Chính phủ bàn cách gỡ vướng liên thông dữ liệu để chống gian lận, trốn thuế

Hoài Thu

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chỉ thị yêu cầu đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng... đã được ban hành, nhằm để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử.

Sáng 10/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết một năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta.

"Đề án 06 đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số", Thủ tướng ghi nhận.

Chính phủ bàn cách gỡ vướng liên thông dữ liệu để chống gian lận, trốn thuế - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cho biết quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 hơn 2 năm qua có những đóng góp tích cực, quan trọng của Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06.

Thủ tướng đồng thời chúc mừng Đại tướng Tô Lâm và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao trọng trách cao hơn.

Trước đó, sáng 22/5, Quốc hội đã tín nhiệm bầu Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước. Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc được điều động, phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng hôm 3/6.

Trở lại việc triển khai Đề án 06, Thủ tướng lưu ý "tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, ngủ quên trong chiến thắng".

Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ; đồng thời ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử.

Việc này nhằm phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới.

Nhấn mạnh hội nghị này nhằm sơ kết một năm triển khai tháo gỡ các "điểm nghẽn" của Đề án 06, Thủ tướng đề nghị đại biểu đánh giá thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra.

Tinh thần được người đứng đầu Chính phủ quán triệt là trung thực, "không tô hồng, không bôi đen"; nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc.

Chính phủ bàn cách gỡ vướng liên thông dữ liệu để chống gian lận, trốn thuế - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, cần phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập để "hóa giải" khó khăn, thách thức, bất cập, từ đó chuyển đổi trạng thái nhanh (như về thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, phát triển nhân lực số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin...).

Ông cũng đề nghị chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 như phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin, liên thông các hệ thống thông tin hình thành dữ liệu lớn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử...

Báo cáo kết quả một năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về giải quyết các "điểm nghẽn" của Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.

Tuy nhiên, theo ông Long, vẫn có 6 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

Chính phủ bàn cách gỡ vướng liên thông dữ liệu để chống gian lận, trốn thuế - 3

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long (Ảnh: Đoàn Bắc).

Điểm nghẽn thứ nhất về pháp lý, thể hiện qua việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317/1.084 thủ tục hành chính cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa; còn 3/6 nghị định chưa được ban hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, điểm nghẽn này ảnh hưởng tới việc các bộ, ban, ngành không áp dụng được quy trình, thủ tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin sau khi được phân bổ kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước năm 2024, dẫn đến việc triển khai Đề án 06 trong năm 2024-2025 thất bại.

Bên cạnh đó, điểm nghẽn thứ hai về dịch vụ công trực tuyến cũng nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chuyển hóa các thủ tục hành chính lên môi trường điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng nêu thêm những điểm nghẽn về hạ tầng công nghệ, về dữ liệu và an ninh, an toàn bảo mật và nguồn nhân lực triển khai.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

Hiện nay, thương mại điện tử của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Và Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ đó, ông Phớc nhấn mạnh yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo.