Quảng Bình:
Lốc xoáy đi qua, tang thương ở lại
(Dân trí) - Đến thôn nghèo Linh Cận Sơn khi cơn lốc xoáy kinh hoàng vừa đi qua, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Nỗi đau mất người thân, mất nhà cửa bao giờ mới nguôi ngoai!
Cha mất, mẹ nằm viện, 3 con nhỏ bơ vơ!
Sáng 17/10, chúng tôi quay lại tâm lũ Quảng Trạch, băng qua từng con nước mênh mông để đến với thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - nơi xảy ra cơn lốc xoáy kinh hoàng rạng sáng ngày 16/10 làm 2 người chết, 9 người bị thương nặng và hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái và hư hỏng nặng.
Từ đầu xóm, tiếng khóc như xé lòng vọng ra từ nhà anh Phan Xuân Sơn (SN 1965), một trong hại nạn nhân chết thương tâm trong trận lốc xoáy. “Thương lắm các chú ơi! Cha chết, mẹ bị thương nặng đang nằm viện, nhà cửa thì đổ sập hoàn toàn. Giờ đang phải mượn tạm nhà người chú để lập bàn thờ”, bà Thảo một người hàng xóm tốt bung, nước mắt lưng tròng thương cảm.
Anh Sơn mất để lại ba đứa con nhỏ. Lan là người con đầu, trụ cột trong gia đình. Lan học Trung cấp Y ra trường được hai năm nhưng do nhà không có điều kiện nên vẫn chưa xin được việc làm. Em kế Lan cũng vì hoàn cảnh nên đang đi làm thuê ở Phú Quốc, đứa út mới 12 tuổi, đang học lớp 6.
Lốc xáy cũng làm chị Trần Thị Lĩnh (vợ anh Sơn) bị gãy xương vai, cột sống và hiện đang trong tình trạng nguy kịch. “Ba mất rồi, mẹ thì bị thương nặng, chúng em giờ biết bấu víu vào ai nữa đây…”, Lan ôm lấy đứa em nhỏ dại, nước chảy ròng.
“Nhà đổ sập hết rồi, ông mệ biết ở mô đây?”
Thôn Linh Cận Sơn sau cơn lốc xoáy kinh hoàng là một khung cảnh tan hoang đến nao lòng. Cụ Huế đứng ngơ ngác nhìn ngôi nhà đổ sập mà thốt lên rằng: “Chẳng khác chi bom B52 thời chiến tranh. Nhà cửa, vườn tược tan hoang hết. Trời đất ơi, biết đến khi mô mới dựng lại được nhà đây…”.
Nằm cạnh bên con sông Rào Nan hung dữ, nhà cụ Mai Thị Nhạn (76 tuổi) cũng bị lốc xoáy phá tan tành, tả tơi. Đang cố tìm nhặt những viên ngói còn sót lại trong đống vụn vỡ, cụ Nhạn khóc òa: “Cả cuộc đời lam lũ mãi cũng chỉ dựng lên được căn nhà nho nhỏ để làm nơi trú ngụ. Nay nhà cửa đổ sập hết rồi, không biết rồi đây sẽ như thế nào đây…”.
Ở Linh Cận Sơn còn hàng trăm trường hợp như thế. Nghe Trưởng thôn Trần Ngọc Giới nhẩm đếm sơ qua cũng đã thấy xót xa. Ông bảo, thôn có 250 hộ thì đã có đến 2/3 số hộ nhà bị đổ sập, tốc mái hoàn toàn, số còn lại cũng bị hư hỏng nặng.
Nói rồi ông Giới dẫn chúng tôi thị sát một vòng trong thôn. Quả thật đi đến đâu thấy xót xa đến đó.
Đang dọn dẹp lại đống đổ nát, ông Mai Văn Tâm (70 tuổi) chia sẻ: “Khi tối phải che tạm tấm bạt để ngả lưng, nhưng mai mốt trời mưa gió, lạnh lẽo thì không biết ở mô đây? Giờ tiền mua gạo, thức ăn cũng đã khó chứ nghỉ chi đến chuyến lấy tiền mô mà sửa nhà?”.
Rời thôn Linh Cận Sơn về xuôi chúng tôi mang theo những giọt nước mắt tang thương của những đứa trẻ thơ dại vì mất cha, tiếng kêu cứu đến não ruột của những cụ già nhà cửa tan hoang…
Đặng Tài