(Dân trí) - "Nôn nao, sung sướng" là điều được ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La Quảng Nam nói tới khi chia sẻ việc nhận tin báo phát hiện sao la từ người dân mới đây.
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La Quảng Nam cùng Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế tạo nên vùng sinh cảnh liền mạch ở trung miền Trung. Hai khu bảo tồn này đều từng phát hiện sao la và được đánh giá tiềm năng cao trong việc tìm kiếm sao la những năm qua...
Đã hơn 11 năm trôi qua, ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La Quảng Nam, vẫn nhắc nhớ thời điểm các chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước ghi nhận cá thể mà bẫy ảnh chụp được tại khu bảo tồn vào năm 2013 là sao la.
Theo ông Sơn, bức ảnh mang lại "niềm sung sướng vô cùng" cho cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La Quảng Nam. Bởi nó chứng minh, tại khu bảo tồn có sự tồn tại của loài thú quý hiếm mà trước đó chỉ phát hiện tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và nước bạn Lào.
Từ sự kiện "chấn động giới bảo tồn châu Á" đó đến nay, khu bảo tồn tiếp tục phối hợp với 6 dự án khác nhau thực hiện tìm kiếm sao la, đặc biệt là việc ghi nhận hình ảnh sao la thông qua hệ thống bẫy ảnh.
Các bên đã đặt 100 bẫy ảnh, kết hợp với hàng rào lưới nhựa (dùng hàng rào lưới nhựa có chừa những ô trống cho thú đi qua và đặt bẫy ảnh hướng vào ô trống); đặt 120 máy bẫy ảnh hệ thống lưới 500m (2 máy gần nhau nhất cách nhau 500m), 120 bẫy ảnh hệ thống lưới 250m tại các khu vực tiềm năng.
Anh Nguyễn Chánh Thi, cán bộ bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La Quảng Nam, người đã có trên dưới 20 lần đi đặt bẫy ảnh trong rừng sâu, chia sẻ: "Dường như tôi đã thực hiện việc đặt bẫy ảnh khắp khu bảo tồn, những nơi được xác định là tiềm năng nhất về khả năng xuất hiện của loài sao la và các loài thú quý hiếm khác".
Từng nhiều lần đặt bẫy ảnh, nhưng anh Thi cùng các đồng nghiệp chưa lần nào "bẫy" thành công hình ảnh của loài sao la, chỉ ghi nhận được mang Trường Sơn, thỏ vằn, trĩ sao, cầy vằn, cầy vòi hương, khỉ mặt đỏ…
Cũng theo anh Thi, bản thân anh và cán bộ khu bảo tồn chưa phát hiện được dấu vết của sao la. Phần lớn các thông tin về dấu vết nghi của sao la là do người dân cung cấp.
Nói về câu chuyện đáng nhớ nhất, anh Thi kể, tháng 4/2023, anh và các đồng nghiệp nhận được thông tin của một hộ dân tại thôn Đang, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, trong lúc đi kiếm thức ăn về nuôi heo, họ đã phát hiện một cá thể, qua mô tả rất giống sao la.
Bổ sung câu chuyện của anh Thi, ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La Quảng Nam, hồ hởi: "Trong lòng anh em lúc đó rất nôn nao, sung sướng và hy vọng thông tin đó là chính xác. Chúng tôi lập tức phỏng vấn người phát hiện và chỉ đạo khoanh vùng để lắp đặt 10 bẫy ảnh, thu hồi mẫu phân, thức ăn tại khu vực phát hiện đó với hy vọng sẽ tái phát hiện sao la sau chu kỳ 10 năm".
Mẫu phân, mẫu thức ăn được đơn vị chức năng gửi đi phân tích sau đó, nhưng không ghi nhận được đó là loài sao la.
Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế cũng là nơi từng ghi nhận sự hiện diện của sao la ở cuối thế kỷ trước. Nhắc lại việc người dân xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) phát hiện một con sao la cái nặng 80kg đang mang thai bị mắc bẫy ở khe Ông, địa phận xã Hương Nguyên năm 1998, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc khu bảo tồn, cho biết, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm thời bấy giờ đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo tháo gỡ bẫy, cứu hộ và thả sao la về rừng tự nhiên.
