1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Liệt nữ Nguyễn Thị Quang Thái

Nếu có danh hiệu cao quý nhất cho một gia đình Việt Nam, có gia đình chị; nếu có danh hiệu cao quý nhất cho phụ nữ Việt Nam, có chị!

Có lẽ những ai từng gặp, hay chỉ nghiên cứu sâu về gia đình chị Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái đều có thể có ý nghĩ như tôi đã nghĩ.

Lịch sử được làm nên bởi những con người bình thường. Sự vĩ đại của một chiến công, của một con người càng không tách chiến công đó, con người đó khỏi cuộc sống bình thường.
 
Liệt nữ Nguyễn Thị Quang Thái - 1
Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. (Ảnh tư liệu)

Chị Nguyễn Thị Minh Khai và chị Nguyễn Thị Quang Thái sinh ra trong một gia đình bình thường. Người bố là Nguyễn Huy Bình quê ở làng Mọc (Nhân Chính), Hà Nội, làm công chức hỏa xa ở TP Vinh, thường gọi là Hàn Bình. Mẹ là Đậu Thị Thư, quê Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, một người buôn bán nhỏ. Trước năm 1940, gia đình ông bà sống tại 132 phố Maréchal Foch, nay là phố Quang Trung, TP Vinh.

Như nhiều người biết, chị Nguyễn Thị Minh Khai sinh năm 1910, sống tuổi thơ mình ở quê mẹ Đức Tùng. Năm 1927, tham gia thành lập và là Ủy viên BCH Đảng bộ Tân Việt Cách mạng đảng.

Trong quá trình hợp nhất các tổ chức cộng sản, năm 1930, chị là thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Và cũng trong năm đó, chị được điều sang Hương Cảng, làm Thư ký cho Nguyễn Ái Quốc tại Chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931 chị  bị chính quyền thực dân bắt và thoát tù. Năm 1934, chị cùng Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng ta dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Matxcơva. Đồng chí Lê Hồng Phong sau đó là Tổng Bí thư của Đảng năm 1935 -1936; là chồng của chị Minh Khai.

Sau Đại hội Quốc tế cộng sản, chị Minh Khai về nước lao vào hoạt động cách mạng quên mình. Được tín nhiệm của đồng chí, chị được bầu làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1935.

Nhân dân gọi chị bằng cái tên thân mật là Chị Năm Bắc. Năm 1940, chị bị bắt vì lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cuộc tập dượt giành chính quyền lần thứ hai của Đảng.

Trong Khám lớn Sài Gòn, chị có bài thơ khích lệ anh em, đồng chí:

Vững chí bền gai, ai hỡi ai
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng vẫn chông gai.

Chị Minh Khai bị xử bắn tại Hóc Môn ngày 26/8/1941 với câu khẩu hiệu hô vang: "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!"

Nói về đồng chí Lê Hồng Phong, chỉ sống bốn mươi năm, nhưng có cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức phong phú. Sinh 1902, năm 22 tuổi , đồng chí đã cùng Phạm Hồng Thái xuất dương. Đồng chí không chỉ là nhà chính trị xuất sắc mà còn hứa hẹn một thiên tài quân sự. Năm 1926, tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, gia nhập Đảng CS Trung  Quốc. Sau đó sang Liên Xô học các trường: Trường Lý luận quân sự, Học viện Không quân. Năm 1928 là Trung tá Hồng quân Liên Xô; rồi tốt nghiệp Đại học Cộng sản Đông phương. Lê Hồng Phong thật sự là tấm gương tiêu biểu của những người con Xứ Nghệ về hiếu học và học giỏi. Đồng chí mất năm 1942 tại nhà tù Côn Đảo. Câu nói nổi tiếng của đồng chí trước lúc hy sinh là “Nhờ các đồng chí nói lại với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Như vậy, chỉ trong hai năm, gia đình ông Bình, bà Thư mất cả con gái lẫn con rể. Quá đau buồn, ông Bình đã qua đời, không biết con gái Quang Thái cũng bị bắt và mất ngay sau đó.

Chị Nguyễn Thị Quang Thái sinh năm 1915, sau chị cả Minh Khai 5 tuổi. Ấn tượng về chị Quang Thái tuổi trăng rằm, theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con gái thông minh, quả quyết và là người có đôi mắt to rộng hút hồn người như mặt nước hồ (des yeux grands et vastes comme l`eau des lacs). Hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước Trường Đồng Khánh, chị Thái bị bắt cuối năm 1930. Câu nói nổi tiếng của chị trong Lao Thừa phủ (Huế) mà nhiều bạn tù nhắc lại,  câu nói có sức động viên lớn lao, có sức diễn tả khí phách một con người, dù người con gái  ấy chỉ mới 16 tuổi: Personne ne te dénonce, ne dénonces personne! (Không ai khai bạn; bạn không khai ai!)

Và đây là bài thơ càng rạng tỏ tài năng, khí phách của nữ anh hùng nước Việt:

Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta miệng mỉm cười.
 
Sáu năm sau bài thơ này, mới xuất hiện Tố Hữu, nhà thơ cách mạng!

Tôi nghĩ cần phải đặt bài thơ này trong một vị trí xứng đáng, không chỉ trong sách giáo khoa, trong văn học cách mạng mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam. Trong lịch sử văn học Việt Nam, đành rằng không thiếu những nữ tác gia tài năng; nhưng một tâm thế hiến dâng vì Tổ quốc, một sự khảng khái như bài thơ này là rất hiếm.

Sau khi ra tù, chị Thái kết hôn với Võ Nguyên Giáp (ngày 28/9/1935), sinh cháu Võ Hồng Anh (1939, cùng tuổi với Lê Hồng Minh, con chị Minh Khai). Tháng 5/1940, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng  được Nguyễn Ái Quốc phái sang Trung Quốc hoạt động bí mật. Chị Thái cũng gửi con đi hoạt động bí mật. Nhưng chị chưa kịp ẩn thân thì đã bị mật thám Pháp bắt, kết án 12 năm tù giam tại Hỏa Lò.

Chị bị tra tấn hết sức dã man mà vẫn không hề hé răng. Nhưng những trận đòn thù quái ác đã làm chị kiệt quệ. Một cơn bệnh thương hàn đã quật ngã chị vào ngày 29/1/1944, ở tuổi 29, không được gặp mặt chồng con và chỉ hơn một năm sau, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi! 
 

Tôi đã gặp bác sĩ Nguyễn Huy Dung, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô; Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người em còn sống của chị Minh Khai, Quang Thái. 

Ông là một chuyên gia tim mạch, đã khám bệnh cho bố tôi chỉ bằng tai áp vào ngực mà chẩn trúng bệnh. Ông thừa hưởng năng khiếu văn học của gia đình, của hai người chị, đã cho xuất bản nhiều tập thơ. Ông kể, nhà ông còn một người anh nữa cũng hy sinh trong hoạt động cách mạng.

Thật hiếm có một gia đình cống hiến cho dân tộc, cho Đảng những người con xuất sắc như vậy!

Về chị Quang Thái, nhà Cách mạng lão thành Hoàng Thị Ái bày tỏ: “Cuộc đời trong sáng và tấm gương hy sinh vì Cách mạng, vì dân tộc của Nguyễn Thị Quang Thái đáng để các thế hệ mai sau mãi mãi nâng niu, gìn giữ”.

Nhớ hai liệt nữ, hai chị em Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái, không hiểu sao tôi thường nhớ tới hình ảnh Hai Bà Trưng, cảm tác rằng:

"Minh Khai, Quang Thái- Trưng: Trắc, Nhị;
Tiết nghĩa nghìn thu lộng bóng đời!"

Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay, cũng như nhiều người, tôi đề nghị các cơ quan chức năng ở Hà Nội, Vinh, TP Hồ Chí Minh xem xét, đặt tên đường Nguyễn Thị Quang Thái cạnh đường Nguyễn Thị Minh Khai. Khi sống, hai chị em ly biệt, khi chết chị em được gần gũi. Việc tri ân ấy còn có ý nghĩa nói lên sự chung thủy của người cách mạng, ý nghĩa giáo dục truyền thống.
 
 
Theo Nguyễn Sĩ Đại
DVT.vn