1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Liên tiếp xảy ra các vụ hành hung nhà báo

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian rất ngắn (từ 20/9 đến 13/10), tại Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các vụ tấn công, uy hiếp, xúc phạm danh dự nhà báo trong khi họ đang tác nghiệp. Tình trạng cản trở PV tác nghiệp đã đến mức báo động.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do của công dân là thiêng liêng, được pháp luật bảo vệ. Luật Báo chí Việt Nam cũng quy định không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo. Thế nhưng gần đây đã liên tiếp xảy ra việc nhà báo bị các lực lượng liên quan đến bảo vệ an ninh hành hung, phá huỷ phương tiện làm việc, xúc phạm danh dự và nhân phẩm. Mới đây, phóng viên Phương Thảo của Báo Dân trí đã bị một công an ngang nhiên còng tay bên vệ đường trong khi đang tác nghiệp đúng luật. 

* Luật sư Trần Vũ Hải - Văn phòng Luật Hà Nội: "Việc vô cớ còng tay nhà báo là xâm phạm quyền tự do của công dân"

"Thực tế, việc còng tay phải có lệnh tạm giam, lệnh bắt khẩn cấp. Thông thường, việc còng tay được sử dụng khi dẫn giải can phạm tới toà (ra toà phải mở còng), hoặc dẫn giải từ nơi này tới nơi khác. Trong hành chính, việc còng tay phải tiến hành thận trọng khi đối tượng có hành vi gây rối, gây ảnh hưởng tới trật tự công cộng. Thông thường việc tạm giữ phải có lệnh.

 

Trường hợp 1 công an còng tay PV báo Dân trí là hoàn toàn sai. Trong bất kể trường hợp nào người công an cũng phải thông báo cho người dân quyền hạn của mình, và có những cảnh báo. Nguyên tắc là không được xâm phạm quyền tự do người dân, nếu họ không vi phạm hành chính, không có biểu hiện gây rối trật tự công cộng.

 

Qua sự một loạt sự việc nhà báo bị xâm phạm gần đấy, có thể thấy một bộ phận những người có chức năng bảo vệ, cảnh vệ đang lạm quyền. Còng số 8 phải được sử dụng thật cẩn trọng, không thể bừa bãi và tuỳ tiện như thế này."

 

* Liên tiếp xảy ra các vụ tấn công, uy hiếp nhà báo

 

Vụ thứ nhất: Phóng viên báo Lao Động bị bẻ máy ảnh

 

Sáng 20/9, trong khi đang tác nghiệp tại PV Văn Khanh của báo Lao Động bị ông Hồ Mạnh Hùng (phóng viên báo Hà Nội Mới, đại diện cho công ty Gedeon Richter) bẻ máy ảnh trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Lúc này toà đang xử vụ tranh chấp lao động giữa công ty Gedeon Richter và bà Nguyễn Thị Kim Nga.

 

Điều đáng lên án là ông Hồ Mạnh Hùng hiện đang là Phó trưởng ban Ban cuối tuần của báo Hà Nội Mới. Ngoài ra, ông này còn hành nghề luật sư. Sau khi bẻ máy ảnh, ông Hùng còn có những lời nói và  hành vi thách thức những nhà báo khác đang tác nghiệp tại đây.

 

Vụ thứ 2: PV báo An ninh Thế giới bị hành hung

 

Ngày 9/10, phóng viên ảnh Nguyễn Trang Dũng của báo An ninh Thế giới (ANTG) được phân công đi chụp ảnh về các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 995 năm Thăng Long- Hà Nội. Khi thấy một số nhân viên của Công ty Cổ phần dịch vụ bảo vệ Trường Sơn quát nạt lớn tiếng, cầm bộ đàm chỉ vào mặt những người dân đứng xem, PV Trang Dũng định chụp ảnh thì liền bị một nhóm người của Công ty dịch vụ bảo vệ Trường Sơn xô đẩy, ngăn cản không cho chụp.

 

Trong khi lộn xộn, những “bảo vệ” này sau khi lớn tiếng chửi bới, đã giật máy ảnh, xô đẩy, tóm cổ áo, ghì giật mạnh làm anh Dũng ngã xuống đất.

 

Khi anh Dũng vừa đứng lên thì một người trong nhóm này đánh thẳng vào mặt gây ra vết thương: rách trán, choáng vì chảy máu. Tiếp đó, nhóm này tiếp tục vừa chửi rủa vừa bẻ quặt tay ra đằng sau và đẩy anh Dũng ra phía ngoài đường Lê Thạch trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân.

 

Ngoài vết thương trên cơ thể, chiếc máy ảnh Canon 20D trị giá hơn 2.000 USD anh Dũng mang theo cũng bị hỏng. Người trực tiếp xô xát với anh Dũng là Nguyễn Anh Tuấn (số thẻ 043 TSHN, sinh năm 1969), hiện là trợ lý nghiệp vụ kiêm Đội trưởng Đội cơ động của Công ty Dịch vụ bảo vệ Trường Sơn. Tuấn từng là vận động viên Karatedo quốc gia, từng là HLV phó đội tuyển Karatedo Quốc gia.

 

Vụ thứ 3: Công an còng tay PV giữa đường

 

Hồi 14h15 phút chiều 13/10, tại ngã tư phố Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, PV báo Khuyến học & Dân trí là Lê Phương Thảo đã bị cảnh sát bảo vệ mục tiêu ở khu vực này còng tay vào cột sắt ở ngay rìa đường Trần Hưng Đạo. Khi thấy PV Phương Thảo tác nghiệp, viên cảnh sát yêu cầu chị rời khỏi khu vực, mặc dù tại đây không hề có biển cấm. Thấy PV phản ứng, viên cảnh sát hùng hồn tuyên bố: “Tôi chính là biển cấm, chính là pháp luật, tôi có quyền”, rồi lập tức rút còng số 8, bẻ tay, giật mạnh và kéo phóng viên Phương Thảo về phía cọc sắt ngăn cách giữa vỉa hè và lòng đường, xích tay chị Thảo vào đó.

 

Viên cảnh sát còng tay phóng viên chặt tới mức cả một khoảng da lớn ở tay phóng viên Phương Thảo bị hằn vết tím bầm. Ngay cả khi một đồng nghiệp đề nghị nới bớt vòng khoá tay thì viên cảnh sát vẫn không chịu: “Kệ nó, tao làm tao chịu trách nhiệm”.

 

Khoản 1,2 Điều 15 của Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Báo Chí ngày 12/6/1999:

 

"Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghệ nghiệp đúng pháp luật”. 

 

Bảo Trung