"Trong 10 năm qua, khu bảo tồn đã phối hợp thực hiện 15 đợt đặt bẫy ảnh với tổng cộng 672 máy rải đều khắp các tiểu khu của khu bảo tồn để ghi nhận sự xuất hiện của sao la và các loài động vật hoang dã khác", ông Nguyễn Thanh cho hay. Cũng theo ông Thanh, bên cạnh việc tham gia các dự án, khu bảo tồn cũng thực hiện các đợt đặt bẫy ảnh riêng, thu mẫu phân, vắt và nước để phân tích ADN xác nhận sự xuất hiện của sao la.
Anh Nguyễn Tài Thắng, tổ chức IMC, tư vấn dự án Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng, người tham gia đặt bẫy ảnh ở Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, nhóm của anh đã thực hiện đặt bẫy ảnh tại điểm sát biên giới với Lào. Quãng đường di chuyển không lớn, nhưng có những đoạn, anh Thắng và đoàn phải ném ba lô xuống suối rồi cùng nhảy xuống nước để vượt qua.
Chuyến đi đúng đợt mưa bão, đoàn khảo sát phải mượn điện thoại vệ tinh của ban quản lý khu bảo tồn để cập nhật hàng ngày, đề phòng tình huống có lũ, còn cầu viện giải cứu.
Nói về kết quả đợt đặt bẫy ảnh vừa qua ở Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế, anh Thắng cho biết, các hình ảnh đã được gửi về đơn vị quản lý dự án. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc khu bảo tồn xác nhận, suốt nhiều năm nay, chưa ghi nhận được hình ảnh nào của sao la ở khu bảo tồn.
Kết quả cụ thể nhất theo ông Thanh chỉ là phát hiện dấu ăn trên cây môn thục (môn thục là loài thức ăn yêu thích của sao la).
Lý giải về việc nhiều dự án tìm kiếm sao la được thực hiện trong khu bảo tồn, nhưng đến nay chưa ghi nhận được hình ảnh nào, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế, cho rằng: "Sinh cảnh sống của sao la rộng, trải dài trên địa bàn khu bảo tồn của Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và kéo dài sang Lào. Môi trường sống thích hợp của sao la lại nằm ở các địa hình cao 200-600m, đặc tính nhút nhát, chỉ cần nghe thấy tiếng ồn chúng liền ẩn nấp trong các hang nên rất khó phát hiện".
Cũng theo ông Thanh, mặc dù trong những năm qua, khu bảo tồn phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp để bảo vệ sinh cảnh của sao la nhưng thực tế vẫn còn những dấu chân của con người vào rừng, tác động của tiếng ồn do người dân lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh...
Nhìn nhận sao la là loài thú quý hiếm và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao, số lượng còn rất ít, trong khi loài thú bí ẩn này cũng rất nhát và nhạy mùi lạ, nên ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La Quảng Nam - cho rằng, khó ghi nhận loài này qua bẫy ảnh.
Cũng theo ông Sơn, những nỗ lực của các dự án cùng khu bảo tồn vừa qua rất lớn, tuy nhiên, số lượng bẫy ảnh còn quá ít so với diện tích rừng cần điều tra, giám sát, nên cơ hội để ghi hình loài này ngoài tự nhiên là thật sự khó khăn, hy hữu.
"Với địa bàn quản lý rộng, trải dài qua 2 huyện Đông Giang và Tây Giang, địa hình chia cắt, hiểm trở và điều kiện của khu bảo tồn còn nhiều khó khăn nên việc "lật tung" các cánh rừng và lục mọi ngóc ngách trong khu bảo tồn để tìm kiếm sao la là điều chưa thực hiện được", ông Sơn chia sẻ. Theo ông, khu bảo tồn chỉ khoanh vùng những nơi tiềm năng để đặt bẫy ảnh chủ đích đối với loài này.
Đề cập câu chuyện 11 năm, khu bảo tồn không ghi nhận hình ảnh nào về sao la, ông Sơn nhấn mạnh, tái phát hiện sao la là "khát khao không thể nào dứt" của anh em cán bộ bảo vệ rừng. Trong khi đó, anh Nguyễn Chánh Thi, cán bộ bảo vệ rừng quả quyết: "Ngày nào còn làm công tác bảo tồn thì tôi sẽ tiếp tục đi đặt bẫy ảnh để tìm kiếm sao la".