Lo xã hội "đóng băng" khi Hà Nội từ chối tiếp nhận chuyến bay, tàu khách
(Dân trí) - Tại sao Hà Nội không tính phương án tiếp nhận rồi xét nghiệm, kiểm soát dịch mà phải cấm? Ách tắc giao thông ảnh hưởng tới vận tải, ảnh hưởng tới hệ thống sản xuất, dẫn tới cả xã hội sẽ "đóng băng".
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - đã nêu ra lo ngại như vậy khi trao đổi với PV Dân trí về nguyên tắc riêng của Hà Nội khi hạn chế phương án tổ chức giao thông vận tải trong tình hình mới.
- Phóng viên: Việc tổ chức hoạt động vận tải sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội được xem như "chìa khóa" để mở cửa nền kinh tế, đưa cuộc sống của người dân trở lại "bình thường mới". Tuy nhiên, Hà Nội vừa đưa ra quy định từ chối tiếp nhận các chuyến bay, đoàn tàu chở khách khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Ông Lưu Bình Nhưỡng: Ở đây có một vấn đề rất đáng lo ngại là thiếu sự liên kết giữa địa phương này với địa phương khác trong bối cảnh dịch bệnh. Phương tiện thông tin đại chúng cập nhật hàng ngày về việc kiểm soát tại các chốt ở cửa ngõ Hà Nội, xe luồng xanh cũng phải dừng kiểm tra đã gây ra ùn ứ.
Cứ hình dung thế này, khi máu ngừng chảy thì chắc chắn tim sẽ ngừng đập, cơ thể sẽ chết. Nền kinh tế cũng vậy, việc đưa ra những quy định riêng không đúng với chủ trương chung là không phù hợp.
Đứt gãy chuỗi sản xuất hay không có liên quan trực tiếp với hoạt động huyết mạch là giao thông vận tải. Những nguy cơ thường trực hiện nay nhìn thấy rõ nhất là các doanh nghiệp đang điêu đứng, đang trên bờ vực phá sản vì giao thông vận tải bị ngưng trệ do dịch bệnh.
Chúng ta đừng quá chủ quan về công nghệ 4.0, đó chỉ là phương thức để làm việc, còn lại vẫn phải do con người quản trị, đưa ra chính sách điều hành. Không phải 4.0 chỉ là việc ngồi bấm máy nháy chuột là sẽ ra gạo, ra cơm.
- Hà Nội hạn chế việc tổ chức giao thông vận tải với lý do đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô. Ông có nghĩ rằng Hà Nội chưa đủ tự tin để mở cửa và trở lại nhịp sống bình thường?
- Tôi không muốn bàn luận là tự tin hay không tự tin và đương nhiên khi nêu ra Hà Nội phải có lý do. Nhưng phải nói thế này, người dân họ tự biết bảo vệ bản thân, chưa cần chính quyền lo thì người dân họ đã biết tự lo cho mình rồi, vì không ai muốn bị mắc dịch bệnh.
Ở tình trạng bình thường mới, trong bối cảnh mới thì việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng phải thay đổi, không thể tiếp tục duy trì các biện pháp "cổ điển" được. Hà Nội lấy từ chối chuyến bay, đoàn tàu chở khách sẽ ảnh hưởng tới vận tải, ảnh hưởng tới hệ thống sản xuất thì cả xã hội sẽ "đóng băng".
Có nhiều giải pháp để phòng chống dịch và không nên coi từ chối tiếp nhận người về từ vùng dịch là biện pháp. Tại sao Hà Nội không tính phương án tiếp nhận rồi tiến hành xét nghiệm, kiểm soát dịch mà phải cấm? Hà Nội tuyên bố hạn chế việc tổ chức giao thông vận tải nhưng vì sao đêm trung thu lại không có biện pháp gì để cho đông nghịt người ùa ra đường?
Trước nhu cầu đi lại của người dân, khôi phục kinh tế xã hội thì việc tổ chức giao thông vận tải như thế nào mới là điều quan trọng. "Mục tiêu kép" tức là phải vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất. Hai việc này phải thực hiện song song, nếu vì chống dịch mà "đóng băng" kinh tế - xã hội thì nghĩa là mới chỉ thực hiện được một phần của mục tiêu đó.
- Nhiều địa phương, trong đó có cả những tỉnh nghèo thời gian qua đã tổ chức các chuyến bay, đoàn tàu đến "điểm nóng" TPHCM và phía Nam để đón công dân về quê trách dịch. Tuy nhiên, động thái không tiếp nhận người về từ vùng dịch của Hà Nội dường như chưa được thỏa đáng?
- Hà Nội là mặt tiền của đất nước, giữ nhiều nguồn lực nhất, nhiều điều kiện nhất thì lẽ ra phải làm được nhiều việc hơn và tốt hơn các địa phương khác.
Ở đây phải rà soát lại tất các biện pháp, nếu Hà Nội có những biện pháp hợp lý thì người dân hoàn toàn ủng hộ. Còn những chính sách không phù hợp với nguyên tắc chung của cả nước, ảnh hưởng tới cả nước và người dân Thủ đô thì tôi nghĩ rằng khó nhận được sự đồng tình.
- Hiện đang có tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, ngoài Hà Nội cũng có những địa phương ban hành quy định không phù hợp với nguyên tắc chống dịch chung của cả nước. Theo ông có nên xử lý mạnh tay hơn với một số nơi chống dịch quá "gắt"?
- Thực tế là Thủ tướng đã nhắc nhở, phê bình rồi nhưng tình trạng "mỗi nơi làm một kiểu" vẫn đang xảy ra, vì thế tôi nghĩ rằng cần phải xử lý mạnh tay.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải có biện pháp để thống nhất áp dụng trên cả nước, các địa phương liên kết với nhau. Dù mỗi địa phương có bối cảnh, có đặc điểm và tình hình riêng, nhưng phải có sự thống nhất về phương châm hành động.
Hiện nay trung ương đã ra văn bản bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu, sáng tạo, đột phá và đổi mới nên ở địa phương người lãnh đạo phải có bản lĩnh. Nếu các địa phương cứ "thần hồn nát thần tính", làm ảnh hưởng tới hoạt động chung của xã hội thì không thể được.
- Xin cảm ơn ông!