lần thứ ba. Tôi rất bực và mở hồ sơ người mẹ đang cầm thì thấy chỉ có một tấm phim lớn và ba tờ phim nhỏ, trong khi thu tiền đến bốn tờ phim lớn.

 

(Cuộc làm việc giữa Ban Thanh tra bệnh viện với khoa CĐHA)

 

Theo Duy Tính
 Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm