(Dân trí) - Nếu như cách đây hơn 10 năm, các nhà khoa học, các chuyên gia có thể đưa ra dự đoán về số lượng sao la ở Trung Trường Sơn thì gần đây, cơ sở của những dự đoán về loài này là… không có.
Cách đây 20 năm hay thậm chí 10 năm, các chuyên gia có thể đưa ra những dự đoán về số lượng sao la của từng khe suối, từng khu vực để rồi có được con số tổng thể, nhưng những năm gần đây, người ta không còn thấy con số dự đoán chính thức mới nào về loài thú này.
Ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ, năm 1992 ông tham gia nhóm điều tra đa dạng sinh học của WWF - Việt Nam và Viện Điều tra quy hoạch rừng ở khu vực miền Trung, tập trung ở rừng Vũ Quang, Hà Tĩnh và nhóm của ông từng bắt được sao la.
Theo đó, thời gian này chưa có bẫy ảnh và trong quá trình nhóm điều tra dùng bẫy của người dân để xác định các loài thú của khu vực (sau đó thả ra) đã bất ngờ bẫy được 2 cá thể sao la. Một cá thể chết tại chỗ và một cá thể được mang về Viện Điều tra quy hoạch rừng, nhưng rất tiếc cá thể này cũng chết sau đó vài ngày.
Ông Tùng kể, những năm đó nhóm khảo sát đi cả tháng mới tới nơi cần đến và khi ấy, việc "chạm mặt" thú rừng là thường xuyên. "Lặn lội trong rừng làm gì thấy người, nhưng thú thì đầy. Chúng tôi va chạm động vật hoang dã liên tục, kể cả hổ", ông Tùng nhớ lại.
Trở lại thực tại, trả lời câu hỏi về sự tồn tại hay không tồn tại của sao la hiện nay, ông Tùng cho hay, ông tin sao la vẫn còn. "Sao la nằm ở sinh cảnh lớn, cả bên Lào nữa mà biên giới giữa Việt Nam và Lào, thú qua lại thường xuyên. Bên Lào chưa có được thông tin thì chúng ta cũng không thể nói loài thú này tuyệt chủng được", ông Tùng phân tích.
Ông Tùng cũng cho rằng, khả năng sao la ở Lào nhiều hơn ở nước ta. Việc tìm kiếm ở nước bạn cũng được thực hiện trong những năm qua, nhưng theo ông Tùng việc tiếp cận rừng tại đây khó khăn hơn và năng lực tìm kiếm có thể chưa bằng ở nước ta.
"Kịch bản sao la không còn tồn tại hoặc bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên là không có cơ sở; đồng thời trên thực tế, hiện trạng sinh cảnh và vùng sống của sao la còn rất rộng lớn, nên tôi tin tưởng sao la còn tồn tại trên thực tế", ông Đoàn Hoài Nam, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bày tỏ khi trả lời câu hỏi về việc liệu chúng ta có phải tính đến kịch bản sao la không còn tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý chương trình các loài hoang dã, WWF - Việt Nam cho hay, WWF - Việt Nam tin rằng, trong những cánh rừng chưa được khảo sát hết ở Trung Trường Sơn, vẫn còn hy vọng tìm thấy các cá thể sao la quý hiếm. Đối với câu hỏi nếu sao la còn, số lượng là bao nhiêu, ông Tín cho rằng, khó có thể trả lời chính xác còn bao nhiêu cá thể sao la ngoài môi trường vì giới khoa học bảo tồn cho tới nay vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về loài sao la.
Khi được hỏi về kết quả dự án tìm kiếm sao la mới đây của WWF - Việt Nam, PGS Nguyễn Xuân Đặng, nguyên Ủy viên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, người đã từng có quãng thời gian 20 năm nghiên cứu về sao la, cho rằng, đơn vị thực hiện dự án khảo sát sao la sẽ có đánh giá sát nhất với thực tế.
Với kinh nghiệm của mình, PGS Đặng cho hay, ông chỉ có thể nói về xu hướng: "Nhìn chung, với việc điều tra tích cực, bằng nhiều biện pháp khoa học khác nhau mà không tìm thấy sao la thì có thể cho ta suy luận, loài này có thể không còn hoặc còn thì số lượng rất ít".
Cho rằng, hiện không ai có thể nói chắc chắn không còn sao la vì thiếu cơ sở, PGS Đặng cũng nhắc lại một lần nữa quan điểm, bẫy ảnh với quy mô như vậy, nhưng không chụp được hình sao la, đã nói lên một điều, "có cũng không nhiều".
"Giả định sao la còn mười cá thể hoặc thấp hơn như vậy, xu thế hiện nay là sẽ tuyệt chủng, trừ khi có những biện pháp tích cực hơn, cụ thể hơn", PGS Đặng nhận định.
Một phó giáo sư cũng có hơn 20 nghiên cứu về sao la và đã từng làm việc cùng PGS Nguyễn Xuân Đặng đã cho rằng, loài sao la "đang âm thầm biến mất". Tuy nhiên, theo ông, trong thực tế có loài động vật biến mất 30 năm như cheo cheo (còn gọi là chevrotain lưng bạc, tên khoa học Tragulus Versicolor), nhưng sau đó, qua phương pháp bẫy ảnh, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phát hiện sự tồn tại của nó trong tự nhiên. Bởi vậy, ông vẫn có niềm tin vào sự tồn tại của loài "kỳ lân châu Á".
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc dự đoán số lượng sao la, ông Đoàn Hoài Nam, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho rằng Việt Nam và Lào đang nỗ lực điều tra, tìm kiếm, nhưng chưa cập nhật được thông tin về sao la. Việc công bố hoặc dự đoán số lượng cá thể và quần thể sao la tại thời điểm này là không có cơ sở minh chứng.
Đối diện với câu hỏi, vòng đời của sao la được tính bao nhiêu năm và bao nhiêu năm kể từ 2013 (năm gần nhất chụp được ảnh sao la) chúng ta phải tính đến việc công bố sao la tuyệt chủng nếu chúng ta không tiếp tục ghi nhận được loài này?, vị đại diện Cục Lâm nghiệp cho rằng: "Sao la là loài thú móng guốc, cùng nhóm với những loài thú móng guốc nhỏ như hươu, nai, … thì theo các nhà khoa học vòng đời trung bình 7-10 năm. Nếu tính từ năm 2013 đến nay là giai đoạn thế hệ tiếp theo của loài này".
Cách nay hơn chục năm các chuyên gia dự đoán số lượng sao la trong các cánh rừng Trung Trường Sơn là không quá 200 cá thể, trong đó Thừa Thiên Huế - Quảng Nam còn khoảng 40-50 cá thể và Tây Nam Quảng Bình - Bắc Quảng Trị còn khoảng 30-40 cá thể.
Đề cập các số liệu về sao la cách nay hơn 10 năm, PGS Nguyễn Xuân Đặng, nguyên Ủy viên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho hay, thời điểm đó các nhà khoa học có các đề tài, đề án nghiên cứu về sao la nên có thể làm được việc ước tính số lượng.
Theo đó, các đoàn khảo sát dựa vào vết ăn, dấu chân, phạm vi hoạt động và thông tin của người dân để đưa ra dự đoán về số lượng. Một khe suối nhỏ, theo PGS Đặng, có thể có 2-3 cá thể (gần như một gia đình) hoạt động. Họa hoằn, khe suối có nhiều dấu chân, nhiều nhất có khoảng 4-5 cá thể sinh sống.
"Sao la ăn cây môn thục, vết ăn rất đặc thù, khác với sơn dương. Mình lại có mẫu vật Sao La nên nhận diện được hình dạng dấu chân, phân biệt con lớn, con nhỏ...", PGS Đặng cho hay.
Theo GS Đặng, việc dự đoán không hoàn toàn chính xác nhưng có cơ sở thực tiễn và số liệu chung được tổng hợp từ các đoàn nghiên cứu tại các địa bàn. TS William Robichaud, điều phối viên của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) lúc đó thực hiện việc tổng hợp các số liệu từ các khu vực của Việt Nam, số liệu từ Lào và hoạch định chiến lược bảo vệ sao la.
Đại diện Cục Lâm nghiệp cũng đưa ra những số liệu cụ thể của sao la ở phạm vi hẹp trong quãng thời gian cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này. Theo đó, Tổ chức FFI điều tra ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, tỉnh Nghệ An từ năm 1995-1997 đã phỏng vấn người dân cho biết tại thời điểm điều tra có 27 cá thể sao la đã bị giết hại và trong lúc điều tra có 2 cá thể bị giết, một cá thể non chưa trưởng thành được bắt sống, nhưng sau đó bị chết.
Năm 1998, 1999, các nhà khoa học ước tính ở Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An có 18 cá thể ở khu vực Khe Bống, 8 cá thể ở Khe Chắt và Khe Choang; đến năm 2003 nghiên cứu lại ước tính chỉ còn khoảng 50% số cá thể sao la trong Vườn quốc gia Pù Mát.
Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, những ước tính có thể là thực tế tại thời điểm đó. Những số liệu này không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
"Cho đến nay, chúng ta chưa có một chương trình, đề án hoặc dự án điều tra nào xác định cụ thể số lượng quần thể, cá thể sao la, vì vậy chưa có cơ sở để đánh giá mức độ suy giảm quần thể sao la trong tự nhiên", ông Đoàn Hoài Nam, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhấn mạnh.