1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Lính tàu không số: Sẵn sàng cho nổ tàu quyết không để hàng rơi vào tay địch

Tiến Thành

(Dân trí) - Với cựu binh Trương Văn Can, hành trình trên chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam mãi là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ.

Nhân Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi đã có dịp đến thăm và trò chuyện cùng cựu chiến binh Trương Văn Can - người lính của đoàn tàu không số năm xưa.

Cựu chiến binh Trương Văn Can (SN 1934), tại thôn Đại Hữu, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Cuộc sống của chàng trai Trương Văn Can từ nhỏ đã hết sức vất vả, 9 tuổi mất bố, 15 tuổi mất mẹ.

Lính tàu không số: Sẵn sàng cho nổ tàu quyết không để hàng rơi vào tay địch - 1

Cựu chiến binh Trương Văn Can kể về những ngày tháng tham gia đoàn tàu không số (Ảnh: Tiến Thành).

Khi vừa tròn 18, chàng thanh niên Trương Văn Can đã tham gia gánh gạo cung cấp cho bộ đội, đào hầm nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Đến năm 1959, ông lên đường nhập ngũ và được kết nạp Đảng năm 1962. Tháng 6/1966, sau 4 năm được đào tạo tại Trường sĩ quan Hải quân, ông Can được biên chế về tàu 142, phân đội 3, Lữ đoàn 171, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, tham gia đánh máy bay Mỹ trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh.

Từ tháng 3/1970 đến tháng 3/1972, ông Can được điều động làm thuyền phó hàng hải tàu 132, Đoàn 125, tham gia vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện miền Nam. Chuyến tàu không số đầu tiên ông Can tham gia là vào tháng 4/1970, tàu có 12 thuyền viên, ông Can là thuyền phó, trên hải trình vận chuyển khoảng 50 tấn vũ khí, đạn dược... vào tập kết tại Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. Đây là chuyến đi mang lại nhiều cảm xúc đối với cựu thủy thủ Trương Văn Can.

Lính tàu không số: Sẵn sàng cho nổ tàu quyết không để hàng rơi vào tay địch - 2

Tàu không số vận chuyển vũ khí, phương tiện chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh chụp tư liệu).

"Tàu của chúng tôi phía dưới là súng đạn, trên phủ ngư cụ để ngụy trang, giả dạng dưới hình thức tàu đánh cá, ra khơi cùng giờ với tàu của các ngư dân sau đó đi dọc theo hải phận quốc tế tiến vào phía Nam. Ra biển gió lớn, có những ngày không thể nấu ăn được, anh em chỉ ăn lương khô và uống nước", ông Can nhớ lại.

Sau gần một tuần lênh đênh trên biển, tàu không số của ông Can và đồng đội đã vào đến vùng biển Bình Thuận. Thời điểm này là khoảng 17h chiều, tàu đã phải neo chờ trời tối để tránh bị phát hiện.

"Lúc neo tàu chờ đợi, anh em ai cũng sốt ruột, chỉ sợ bị địch phát hiện và không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã động viên nhau, phải quyết tâm thả hàng và rời đi một cách bí mật, an toàn nhất. Trên đường vào bờ anh em luôn cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu và cho nổ tàu nếu rơi vào tình huống bất khả kháng, quyết không để hàng rơi vào tay địch", ông Can tiếp lời.

Lính tàu không số: Sẵn sàng cho nổ tàu quyết không để hàng rơi vào tay địch - 3

Đã gần 90 tuổi nhưng ông Can vẫn rất minh mẫn, mỗi giờ phút của hành trình trên biển ngày ấy, ông luôn nhớ như in (Ảnh: Tiến Thành).

Theo cựu chiến binh Trương Văn Căn, những năm 1970 - 1972, địch tuần tra kiểm soát cực kỳ gắt gao, tàu chi viện miền Nam rất khó cập bờ nên phải neo cách bờ khoảng 2 hải lý, thả các kiện hàng xuống biển và đánh dấu bằng phao để bộ đội và dân quân địa phương vớt lên.

Con tàu của ông Can và đồng đội cũng vậy, khi trời vừa tối thì tắt hết đèn, tăng tốc, rẽ sóng tiến vào bờ, khi cách Mũi Né khoảng 1,5 hải lý, quan sát tình hình, đảm bảo an toàn, ông Can và đồng đội mới khẩn trương thả các kiện hàng đã được bọc kín xuống biển. Sau gần một đêm âm thầm thả hàng thành công, con tàu lặng lẽ rời đi trong bí mật.

Với ông Can và những người lính hải quân trên tàu không số ngày ấy, nhiệm vụ là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa, phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này.

Lính tàu không số: Sẵn sàng cho nổ tàu quyết không để hàng rơi vào tay địch - 4

Với những đóng góp cho cách mạng, cựu chiến binh Trương Văn Can đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương cũng như Bằng khen, Giấy khen của quân đội (Ảnh: Tiến Thành).

"Chuyến đó gần 50 tấn hàng nên phải bốc dỡ và thả xuống biển cả đêm, lúc xong thì trời cũng gần sáng. Hoàn thành được nhiệm vụ, anh em vui mừng reo hò, quên hết mệt nhọc. Chúng tôi luôn giữ vững niềm tin rằng, mỗi chuyến hàng thành công sẽ góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, đó là động lực để chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ", ông Can chia sẻ.

Sau chuyến chi viện thành công nói trên, ông Can và đồng đội tiếp tục được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện 2 chuyến tàu vận chuyển vũ khí, khí tài khác vào tháng 12/1971 và tháng 2/1972. Các thuyền viên trên tàu đều thể hiện quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên cả 2 chuyến chi viện này khi gần đến đích thì các thuyền viên trên tàu nhận lệnh từ Chỉ huy, nhanh chóng quay trở lại nhằm để bảo toàn vũ khí, khí tài trước tình hình địch kiểm soát, đánh phá gắt gao.

Lính tàu không số: Sẵn sàng cho nổ tàu quyết không để hàng rơi vào tay địch - 5

Cựu chiến binh Trương Văn Can cùng vợ hiện đang sinh sống tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới (Ảnh: Tiến Thành).

Đến tháng 4/1972, ông Can được cấp trên điều động về Bình Trị Thiên, nhận nhiệm vụ huấn luyện dân quân vùng biển sông Gianh, đến năm 1974, ông xuất ngũ về làm thuyền trưởng của Công ty vận tải thủy Bình Trị Thiên. Cũng vào thời điểm này ông mới lập gia đình ở tuổi 40, cùng vợ nuôi dạy 4 người con khôn lớn.

"Để chi viện miền Nam, góp phần thống nhất đất nước, đã có nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội Đoàn 125 của chúng tôi đã vĩnh viễn phải nằm lại nơi biển cả mênh mông", ông Can đượm buồn.

Với những đóng góp cho cách mạng, cựu chiến binh Trương Văn Can đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương cũng như Bằng khen, Giấy khen của quân đội.

Cách đây 60 năm, ngày 23/10/1961, theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 579 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với tên gọi "Đoàn tàu không số" được thành lập, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, phương tiện chi viện cho chiến trường miền Nam, bằng đường biển. Đó cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, mưu trí, dũng cảm, vượt qua sự phong tỏa, vây ráp gắt gao của kẻ thù. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, hàng vạn lượt người từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, đã trực tiếp góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Những cán bộ, chiến sĩ trên tàu không số ngày ấy đã phát huy cao độ tinh thần của lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh và là tấm gương sáng, là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha anh, góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm