1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sau hàng loạt vụ tấn công nhà báo:

Báo giới phẫn nộ và bất bình

(Dân trí) - Ngay sau khi xảy ra sự việc phóng viên Phương Thảo của báo Khuyến học & Dân trí bị công an còng tay, rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi từ các báo đã gọi điện tới toà soạn, bày tỏ nỗi bất bình. Theo ý kiến nhiều nhà báo, nếu vụ việc kể trên không được xử lý tận gốc thì rất dễ trở thành tiền lệ cho những sai phạm tiếp theo.

Trong một thời gian rất ngắn, lực lượng phóng viên - người tiên phong trên mặt trận thông tin - đã bị cản trở và hành hung một cách thô bạo.

 

Nhà báo Trang Dũng - Báo An ninh Thế giới (từng bị đám đông nhân viên an ninh hành hung tại "Lễ hội rồng bay", sự kiện văn hoá kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội):

 

Là một người từng bị hành hung, tôi nhận thấy người làm báo hiện nay đang phải đối mặt với quá nhiều nguy hiểm. Mặc dù trong luật đã có điều khoản bảo vệ nhà báo, nhưng còn quá chung chung, chưa rõ ràng. Đề nghị nhà nước phải có một hành lang pháp lý thật rõ ràng cho những người làm báo, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nói chung và những người bảo vệ (chẳng hạn như của Công ty dịch vụ bảo vệ Trường Sơn) ý thức được rằng hành hung nhà báo, xâm hại danh dự nhà báo là vi phạm pháp luật.

 

Qua những vụ việc vừa xảy ra, có thể thấy do pháp luật chưa nghiêm nên một bộ phận người dân rất coi thường công việc của người làm báo. Họ sẵn sàng gây chuyện, sinh sự, thậm chí đánh đập, còng tay PV như chúng ta đã thấy trong những vụ việc liên tiếp vừa qua. Chẳng hạn như vụ việc xảy ra với chính bản thân tôi, ngay cả khi tôi xuất trình thẻ nhà báo, những người bảo vệ vẫn lao vào tấn công tôi, đập vỡ máy ảnh, đánh tôi rách mặt… 

 

Báo giới phẫn nộ và bất bình - 1

 PV Phương Thảo tại địa điểm bị còng tay

 

Vừa qua, các nguồn tin cho rằng tôi bị đối tượng Nguyễn Anh Tuấn hành hung, nhưng tôi khẳng định là lúc đó nhiều đối tượng cùng xông vào. Tôi có tấm ảnh làm bằng chứng, trong đó tôi bị vây quanh bởi một đám đông toàn nhân viên bảo vệ của Công ty dịch vụ bảo vệ Trường Sơn (công ty được thuê bảo vệ Lễ hội). Chi tiết này, tôi đề nghị cơ quan công an làm rõ.

 

Phóng viên Đỗ Văn Khanh - Báo Lao Động (từng bị luật sư tấn công tại tòa): Hành vi tấn công nhà báo là không thể chấp nhận, cần phải được xử lý nghiêm khắc. Nhà báo đưa tin không vì cá nhân mà vì lợi ích cộng đồng. Chính vì vậy nhà báo cần được bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất để tác nghiệp. Theo tôi, nhà báo là công cụ của nền dân chủ, chính vì vậy, tấn công nhà báo là tấn công quyền dân chủ.

 

Báo giới phẫn nộ và bất bình - 2

PV Đỗ Văn Khanh bị tấn công và bẻ gãy máy ảnh trong khi tác nghiệp.

 

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ tấn công nhà báo có lẽ vì các cơ quan pháp luật chưa xử lý mạnh tay với những hành vi này. Để chấm dứt tình trạng tấn công, làm nhục nhà báo, theo tôi cần có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm, giúp nhà báo thuận lợi khi tác nghiệp.

 

Phóng viên Thu Trang - Báo GĐ&XH: Dường như các nhà báo cứ mải mê đi bảo vệ người khác mà lại không bảo vệ được chính bản thân mình. Nhà báo cũng là người thi hành công vụ, và đã có luật báo chí qui định về trách nhiệm và quyền của nhà báo. Tôi cảm thấy vô cùng xót xa khi phải chứng kiến hàng loạt các đồng nghiệp của mình bị hành hung, bị đối xử thô bạo khi họ đang tác nghiệp.

 

Cần phải có hành động mạnh mẽ để chấm dứt hiện tượng này. Trước hết là để các phóng viên, nhà báo có cảm giác an toàn khi làm nghề, sau đó là tìm lại sự công bằng cho xã hội.

 

Phóng viên Phạm Cẩm Tú - Báo điện tử Vietnamnet: “Một phần lỗi thuộc về cơ quan công an (CA) chủ quản”. Trong sự việc này, hành động còng tay của CA đối với PV Phương Thảo là hoàn toàn sai. CA là người thi hành pháp luật, nhưng không vì thế mà họ cho mình quyền muốn làm gì cũng được. Trong vụ việc này, viên CA đã cản trở nhà báo tác nghiệp. Và hành động sai nhất của anh ta là còng tay người một cách vô cớ, như thế là vi phạm quyền tự do. Về mặt nghiệp vụ, tôi không biết người chiến sỹ kia được đào tạo như thế nào mà có những cư xử hồ đồ như thế. Bởi vậy, một phần lỗi trong vụ việc này thuộc về cơ quan chủ quản - nơi quản lý viên cảnh sát. 


Trong một thời gian ngắn, đã liên tiếp xảy ra 3 vụ việc nhà báo bị hành hung, cản trở công việc, gây bất bình cho đông đảo dư luận và đặc biệt là trong giới báo chí. PV là lực lượng tiên phong, là người phát hiện ra nhiều tiêu cực trong xã hội. Tình trạng này không thể xảy ra thêm một lần nữa. Theo tôi, pháp luật cần bảo vệ PV chặt chẽ hơn, cần xử lý nghiêm túc những đối tượng vi phạm nghiêm trọng luật báo chí trong thời gian vừa qua.

 

Phóng viên Trần Lưu – Báo Sài Gòn Giải Phóng: Có thể thấy, anh công an đó đã hành động rất ấu trĩ. Tôi đồ rằng khi còng tay chị Phương Thảo anh ta không hề biết mình đúng hay sai, không nghĩ đến hậu quả, không biết quyền hạn của mình đến đâu. Chỉ khi mọi người lên tiếng phản đối, anh ta mới nhìn lại mình.

 

Điều nguy hiểm nhất là anh công an này không phải trường hợp cá biệt, kể cả một số vị quan chức địa phương cũng có thái độ hách dịch, coi thường người khác.

 

Phóng viên Ngọc Dung - Báo Người Lao Động: Là những người PV nữ, công việc của chúng tôi rất khổ. Tôi thực sự bất bình trước sự việc CA còng tay PV vừa qua. Tôi cảm thấy như chính mình cũng bị xúc phạm. Để xảy ra sự việc này là vì chúng ta quá lơi lỏng trong việc bảo vệ quyền lợi tối thiểu của nhà báo: quyền tự do. Tôi theo dõi hai vụ việc trước đây xảy ra đối với PV báo Lao Động và PV báo An ninh Thế giới, thấy cả hai đều chưa đi đến đâu.

 

Sau vụ việc này, có thể thấy tình trạng nhà báo bị xúc phạm đã đến hồi báo động. Nếu như quyền lợi tối thiểu không được bảo vệ, thì tinh thần chiến đấu chống tiêu cực cũng bị giảm sút.

 

Phóng viên Lê Công Lý - Báo Pháp luật và Đời sống: Tôi rất phẫn nộ và lo ngại về những gì mà chúng tôi đang phải đối mặt hàng ngày. Công việc của chúng tôi luôn chứa đựng nhiều rủi ro nhưng rất tiếc chế tài bảo vệ lại quá chung chung và chưa đủ mạnh.

 

Về trường hợp của Phương Thảo, phóng viên báo Dân trí, tôi nghĩ rằng không thể chấp nhận, dù dưới bất kỳ hình thức nào, một người bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng như vậy.

 

Dù Phương Thảo có là nhà báo hay không thì việc còng tay một cô gái giữa đường là một hành động xúc phạm nhân phẩm con người. Theo tôi, Phương Thảo hoàn toàn có đầy đủ các yếu tố để khởi kiện kẻ đã xúc phạm cô.

 

Phóng viên Mai Xuân Cường - Báo Tiền Phong: Tôi rất bất bình trước việc phóng viên Lê Thị Phương Thảo bị cảnh sát còng tay ngay giữa đường. Theo tôi, chưa tính đến nguyên nhân của sự việc, chỉ riêng việc còng tay một công dân ở ngoài phố, sau đó bỏ đi là hoàn toàn trái pháp luật. Dù có chuyện gì đi chăng nữa thì phải mời về trụ sở làm việc đàng hoàng, chứ không thể cứ “thích” là còng tay người ta được!

 

Việc liên tiếp gần đây có nhiều phóng viên bị hành hung, cho thấy một thực trạng là, nhiều người hoặc chưa biết Luật Báo chí hoặc cố tình làm ngơ nhằm cản trở quá trình tác nghiệp của phóng viên. Việc vi phạm này dường như đã có hệ thống. Để đảm bảo quyền lợi cũng như tạo điều kiện để phóng viên thực hiện công việc của mình, tôi mong muốn và đề nghị Nhà nước cần có biện pháp xử lý nghiêm những người có coi thường pháp luật, cản trở và xúc phạm vô cớ đối với các phóng viên Trang Dũng, Văn Khanh, Phương Thảo…

 

Nhà báo Tạ Ngọc Kiên - Thời báo Kinh tế Việt nam: Sau 1 loạt các vụ cản trở nhà báo thi hành công việc trong thời gian gần đây, sự việc mới nhất này cho thấy tính chất của nó đã trở nên nghiêm trọng. Đáng buồn là người gây ra lại là 1 người được giao nhiệm vụ thừa hành và bảo vệ pháp luật. Tôi cho rằng Hội Nhà báo nên có tiếng nói mạnh mẽ hơn để tránh những sự việc đáng tiếc tái diễn trong tương lai.

 

Phóng viên Bùi Hưng Hải - Tạp chí Game Thủ.NET: Danh dự nhân phẩm nhà báo đang bị xúc phạm nghiêm trọng. Vụ việc vừa qua tại ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, viên CA đã hoàn toàn sai lầm trong xử lý. CA không có quyền vô cớ còng tay bất cứ một người dân bình thường không có dấu hiệu vi phạm, gây rối trật tự an toàn xã hội mà không đưa ra được lý do thoả đáng, hoặc có lệnh tạm giữ của cơ quan chức năng.

 

Tôi rất bất bình trước những sự việc liên tiếp diễn ra đối với báo giới vừa qua. Một phần không nhỏ trong số lực lượng bảo vệ, cảnh vệ… đã lạm dụng quyền hạn, cho mình quyền làm bất cứ điều gì, kể cả việc vô cớ đánh người (trường hợp PV Trang Dũng, báo An ninh Thế giới bị hành hung). Nếu như cơ quan chức năng không xử lý nghiêm túc, thì đây rất dễ trở thành vết trượt, thành tiền lệ cho những cá nhân khác tiếp tục vi phạm.

 

Nguyễn Ánh Nguyệt, sinh viên báo chí K47, Đại học KHXH&NV: Hàng loạt vụ tấn công và làm nhục nhà báo trong thời gian qua, đặc biệt là vụ còng tay nhà báo Phương Thảo đã gây nên nỗi bất bình và bức xúc trong lòng quần chúng và đặc biệt là đối với những người làm báo. Nghề báo là nghề luôn phải đối mặt với nguy hiểm, bởi những người  làm báo phải luôn tìm ra sự thật và nói lên sự thật. Chính vì vậy, theo tôi cần phải có những hành động kiên quyết để bảo vệ nhà báo, xử lý nghiêm những kẻ đã hành hung và làm nhục nhà báo. 

 

Nhà báo Mạnh Cường - Báo Dân Trí: Vẫn biết nghề báo là nghề nguy hiểm, nhưng đáng tiếc sự nguy hiểm xảy ra với phóng viên Phương Thảo lại đến từ phía tưởng như không nguy hiểm. Sẽ có rất nhiều người đặt ra câu hỏi: nhân viên của Cục Cảnh sát, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đã ý thức trách nhiệm của mình ra sao khi còng tay phóng viên như vậy. Bởi hơn ai hết, họ phải được trang bị những kiến thức pháp luật, phải biết rõ về những gì trong khuôn khổ quyền hạn của mình để không hành động tuỳ tiện…

 

Tai nạn Phương Thảo gặp phải đã nối dài thêm những vụ xâm phạm nhà báo, từng xảy ra với các phóng viên báo Lao động, An ninh thế giới, Đài Truyền Hình VN .v.v. Theo tôi mỗi vụ việc như vậy không chỉ để nêu lên hay “ồ” lên một hồi, rồi lại bị bỏ tõm vào quên lãng, ngày mai tiếp tục tái diễn. Các cơ quan liên quan phải giải quyết một cách rốt ráo, chứ không chỉ là vài lời xin lỗi vừa qua loa, vừa muộn màng theo kiểu sự việc đã rồi.

Nhóm PV (ghi)