Livestream bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều, Bộ trưởng đề nghị thu thuế

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần quản lý hoạt động thương mại điện tử để thu thuế vì việc livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Ông nhận định có thể thu được nguồn thuế rất lớn từ việc này.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết một năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, sáng 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nhận định phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

Hiện nay thương mại điện tử của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Ông Phớc nhấn mạnh điều này đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo.

Livestream bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều, Bộ trưởng đề nghị thu thuế - 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Báo cáo về vấn đề hoàn thiện pháp lý, ông Phớc cho biết Bộ Tài chính đang thực hiện việc định danh và xác thực điện tử; thực hiện các nghị định 72 năm 2013, Nghị định 59 và rà soát lại các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.

Về xây dựng và chia sẻ dữ liệu, theo Tư lệnh ngành Tài chính, việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3/6 đã đạt 97,57%. "Đây là một sự tích cực của ngành tài chính bởi phải làm sạch dữ liệu, tập hợp dữ liệu, công nghệ phù hợp mới chia sẻ được", ông Phớc nói.

Thông tin về số thu ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất cho thấy, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50.000 tỷ đồng.

Đưa ra giải pháp, Bộ Tài chính đề nghị kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.

Bên cạnh đó, theo ông Phớc, cần xây dựng cổng thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Livestream bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều, Bộ trưởng đề nghị thu thuế - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Cùng với việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt vì "thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều, quản lý và thu thuế càng cao", Bộ trưởng Tài chính đề nghị quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế.

"Giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn", ông Phớc nói.

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phục vụ công tác quản lý thuế.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị cơ quan quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm qua các giao dịch thương mại điện tử; thường xuyên kiểm tra các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý có hoạt động thương mại điện tử thông qua các website bán hàng, sàn thương mại điện tử, các hình thức mua bán qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…).

Ông Hùng đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) hướng dẫn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.

Ông giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...